Không có tư cách pháp nhân, các hộ gia đình, tổ hợp tác sẽ không được phép vay vốn các tổ chức tín dụng, theo nội dung Thông tư 39/2016/TT-NHNN.
Thông tin trên Trí thức trẻ, theo quy định tại Bộ Luật Dân sự 2015, các quan hệ dân sự chỉ được thiết lập giữa các chủ thể là pháp nhân hoặc cá nhân. Từ đây, Ngân hàng Nhà nước bổ sung thêm quy định khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng phải là pháp nhân, cá nhân.
Điều đó đồng nghĩa với việc những đối tượng như hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân sẽ không thể trở thành chủ thể vay vốn tại các tổ chức tín dụng. Quy định này có hiệu lực từ ngày 15/3 tới.
Hộ gia đình không được phép vay vốn tín dụng từ 15/3. |
Với quy định mới này, các hộ kinh doanh muốn vay vốn ngân hàng sẽ phải chuyển đổi tư cách sang doanh nghiệp, hoặc vay theo cá nhân chủ sở hữu, trả nợ theo tư cách cá nhân. Với các trường hợp vay vốn kinh doanh cho hộ gia đình theo tư cách cá nhân chủ sở hữu thì sẽ áp dụng theo quy định tại Thông tư số 43/2016/TT-NHNN.
Bản chất việc hộ kinh doanh không được vay vốn ngân hàng được lý giải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, các chuyên gia cho rằng việc bỏ chủ thể vay vốn hộ gia đình, hộ kinh doanh chỉ thay đổi vỏ hình thức là tên gọi.
Theo đó, Ông Trương Thanh Đức giải thích, quy định của Thông tư 39 chỉ đơn thuần điều chỉnh lại để làm rõ thuật ngữ, khái niệm. Việc bỏ chủ thể vay vốn hộ gia đình, hộ kinh doanh chỉ là thay đổi vỏ hình thức là tên gọi. Theo đó, từ nay trở đi, hộ gia đình, hộ kinh doanh sẽ giao dịch với tư cách của cá nhân, chứ chủ hộ không còn đương nhiên đại diện cho hộ như trước đây nữa.
Trong thông báo mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ rõ, trường hợp vay phục vụ hoạt động kinh doanh, cá nhân có thể vay để đáp ứng nhu cầu vốn của chính cá nhân đó và nhu cầu vốn của hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân mà cá nhân đó là chủ.
Như vậy, để vay vốn, các hộ kinh doanh phải chuyển đổi thành doanh nghiệp hoặc chủ hộ phải tự đứng tên vay. Nói cách khác, việc vay vốn sẽ tiến hành bằng danh nghĩa từng cá nhân, cá nhân tự chịu trách nhiệm trả nợ, chứ không phải với danh nghĩa hộ gia đình, hộ kinh doanh.
Nhìn rộng hơn, theo Luật sư Trương Thanh Đức, hộ gia đình là một trong những chủ thể của quan hệ trong Bộ luật Dân sự trước đây (năm 2005). Tuy nhiên, nó đã tạo ra vô vàn rắc rối pháp lý trong thực tế cuộc sống, vì tuy có quy định nhưng lại gần như không thể xác định được nếu dựa trên cơ sở pháp lý. Việc Bộ luật Dân sự 2015 loại bỏ hộ gia đình, với tư cách là một chủ thể trong quan hệ dân sự là cần thiết và hợp lý.
Cũng theo Trí thức trẻ, việc áp dụng quy định trên có thể tác động trực tiếp tới khoảng 5 triệu hộ gia đình đang triển khai kinh doanh tại Việt Nam. Số lượng việc làm mà khu vực kinh doanh này tạo ra là gần 8 triệu, tác động tương đối lớn tới GDP của toàn nền kinh tế.
(Tổng hợp)