Ao, hồ như lá phổi của cư dân trong vùng nhưng nếu không biết bảo vệ, giữ gìn, ao, hồ trở thành ổ bệnh. Nhiều giải pháp hay được thực hiện đã biến ao, hồ tù đọng thành ao, hồ sinh thái hữu ích.
Làm thế nào để gìn giữ và phát huy giá trị vốn có của ao, giếng làng trong xu thế đô thị hóa là bài toán không dễ, bởi ở nhiều nơi, "lá phổi xanh" của nông thôn đang bị biến thành "bãi rác" gây ô nhiễm.
Sau đây là những mô hình cải tạo ao làng thành công.
Ao làng Tháp Thượng (xã Song Phượng, huyện Đan Phượng), với diện tích gần 2.000m2, được cải tạo từ 11 ao nhỏ.
Mùa hè, người lớn, trẻ em tới vui chơi, bơi lội rất đông. Giữa ao có một "đảo" nhỏ, trước đây là nơi làm việc của Hợp tác xã Nông nghiệp xã Song Phượng, nay được quy hoạch thành Nhà Văn hóa kết hợp Nhà Truyền thống (lưu giữ các kỷ vật do người dân đóng góp, sưu tầm qua thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ và đổi mới). Cách xã Song Phượng chừng 3km, Phương Đình cũng là xã thực hiện tương đối tốt mô hình các ao, giếng làng môi trường.
Điển hình như giếng làng Phương Mạc, ngự phía trước đình làng Phương Mạc. Giếng rộng chừng 800m2, được kè đá chắc chắn, trồng hoa, thả rong, bèo súng (theo mùa). Quanh năm, nước giếng xanh trong. Xung quanh ao, những hàng cây, ghế đá và cột đèn như tôn thêm vẻ hiện đại, tạo nên khung cảnh không khác nhiều công viên trong TP.
Khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện đã rà soát tất cả các ao ở các xã. Không chọn phương án lấp ao, giếng để xây dựng công trình hay cho bán đấu giá, thay vào đó là đầu tư, cải tạo thành ao, giếng đảm bảo môi trường sạch, đẹp, nhằm tạo cảnh quan, điều hòa không khí. Từ năm 2009, xã Song Phượng đã tiến hành cải tạo hệ thống 6 ao trên địa bàn, với nguồn kinh phí hỗ trợ từ huyện và xã hội hóa.
Ao làng Thiên ở xã Dương Liễu (Huyện Hoài Đức, Hà Nội), trước kia là một cái ao ô nhiễm bốc mùi hôi, nhưng những năm gần đây lại trở thành một ao bơi sinh thái độc đáo.
Ảnh: báo Tài nguyên và Môi trường |
Ao làng Thiên có tuổi đời từ rất lâu, gắn bó với cuộc sống lao động sản xuất của người dân nơi đây. Ao có diện tích khoảng 7000 m2, nằm ở vị trí trung tâm của thôn. Khoảng 10 năm trước, người dân nơi đây phát triển làng nghề nên ao làng bị ô nhiễm và có nhiều rác thải. Xuất phát từ mong muốn của người dân trong thôn, dân làng đã cùng nhau góp tiền, góp công để cải tạo ao thành bể bơi sinh thái đầu tiên ở Hà Nội.
Vào những ngày nắng nóng, trung bình ao đón khoảng 500 đến 600 lượt người đến tắm với mọi lứa tuổi. Điều đặc biệt, đến với bể bơi, người dân hoàn toàn không phải mất một thứ phí nào.
Ao Dài (Nam Từ Liêm): Hiệu quả của mô hình thí điểm cộng đồng tham gia giám sát ô nhiễm và bảo vệ môi trường nước mặt ở Ao Dài đã có tác động rất lớn tới ý thức, thái độ của người dân đối với môi trường nước ở Nam Từ Liêm.
Thời gian qua, nhiều ao hồ ở Hà Nội đang bị thu hẹp diện tích và ô nhiễm. Mặc dù thành phố đã nỗ lực cải tạo, nạo vét ao hồ, nâng cao chất lượng nước nhưng tình trạng tái vi phạm và ô nhiễm vẫn diễn ra.
Ao Dài có diện tích khoảng 8.000m2 nằm trên địa phận của 2 tổ dân phố số 2 và số 4 thuộc phường Mễ Trì. Nhiều năm trước, nơi đây bị ô nhiễm nặng, trở thành “điểm đen” gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân trong vùng. Tuy nhiên, hiện nay ao đã mang diện mạo khác hẳn. Hàng ngày, nơi đây trở thành không gian công cộng, tập thể dục của người dân.
UBND phường Mễ Trì tiến hành thành lập tổ giám sát ô nhiễm môi trường tại Ao Dài. Tổ có 14 thành viên gồm đại diện Hội Phụ nữ, Thanh tra nhân dân, bảo vệ tổ dân phố, tổ trưởng tổ dân phố, người dân sống quanh ao...
Các hộ dân ở cả hai tổ dân phố ven Ao Dài đều cam kết tuân thủ quy định gìn giữ, bảo vệ ao, không san lấp, lấn chiếm, xả rác. Tích cực chung tay vớt rác, đồng thời hỗ trợ các đơn vị chuyên môn xử lý nước ao, thả bè thủy sinh, duy trì quy định hàng tuần tổng vệ sinh mặt nước và khu vực quanh ao… Cứ thế, chỉ một thời gian ngắn những hoạt động trên đã phát huy hiệu quả nhất định. Tầng nước bề mặt của Ao Dài đã được trả lại màu nước xanh, thay thế màu đen đục, tanh hôi trước kia.
Hàng ngày, Tổ giám sát của phường đều đi kiểm tra chất lượng nước ao bằng các thiết bị đo nhanh, thấy dấu hiệu vượt ngưỡng là báo cho phòng chuyên môn của quận có biện pháp xử lý. Mực nước có thể có lúc này, lúc khác nhưng chất lượng nước đang ngày một tốt lên. Tổ còn vận động người dân làm thêm bè thủy sinh thả trong ao để cải thiện chất lượng nước, đặt thêm hai thùng rác ở ven ao nhằm hạn chế hành vi xả rác bừa bãi.
Từ “điểm sáng” này, nhiều khu vực trên địa bàn thành phố đang tích cực nhân rộng mô hình tại các khu dân cư khác như: Ao Đình (Mễ Trì), ao Chuôm xanh (Trung Văn), ao Bồ Đề (Tây Mỗ), ao Liên Cơ (Đại Mỗ)… Tin chắc, với sự chung tay giám sát và tham gia bảo vệ môi trường của cả cộng đồng dân cư, thời gian tới nhiều “lá phổi xanh” sẽ thực sự hồi sinh.
Kiến Hoàng (T/h)