+Aa-
    Zalo

    Ho kéo dài sau khi mắc COVID-19, xử lý ra sao?

    (ĐS&PL) - Ho quá nhiều hoặc kéo dài sau khi mắc COVID-19 có thể gây ảnh hưởng không lớn tới sức khỏe cũng như sinh hoạt của người bệnh.

    Ho khan và ho có đờm

    Tri Thức Trực Tuyến dẫn thông tin từ bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy Cao áp Việt – Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, bộ Quốc phòng cho biết về bản chất ho là phản ứng để bảo vệ cơ thể, khiến mầm bệnh bị tống xuất ra khỏi đường hô hấp. Tuy nhiên, nếu tình trạng ho quá nhiều hoặc kéo dài gây mệt mỏi, khó ngủ thì sẽ phải điều trị.

    Bệnh nhân cần phân biệt rõ 2 loại ho gồm ho khan và ho có đờm. Ho khan thường xuất hiện khi người bệnh nhiễm virus, chúng xâm nhập và gây kích ứng đường hô hấp dẫn đến ho khan. Nếu gặp tình trạng này thì bệnh nhân nên dùng các loại thuốc giảm ho.

    Lựa chọn thứ nhất là mật ong, bạc hà và các loại thảo dược với tác dụng giảm kích thích đường hô hấp, từ đó hạn chế tình trạng ho khan do virus.

    Lựa chọn thứ hai là uống các loại thuốc giảm ho thông qua ức chế trung khu hô hấp. Các loại thuốc này thường chứa một trong hai hoạt chất là codein và dextromethorphan.

    Lựa chọn cuối cùng là uống các loại thuốc chống dị ứng nhóm kháng sinh histamin thế hệ cũ. Các loại thuốc này có thể bao gồm 2 hoạt chất là alimemazin và diphenhydramine, được chỉ định khi ho khan do dị ứng, kích thích, nhất là về ban đêm. Chú ý, thuốc có tác dụng gây buồn ngủ.

    Khác với ho khan, ho có đờm thường xuất hiện khi bệnh nhân có bệnh mạn tính về đường hô hấp hoặc nhiễm vi khuẩn. Thay vì các loại thuốc giảm ho, người bệnh nên sử dụng thuốc long đờm. Tuy nhiên, người bệnh lưu ý không uống các loại thuốc long đờm quá 10 ngày, trừ trường hợp có chỉ định của bác sĩ.

    Ho kéo dài sau khi mắc COVID-19

    Trên thực tế, nhiều bệnh nhân COVID-19 bị ho kéo dài dù có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Về nguyên nhân gây ho sau khi khỏi COVID-19, Sức Khỏe & Đời sống dẫn lời bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM cho biết có 4 nhóm: Sau khi khỏi bệnh, cơ thể còn đào thải chất tiết (xác virus); Người có cơ địa dị ứng/hoặc bị suyễn; Người có bệnh lý trào ngược sẵn có, uống thuốc nhiều thì tình trạng này tăng thêm; Có tình huống kích thích trung khu thần kinh ở dọc đường hô hấp, vùng khí quản, hầu họng.... gây ho.

    ho keo dai sau khi mac covid 19 xu tri ra sao
    Nhiều bệnh nhân COVID-19 có thể bị ho kéo dài dù đã âm tính với SARS-CoV-2. Ảnh minh họa

    Trong khi đó, bác sĩ Hoàng cho hay nếu người bệnh bị ho khan sau khi mắc COVID-19 thì nhiều khả năng virus vẫn còn trong cơ thể và chưa hết hẳn. Một số người thậm chí có thể đã nhiễm virus đường hô hấp khác, dị ứng, khói thuốc, hoặc hóa chất. Cách xử lý lúc này là dùng giảm ho bổ phế kết hợp thuốc chống dị ứng thế hệ cũ.

    Ngoài ra, một số trường hợp có thể ho khan do trào ngược dạ dày thực quản, lo lắng, mất ngủ, suy nghĩ nhiều từ khi còn mắc COVID-19, dẫn đến tăng tiết axit dạ dày, gây rối loạn co thắt dạ dày thực quản, từ đó gây ho. Lúc này, người bệnh sẽ phải dùng kháng axit để trung hòa dịch vị dạ dày, thuốc an thần nhẹ để giảm lo lắng, căng thẳng.

    Nếu bệnh nhân ho có đờm thì nguyên nhân có thể do viêm phế quản, viêm phổi bội nhiễm vi khuẩn. Các trường hợp này sẽ phải được thăm khám để bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh, thuốc long đờm.

    Một số bệnh phổi như hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản cũng có thể gây ra tình trạng ho có đờm. Bệnh nhân lúc này cũng cần đi khám chuyên khoa hô hấp để xử lý triệt để.

    Nấm đường hô hấp cũng là một trong số các nguyên nhân dẫn đến tình trạng ho kéo dài. Người bệnh sẽ cần bác sĩ chuyên khoa thăm khám và sử dụng thuốc chống nấm (thường hại gan) để điều trị triệt để.

    Theo bác sĩ Khanh, có nhiều “dạng” ho khác nhau như ho túc tắc, ngứa họng, ho sặc sụa. Nhiều người bị ho sau khi nói chuyện nhiều, cười nhiều, hít không khí lạnh, thở bằng miệng nhiều... Có người sau khi ăn no cũng ho, hít phải mùi lạ, thay đổi tư thế, thậm chí, cơn ho khiến họ thức giấc ban đêm.

    Để ứng phó với ho sau khi khỏi COVID-19, bác sĩ Khanh khuyên mọi người đi khám để đánh giá xem bản thân bị bệnh phổi khác (viêm phổi, lao phổi…), hoăc các bệnh như ho dị ứng, trào ngược, suyễn… hay đích thị là ho hậu COVID-19.

    Nếu không phải vì bệnh lý khác thì việc tự vận động, tập luyện, tẩm bổ sẽ khiến ho sau COVID-19 hết dần trong tương lai. Có những người cũng bị mệt mỏi, mất sức liên quan hô hấp, lúc này tập thở, tẩm bổ là cách duy nhất để quen dần.

    Hiện nay, một số người bị ho do di chứng sau COVID-19 đi khám được hướng dẫn "detox" (thanh lọc) phổi. Bác sĩ Khanh chia sẻ, việc thanh lọc (rửa) phổi chỉ nên áp dụng với những người trong môi trường hít phải quá nhiều bụi (than, kim loại). Về y học, không có bệnh lý nào phải thanh lọc phổi, mắc COVID-19 là do virus nên không phải thanh lọc phổi.

    Một số trường hợp mắc COVID-19 thể nặng có dấu vết sẹo hay dãy xơ trên phổi. Người bệnh gặp các vấn đề này không phải detox phổi mà cần tập thở để tăng khả năng trao đổi khí ở những vùng còn lại không bị xơ. Những vết xơ này sẽ làm bệnh nhân khó chịu, ngột thở, không có sức khi vận động mạnh hoặc đeo khẩu trang liên tục, do vậy tập thở là phương pháp hiệu quả nhất. 

    Theo bác sĩ Khanh, có thể làm giảm cơn ho bằng các biện pháp sau:

    - Tập thở: thở bụng có chú ý, hít vào bụng phình, thở ra bụng xẹp mỗi đợt 3-4 nhịp

    - Nuốt và ngậm miệng

    - Hít vào thở ra bằng mũi cho đến khi hết ho

    - Uống từng ngụm nước ấm, ngậm kẹo

    - Tránh để khô họng, uống đủ nước

    - Uống thuốc ho

    Đinh Kim(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ho-keo-dai-sau-khi-mac-covid-19-xu-ly-ra-sao-a529760.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan