Hồ sơ Pandora đánh dấu hợp tác giữa Hiệp hội nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) với các đối tác là những hãng tin tức hàng đầu thế giới bao gồm The Guardian và The Washington Post. Ngay sau khi các nhà báo quyết định công bố những thông tin này, Hồ sơ Pandora đã tạo ra tiếng vang khắp thế giới.
Có gì trong Hồ sơ Pandora?
Pandora, bắt nguồn từ thần thoại Hy Lạp, là một chiếc lọ kín chứa tệ nạn của thế giới. Bởi vậy, các tác giả đã quyết định lấy tên này để đặt cho tập báo cáo “bom tấn” này.
Hồ sơ Pandora bao gồm 11,9 triệu tập tài liệu bị rò rỉ từ 14 công ty trong ngành dịch vụ tài chính nước ngoài. Trong đó, các tài liệu mô tả cách những người giàu có trên thế giới cất giữ tài sản của họ. Hồ sơ Pandora là sự hợp tác của hơn 600 nhà báo đến từ 117 quốc gia.
Trước Hồ sơ Pandora, thế giới cũng từng chấn động về 2 bản báo cáo khác là Hồ sơ Panama và Hồ sơ Paradise vào năm 2016-2017. Tuy nhiên, Hồ sơ Pandora đã vạch rõ mối liên hệ giữa các hoạt động của công ty tài chính nước ngoài với các chính trị gia, nhân vật quyền lực tại nhiều quốc gia. Mối liên hệ này được cho là nhiều hơn hẳn so với những những gì 2 báo cáo trước đó từng công bố.
Cụ thể, Hồ sơ Pandora bao gồm thông tin về hơn 330 chính trị gia và quan chức từ hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 35 nhà lãnh đạo hiện đang tại vị hoặc đã mãn nhiệm.
Giới nhà giàu đã giấu tiền bằng cách nào?
Một lĩnh vực đang phát triển mạnh của ngành dịch vụ tài chính đã hỗ trợ những người giàu có che giấu tổng số tài sản họ thật sự sở hữu, qua đó, giảm thiểu một cách hợp pháp các khoản thuế mà họ phải trả.
Những lợi thế này đạt được thông qua một số phương pháp cơ bản, dựa trên các nguyên tắc sở hữu trá hình và quy định thấp. Dịch vụ che đậy sự giàu có là một “đặc sản” được các thiên đường thuế như Panama, Dubai, Monaco, Thụy Sĩ và quần đảo Cayman, cũng như một số bang của Mỹ như Nam Dakota và Delaware cung cấp cho những người giàu.
Trong đó, quyền sở hữu đối với ngôi nhà và các tài sản khác có thể được che giấu bởi các công ty ẩn danh - những công ty không bắt buộc phải xác định chủ sở hữu của họ.
Ở một số nơi được xem là thiên đường thuế, không có yêu cầu pháp lý trong việc xác định và đăng ký tên chủ sở hữu được hưởng lợi của tài sản, tức là những người trực tiếp hưởng lợi từ tài sản ngay cả khi tên của người khác được liệt kê là chủ sở hữu.
Lợi dụng lỗ hổng quyền sở hữu có lợi này, các chủ sở hữu thực sự đã giữ kín danh tín đằng sau các lớp hồ sơ pháp lý. Ví dụ, chủ sở hữu của công ty A có thể được xác định là công ty B trong khi chủ sở hữu của công ty B có thể được xác định là công ty C và cứ như vậy.
Tại sao điều này lại hợp pháp?
Nhiều tỷ phú, người giàu có hoàn toàn có lý do hợp pháp để giữ kín thông tin về tài sản của họ, chẳng hạn như để bảo vệ họ khỏi nguy cơ bị tống tiền hoặc để đảm bảo quyền thừa kế cho con cháu của họ.
Tuy nhiên, theo những người ủng hộ sự minh bạch về hệ thống tài chính, hệ thống bảo mật thông tin này đang bị lạm dụng, dễ gây tham nhũng và được xây dựng từ lòng tham. Được biết, phần lớn ngành dịch vụ tài chính nước ngoài không phải chịu sự kiểm soát hoặc được tự quản lý các hoạt động của mình. Trong đó, một vài nhân viên ngân hàng, kiểm toán viên và kế toán làm việc trong ngành này là những cựu quan chức biết rõ những lỗ hổng trong hệ thống bảo mật thông tin tài sản.
Ủy ban Độc lập Cải cách Thuế Doanh nghiệp Quốc tế, một nhóm vận động có trụ sở tại Paris (Pháp), nhận định: “Hồ sơ Pandora đã tiết lộ hoạt động trong bóng tối của giới tài chính, cung cấp một cánh cửa dẫn vào các hoạt động tiềm ẩn của một nền kinh tế nước ngoài toàn cầu”.
Uỷ ban chỉ ra hệ thống “cho phép một số người giàu nhất thế giới và các công ty đa quốc gia che giấu tài sản thật sự của họ và trong một số trường hợp, họ phải trả ít hơn hoặc không phải trả thuế”.
Tầm quan trọng của Hồ sơ Pandora
Hồ sơ Pandora được công bố trong bối cảnh sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt và thậm chí còn tồi tệ hơn trên thế giới do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Những tiết lộ ngày có thể gây ra những “gợn sóng” chính trị ngay cả tại những quốc gia mà nhà lãnh đạo ít có trách nhiệm giải trình với người dân như Jordan, một quốc gia theo chế độ quân chủ.
Cụ thể, Hồ sơ Pandora đã nêu tên nhiều nhân vật quyền lực của thế giới bao gồm Vua Abdullah của Jordan. Trong đó, Vua Abdullah bị cáo buộc sử dụng vỏ bọc một công ty được đăng ký ở Caribe để mua 15 bất động sản ở Mỹ, Anh và nhiều nơi khác. Tuy nhiên, văn phòng đại diện của ông cho biết ông đã sử dụng tài sản cá nhân để mua những bất động sản này.
Ông Gary Kalman, giám đốc văn phòng tại Mỹ của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, một tổ chức giám sát tham nhũng tài chính trên khắp thế giới, nhận định người dân Jordan giờ đây đều biết “ông ấy đã chi tiền cho các bất động sản ở Malibu và Georgetown, trong khi ở Jordan, họ không có đủ tiền để cung cấp các dịch vụ cơ bản, điều đó thật tệ”.
Trong khi đó, những quan chức từng vận động tranh cử với cam kết chống tham nhũng như ở Pakistan, Cộng hòa Séc và Kenya cũng được nêu tên trong Hồ sơ Pandora. New York Times gọi đó là một điều đáng xấu hổ.
Lakshmi Kumar, giám đốc chính sách tại Global Financial Integrity, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Washington, chia sẻ: “Bất kỳ quốc gia nào cũng có một điểm cực hạn, khi đó người dân của họ sẽ cảm thấy thất vọng và tức giận tột độ. Chúng tôi đã đạt tới điểm cực hạn này ở một số quốc gia rồi”.
Có thể chấm dứt được điều này không?
Bà Kumar và những chuyên gia khác cho biết họ hy vọng Hồ sơ Pandora sẽ thúc đẩy các hành động nhằm tăng cường các quy định tài chính quốc tế, hạn chế việc tránh thuế và đặt giới hạn nghiêm ngặt để ngăn người giàu cất giấu tài sản. Bà nhận định một trong những điểm bà rút ra được từ tập hồ sơ “bom tấn” này là sự đồng lõa của các chủ ngân hàng với những hoạt động động của những khách hàng giàu có nhất của họ.
Bà Kumar phân tích: “Khi bạn giàu đến mức đó và bạn đang tìm kiếm một cách sáng tạo để giấu tiền, bạn không thể làm điều đó một mình. Bạn cần một mạng lưới các chuyên gia để giúp bạn. Những người này thường là những người có nhiệm vụ bảo vệ hệ thống tài chính”.
Minh Hạnh(Theo New York Times)