+Aa-
    Zalo

    Hoá chất công nghiệp mới trong thức ăn chăn nuôi có gây hại cho sức khoẻ con người?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ngoài việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, hiện nay một số doanh nghiệp TĂCN còn kinh doanh chất Cyanuric acide, Dicyandiamide, Ammelide trong “bột dinh dưỡng cao đạm

    Ngoài việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, hiện nay một số doanh nghiệp kinh doanh thức ăn chăn nuôi (TĂCN) còn kinh doanh chất Cyanuric acide (axit Cyanuric), Dicyandiamide và Ammelide trong “bột dinh dưỡng cao đạm”.

    Trộn Cyanuric acide (axit Cyanuric), Dicyandiamide và Ammelide trong “bột dinh dưỡng cao đạm”

    Mới đây, thông tin từ báo NNVN cho biết, qua quá trình thanh tra đột xuất một số công ty SX, kinh doanh thức ăn chăn nuôi (TĂCN), lực lượng chức năng đã phát hiện một số DN NK, kinh doanh chất Cyanuric acide (axit Cyanuric), Dicyandiamide và Ammelide trong “bột dinh dưỡng cao đạm”.

    Loại bột này được bổ sung vào nguyên liệu TĂCN (cho cá da trơn, gia súc, gia cầm) nhằm nâng cao độ đạm.

    Báo NNVN cũng cho biết thêm, họ phát hiện một số DN đang rao bán các hoạt chất này. Trên website của Công ty TNHH Hoá chất Thuận Nam hiện đang rao bán axit Cyanuric dạng tinh thể màu trắng, hơi có vị đắng, đựng trong bao 20 – 50kg.

    Hoá chất xuất xứ từ Trung Quốc, có công dụng cấu thành axit Cyanuric– Formaldehyde Resin, nhựa Epoxy, chất chống oxy hoá, chất kết dính, sơn, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, chất ức chế ăn mòn kim loại; SX thuốc khử trùng chống thối rữa, chủ yếu được sử dụng để cấu tạo tổng hợp nên chất tẩy trắng thế hệ mới, chất chống oxy hoá, chế tạo ổn định clor, diệt khuẩn và khử độc ô nhiễm hồ bơi. Ngoài ra còn trực tiếp làm chất phụ gia trong SX nilon, mỹ phẩm, thuốc cháy...

    Ảnh minh hoạ.

    Tác hại của chất Melamine đối với sức khoẻ con người

    Axit Cyanuric là chất có cấu trúc tương tự như Melamine. Nếu chỉ có một mình melamin thì không độc trong những liều thấp, dựa vào một số nghiên cứu trên động vật, Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) tính mức độ dung nạp an toàn cho cơ thể mỗi ngày (tolerable daily intake, hay TDI) của melamin là 0,63mg/kg thể trọng/ngày. Cần lưu ý là mức độ này được ước tính dựa trên kết quả nghiên cứu về tác động của melamin đối với động vật chứ chưa phải trên người, đặc biệt là đối tượng trẻ nhỏ. Riêng đối với trẻ nhỏ (trẻ ở giai đoạn còn sử dụng sữa là thức ăn chính) cũng là thời điểm chức năng thận chưa hoàn chỉnh. Vì vậy, nếu nguồn sữa bị nhiễm melamin thì trẻ càng nhỏ, nguy cơ nhiễm độc cũng như mức độ nguy hiểm càng cao và dễ tử vong.

    Khi melamin vào cơ thể, chúng không được chuyển hóa tại gan mà đào thải trực tiếp qua thận. Trong máu, khi melamin gặp axit cyanuric, chúng sẽ phản ứng với nhau trong các ống thận, hình thành nên các chất kết tinh, các chất kết tinh này lớn dần gây ra tắc nghẽn làm cho ống thận không tạo được nước tiểu và cũng không đào thải được nước tiểu – đây chính là nguyên nhân dẫn đến suy thận, hoại tử thận, thậm chí là tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ.

    Tuy nhiên, axit Cyanuric là một thành phần trong TĂCN biuret, một phụ gia TĂCN dành cho động vật nhai lại, đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp nhận. Cũng theo WHO, 3 hoạt chất Melamine, axit Cyanuric và Ammelide có thành phần cấu trúc khá giống nhau.

    Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội), về lý thuyết cũng như trên thực tiễn, một hoá chất phụ gia trong TĂCN được công nhận là an toàn cho động vật nhai lại, chưa chắc đã an toàn cho các vật nuôi khác và con người. Ví dụ như Melamine, chỉ có trâu bò và một số động vật ăn cỏ nhai lại mới hấp thụ được.

    Bởi vậy, các nhà khoa học cần vào cuộc để làm sáng tỏ xem loài vật nào có thể hấp thu được đạm từ các chất Dicyandiamide, axit Cyanuric và Ammelide. Nếu hấp thụ được thì lượng dùng bao nhiêu là vừa để tránh tồn dư? Nếu không hấp thụ được, gây tồn dư trong cơ thể, ảnh hưởng đến sức khoẻ của loài vật và con người thì cần đưa vào danh mục hoá chất cấm sử dụng trong thực phẩm và TĂCN.

    Sử dụng hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi

    Các chuyên gia cho biết, sử dụng hóa chất công nghiệp vào sản xuất TACN, nuôi trồng thủy sản sẽ gây tồn dư kim loại nặng trên động vật, sản phẩm thực vật. Người tiêu dùng ăn vào sẽ gây tồn dư kim loại nặng trong cơ thể, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, như gây dị ứng, ngộ độc; có thể gây ung thư trong cơ thể tích tụ kim loại nặng vượt mức cho phép.

    Ngoài ra, việc dùng các loại hóa chất cũng làm ảnh hưởng xấu tới xuất khẩu thủy sản.

    Tháng 9/2016, Thanh tra Bộ NN&PTNT vừa cho biết, qua kiểm tra một số địa phương trọng điểm phía Nam như: TPHCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai đã phát hiện nhiều vi phạm, nhất là việc trộn các hóa chất công nghiệp vào cám tại công ty sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi (TACN), thủy sản.

    Qua kiểm tra đột xuất 2 công ty nhập khẩu, bán hóa chất cho các nhà máy TACN; 16 công ty chuyên sản xuất TACN, sản phẩm trong nuôi trồng thủy sản, lực lượng thanh tra đã phát hiện 10 công ty có hành vi vi phạm liên quan tới việc sử dụng hóa chất công nghiệp.

    Loại hóa chất công nghiệp được phát hiện chủ yếu là NaHCO3, MgSO4, MnSO4, CuSo4. FeSO4, CaCO3…là những chất dùng để sản xuất sơn, dệt nhuộm, công nghiệp giấy. Đáng lưu ý, trong các hóa chất trên còn lẫn nhiều tạp chất nguy hiểm khác. Các hành vi này được nhận định là đang khá phổ biến, nổi cộm, gây mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng và gây hoang mang cho xã hội.

    Thanh tra Bộ đã xử phạt vi phạm hành chính 12 công ty vi phạm với số tiền 456 triệu đồng; đình chỉ việc bán hóa chất công nghiệp cho các nhà máy TACN của hai công ty nhập khẩu hóa chất, buộc thu hồi và tiêu hủy các sản phẩm vi phạm có chứa các hóa chất công nghiệp.

    40 loại hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh động vật

    Có 24 loại hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh động vật thủy sản: Aristolochia spp và các chế phẩm từ chúng Chloramphenicol, Chloroform Chlorpromazine, Dimetridazole, Colchicine, Dapsone, Dimetridazole, Metronidazole,, Nitrofuran (bao gồm cả Furazolidone), Ronidazole, Green Malachite, Ipronidazole, Các Nitroimidazole khác, Clenbuterol, Diethylstilbestrol (DES), Glycopeptides, Trichlorfon (Dipterex), Gentian Violet (Crystal violet), Trifluralin, Cypermethrin, Cypermethrin, Enrofloxacin, Ciprofloxacin, Nhóm Fluoroquinolones.

    Có 16 loại hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh động vật trên cạn: Chloramphenicol, Furazolidon và dẫn xuất của nhóm Nitrofuran, Dimetridazole, Metronidazole, Dipterex Ciprofloxacin, Ofloxacin, Carbadox, Olaquidox, Olaquidox, Bacitracin Zn, Green Malachite, Gentian Violet, Clenbuterol, Salbutamol, Ractopamine, Diethylstilbestrol (DES).

    Mỹ An (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hoa-chat-cong-nghiep-moi-trong-thuc-an-chan-nuoi-co-gay-hai-cho-suc-khoe-con-nguoi-a213060.html
    Sự kiện: Y tế sức khỏe
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan