Theo Vietnamnet, cô Trần Thị Kiều Oanh (SN 1988) cho biết, mấy ngày trước, cô chia sẻ lên Facebook những bức hình cùng đồng nghiệp đến điểm trường Cát, Trỉa (thuộc Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Hướng Sơn) ở xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa đã nhận được sự quan tâm của người dùng mạng xã hội.
Trong loạt hình, 4 giáo viên cùng nhau đến điểm trường Cát, Trỉa gồm thầy Hồ Văn Thành (SN 1980), thầy Hồ Xuân Sinh (SN 1981), cô Trần Thị Kiều Oanh (SN 1988) và cô Trần Thị Minh Hằng (SN 1996). 2 điểm trường Cát, Trỉa cách xa trung tâm hàng chục km, điều kiện đi lại rất khó khăn.
Để đến được điểm trường, cô Oanh (ở huyện Cam Lộ) phải di chuyển hơn 40km. Còn cô Hằng, thầy Sinh (cùng ở huyện Vĩnh Linh) và thầy Thành (ở xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa) phải vượt qua quãng đường hơn 80km.
Nhưng vất vả chưa dừng lại ở đó. Các thầy cô còn phải vượt qua nhiều điểm suối dữ. Mới đây, do ảnh hưởng của mưa lũ kéo dài, nước lũ dâng cao khiến nhiều điểm cầu bị đứt. Các giáo viên phải dò dẫm lội qua các điểm cầu này. Có nơi mực nước cao hơn nửa người.
Đã một tuần khi phải vượt qua điểm suối chảy xiết đó đến giờ nhớ lại, cô Oanh vẫn cảm thấy sợ hãi. Cô tâm sự, cô dạy lớp ghép 1, 2 ở điểm trường Trỉa. Như đã thành thông lệ, cứ mỗi sáng thứ 2, cô và đồng nghiệp lại thu xếp hành trang đến lớp. Các giáo viên ở lại trường đến chiều thứ 6 mới về nhà.
“Nhờ thầy Thành cõng, tôi mới có thể qua được đoạn suối nguy hiểm đó. Giờ nhớ lại, tôi vẫn còn sợ. Quãng đường dài khoảng 20m và mực nước cao hơn nửa người. Dẫu biết trước hiểm nguy, nhưng nếu chúng tôi không đi qua cũng không quay về được nữa. Bởi con đường nơi đã đi qua, nước cũng đã lên cao và không có đường lui”, cô Oanh tâm sự với Vietnamnet.
Sau khi qua được con suối chảy xiết đó, các giáo viên phải đi thêm 6 điểm cầu tràn bị hỏng đến được lớp. Có điểm không thể vượt qua do nước dâng quá cao, cô Oanh cùng các giáo viên khác đành phải tá túc tại nhà người dân ở gần đó 2 ngày 2 đêm. Đến 9h thứ 4 (ngày 14/11), các giáo viên mới đến được điểm trường Cát.
Cô Oanh chia sẻ thêm, cô Oanh dạy ở điểm trường này từ năm 2019. Đường đến trường cứ mỗi lần mưa to là bị ngập, đi lại gian nan. Tuy nhiên, lần này là ngập nặng nhất.
Vào mùa mưa lũ, con đường đến trường của các thầy cô lại càng trở nên khó khăn, nguy hiểm. Anh Hồ Văn Thành (43 tuổi), là thầy giáo đã cõng cô Oanh vượt qua cơn lũ chia sẻ anh đã có 18 năm công tác tại vùng sâu. Tuy khó khăn, nguy hiểm nhưng anh luôn nghĩ đến học sinh, thấy thương các em ở miền núi. “Đây là nghề của chúng tôi, tôi luôn có ý thức trách nhiệm với nghề, với học trò của mình”, anh Thành nói.
Xem thên: Thừa Thiên – Huế: Giáo viên đội mưa đến trường dọn lụt, đón học sinh trở lại
Nhiều năm gắn bó với vùng núi Hướng Hóa, anh Thành luôn cố hết sức để mang con chữ đến với các em, khuyến khích các em đến trường, mong các em có tương lai tươi sáng.
Người đồng bào cũng hỗ trợ cho thầy cô nhiệt tình, dù không hề quen biết nhưng thấy nước chảy xiết cũng chạy đến cõng các cô giáo, hỗ trợ các thầy đẩy xe máy qua dòng nước lũ.
Thầy Nguyễn Đình Sâm - Hiệu trưởng trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hướng Sơn chia sẻ với báo Thanh Niên, những thầy cô giáo ở đây có lẽ đều đã “trơ” với khó khăn, vất vả. “Thầy cô luôn cố gắng, quyết tâm hơn nữa để vun trồng nên những bông hoa giữa mảnh đất khô cằn, tưởng chừng không thể”, thầy Sâm nói.
Thầy Sâm thông tin thêm, nhà trường luôn căn dặn quý thầy cô giáo dù tâm huyết, yêu nghề nhưng cũng cần đảm bảo an toàn. Nếu mưa to, nước lũ cao không đến trường được thì sẽ dạy bù cho học sinh vào buổi khác. Khi gặp khó khăn, thầy cô hãy thông báo cho nhà trường và chính quyền địa phương để được kịp thời hỗ trợ.
Thùy Dung (T/h)