+Aa-
    Zalo

    Hình phạt nào cho 2 cha con hành hung thương binh sau va chạm giao thông?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đánh đập dã man người khác gây thương tích tổn hại sức khỏe đến 15% bất chấp sự can ngăn của người dân đã thể hiện sự côn đồ hung hãn với người không có khả năng tự vệ.

    "Vô cớ hành hung, đánh đập dã man người khác, dùng nạng inox gây thương tích tổn hại sức khỏe đến 15% bất chấp sự can ngăn của người dân đã thể hiện sự côn đồ hung hãn đối với người không có khả năng tự vệ - Luật sư Nguyễn Anh Thơm nhận định.

    Liên quan vụ hành hung thương binh tên Hoàng Tiến Vin ngay trên đường xảy ra vào ngày 25/1 tại xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), sáng ngày 9/2, cơ quan CSĐT Công an huyện Chương Mỹ cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can đối với hai cha con ông Nguyễn Bá Nhu (51 tuổi) và Nguyễn Bá Tài (25 tuổi, con trai ông Nhu) để điều tra hành vi cố ý gây thương tích. Ngay sau đó, cơ quan điều tra cũng đã thi hành lệnh tạm giam đối với Nguyễn Bá Nhu, còn Nguyễn Bá Tài được tại ngoại.

    Trung tá Trần Trí Dũng, Trưởng Công an huyện Chương Mỹ cho biết, cơ quan điều tra đã đưa ông Hoàng Tiến Vin đi giám định tỷ lệ thương tích với kết quả bị tổn hại sức khỏe với tỷ lệ thương tích 15%.

    Chia sẻ quan điểm về vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, vụ việc va quyệt xe xảy giữa xe Thương binh và xe ô tô đúng sai và do lỗi của ai gây ra sẽ được giải quyết theo trình tự thủ tục vụ việc giao thông.

    Hình ảnh hai cha con ông Nhu hành hung người thương binh già trên đường gây xôn xao dư luận. Ảnh: Internet

    Cụ thể, theo qui định của pháp luật, khi xảy ra tai nạn giao thông phải giữ nguyên hiện trường và thông báo cho lực lượng CSGT đến giải quyết. Bên nào là người có lỗi sẽ được xác định sau khi đã hoàn tất các thủ tục pháp lý như: Khám nghiệm hiện trường, Đo đạc và vẽ sơ đồ hiện trường,Thu lượm dấu vết, vật chứng, Lập biên bản khám nghiệm hiện trường theo quy định của Luật tố tụng hình sự, Chụp ảnh (và quay camera nếu có) ghi nhận vị trí, kích thước, màu sắc, trạng thái,... những dấu vết để lại trên các phương tiện; Kết quả khám nghiệm, kiểm tra, đối chiếu phải được ghi rõ ràng, đầy đủ vào biên bản khám nghiệm phương tiện. Những người tham gia khám nghiệm và người điều khiển phương tiện phải ký vào biên bản,... Trong quá trình điều tra vụ tai nạn giao thông nếu có căn cứ xác định hiện trường bị xáo trộn, hiện trường giả hoặc xét thấy cần thiết thì tổ chức dựng lại hiện trường. Khi dựng lại hiện trường nhất thiết phải có người chứng kiến, có thể mời người liên quan cùng tham gia.

    Nội dung dựng lại hiện trường là phải xác định lại vị trí dấu vết, người bị nạn, phương tiện để lại ở hiện trường, xem xét lại những tình huống, hành vi và những tình tiết khi xảy ra vụ tai nạn giao thông; đo đạc và vẽ lại sơ đồ hiện trường; chụp ảnh để làm cơ sở so sánh đối chiếu.

    Như vậy, cho đến thời điểm hiện tại chưa có cơ sở pháp lý để xác định việc va chạm giao thông xuất phát do lỗi của bác Thương binh hay do người điều khiển ô tô gây ra. Do vậy, vụ va chạm gia thông sẽ được Cơ quan chức năng xem xét giải quyết sau theo trình tự pháp luật là có căn cứ, đúng pháp luật.

    Xét hành vi phạm tội của các đối tượng thấy rằng, chỉ vì lý do cho rằng xe của bác thương binh quyệt vào xe ô tô và bỏ chạy mà đã vô cớ hành hung, đánh đập dã man bác Thương binh, dùng nạng inox gây thương tích tổn hại sức khỏe đến 15% bất chấp sự can ngăn của người dân đã thể hiện sự côn đồ hung hãn đối với người không có khả năng tự vệ. Hành vi phạm tội của các đối tượng, theo quan điểm của luật sư đã có dấu hiệu phạm Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác theo Khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự 1999 với các tình tiết định khung: có tính chất côn đồ, dùng hung khí nguy hiểm và gây thương tích cho người không có khả năng tự vệ.

    Trước đó, vào khoảng 17h30 ngày 25/1, tại khu vực thôn Phượng Đồng (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ), ôtô của cha con ông Nhu bất ngờ bị xe ba bánh của ông Vin vượt lên, va chạm gây móp, trầy xước vết dài bên hông, làm rơi rụng gương chiếu hậu, vỡ kính chắn gió.

    Sau va chạm, thấy ông Vin không dừng lại, ông Nhu lái xe đuổi theo, hô hào người tham gia giao thông chặn chiếc xe ba bánh trên.

    Khi đuổi đến khu vực gần trụ sở Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Chương Mỹ thì ông Vin mới chịu dừng xe. Do quá nóng giận trước sự bỏ chạy của ông Vin nên hai bố con ông Nhu đã lao vào hành hung ông Vin.

    Kết quả điều tra giám định tỷ lệ thương tật của Trung tâm giám định pháp y Viện khoa học hình, Bộ Công An đã kết luận ông Hoàn Tiến Vin đã bị tổn hại sức khỏe với tỷ lệ thương tích 15% .

    Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác

    1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

    a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

    b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

    c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

    d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

    đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

    e) Có tổ chức;

    g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

    h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

    i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

    k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

    2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

    3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

    4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hinh-phat-nao-cho-2-cha-con-hanh-hung-thuong-binh-sau-va-cham-giao-thong-a180514.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan