Triều Tiên đã mời một số phóng viên Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Anh tới dự lễ tháo dỡ bãi thử hạt nhân, dự kiến diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 23-25/5.
Tại Hàn Quốc, phóng viên của tờ News 1 và đài MBC đã được chọn tới để đưa tin. Mỗi công ty truyền thông đã chọn 4 nhân viên, gồm 2 nhà báo và 2 phóng viên ảnh/quay phim. Họ đang trên đường tới Trung Quốc.
Các hãng thông tấn nước ngoài gồm AP, ABC và CNN cũng được mời cử phóng viên đến giám sát buổi lễ.
Nữ tiếp viên hàng không Triều Tiên trên chuyến bay. Ảnh: Sky News |
Bình Nhưỡng đã yêu cầu các hãng thông tấn trên lần lượt tới Đại sứ quán Triều Tiên ở Bắc Kinh vào 11h sáng 22/5. Các phóng viên sẽ di chuyển tới Wonsan, đông nam Triều Tiên trên một chiếc máy bay 70 chỗ ngồi mà Triều Tiên thuê, rồi sau đó đi xe buýt tới bãi thử Punggye-ri.
Trong khi đó, Bình Nhưỡng không chấp nhận danh sách các phóng viên mà Seoul lựa chọn tới để đưa tin.
Dòng chữ “Chào mừng” xuất hiện tại sân bay ở Wonsan. (Ảnh: Michael Greenfield) |
Theo Đài phát thanh Sputnik, chuyến bay của hãng Air Koryo xuất phát từ Bắc Kinh vào lúc 9h40 (giờ địa phương) ngày 22/5. Phóng viên của hãng này nhấn mạnh không có bất kỳ đại diện truyền thông nào của Hàn Quốc có mặt trên chuyến bay.
Ngay khi đặt chân xuống thành phố Wonsan ở vùng bờ biển phía Đông, các nhà báo nước ngoài được đưa tới một trung tâm báo chí đặt tại thành phố.
Phòng báo chí Triều Tiên chuẩn bị sẵn cho phóng viên tại Wonsan. Ảnh: Sky News |
Theo Cheshire, nhóm phóng viên nước ngoài sẽ đi 12 tiếng tàu hỏa để tới vùng núi trước khi tiếp tục di chuyển 4 tiếng bằng xe buýt và 2 tiếng đi bộ để tới Punggye-ri - khu thử hạt nhân của Triều Tiên. Tại Punggye-ri, họ sẽ được chứng kiến sự kiện đóng cửa khu thử hạt nhân theo lịch trình của Bình Nhưỡng. Triều Tiên từng tuyên bố sẽ đánh sập bãi thử hạt nhân Punggye-ri, nơi diễn ra 6 vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng, từ ngày 23-25/5 tùy thuộc vào thời tiết trước sự chứng kiến của truyền thông quốc tế.
Điện thoại của các phóng viên Sky News đã bị các quan chức Triều Tiên tịch thu khi họ đặt chân tới ở Wonsan và mỗi đoàn phóng viên của từng hãng truyền thông sẽ có một người hướng dẫn viên Triều Tiên đi kèm. Cheshire mô tả “sân bay mới bóng loáng” ở Wonsan “giống như một khu nghỉ dưỡng”.
Một người đàn ông (giữa) tự giới thiệu là phóng viên của báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, nói chuyện với các phóng viên nước ngoài tại sân bay Bắc Kinh. (Ảnh: Korea Times) |
Tại sân bay Wonsan, dụng cụ được các phóng viên sử dụng để đo mức độ phóng xạ tại khu thử hạt nhân cũng bị Triều Tiên thu giữ. Các nhà chức trách sở tại nói rằng khu thử hạt nhân hoàn toàn an toàn, do vậy các phóng viên nước ngoài không cần tới dụng cụ này.
Phóng viên nước ngoài đặt chân xuống sân bay ở gần thành phố Wonsan (Triều Tiên). Ảnh: Sky News |
Theo đó, Triều Tiên đang đề nghị mỗi phóng viên nước ngoài trả 10.000USD (gần 230 triệu đồng) lệ phí cấp thị thực để tới Triều Tiên đưa tin về sự kiện dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri.
Mỹ An (T/h)