Facebook không còn là ảo nữa khi cộng đồng này đã chứng tỏ được quyền lực của mình trong việc khiến Hồ Ngọc Hà phải "trả giá" về kinh tế cho hành động sai lầm của mình. Nhưng liệu đó có phải là sự bức xúc đơn thuần hay là sự kích động có chủ đích của các nhãn hàng đối thủ?
[mecloud]Sp7JaHRIXz[/mecloud]
Không còn là "ném đá ao bèo"
Trong số những scandal mà Hồ Ngọc Hà dính phải, có lẽ, đây là cơn khủng hoảng nhất mà cô phải đối mặt. So với các scandal trước của các nghệ sĩ, họ cùng lắm là bị các "anh hùng bán phím" phê phán, "ném đá" vài ngày là xong. Nhân vật chỉ cần bịt mắt và mất tích trong mấy ngày để không nghe, không đọc báo là mọi chuyện sẽ lại như nước chảy bèo trôi.
Nhưng sự việc lần này đã không còn nằm trong sự kiểm soát của Hồ Ngọc Hà nữa. Bởi hiệu ứng lên án và tẩy chay cô dường như được thực hiện rất có bài bản, có tổ chức hơn. Cứ nghĩ Facebook chỉ là ảo, nhưng qua chuyện này mới thấy, nó đã phát huy được sức mạnh của mình khi khiến Hồ Ngọc Hà khốn đốn không chỉ về tinh thần mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi về kinh tế. Cụ thể là các nhãn hàng quảng cáo mà cô đại diện.
Thời gian gần đây, ca sỹ Hồ Ngọc Hà đang là tâm điểm của dư luận. Ảnh: TL |
Họ lập nên một trang gọi là “Hội tẩy chay Hồ Ngọc Hà” với hơn 15.000 thành viên và vẫn không ngừng tăng lên mỗi ngày. Không dừng lại ở việc "nói cho sướng miệng", họ gửi thư đến nhà sản xuất các nhãn hàng mà Hồ Ngọc Hà là người đại diện để yêu cầu hủy bỏ hợp đồng; Cổ vũ cho phong trào không mua sắm các sản phẩm có liên quan đến Hồ Ngọc Hà với các khẩu hiệu: “Mua hàng khác không có Hà Hồ”, “Mua một món hàng của hãng X là bạn đã làm giàu cho kẻ chuyên đi phá vỡ hạnh phúc của gia đình khác”, “Mua hàng tránh mác Hà Hồ”.
Trên một trang web dành cho phụ nữ cũng lập một topic về chuyện của Hồ Ngọc Hà có trả lời kỷ lục lên tới hơn 5.200 comment, hơn 1,6 triệu lượt xem chỉ từ ngày 19/5 đến 8/6. Có thể thấy một điểm chung ở các diễn đàn này là đa số các bình luận đều là phụ nữ. Ngoài ra, bất cứ ai vào nói chuyện phải quấy, bênh vực Hồ Ngọc Hà hay chỉ đơn giản là khuyên hãy bình tĩnh thì lập tức bị các thành viên này "nhảy bổ" vào áp đảo đến "nóng mặt".
Ông bầu Dũng Taylor - chồng ca sĩ Thu Phương là người nổi tiếng trên mạng facebook, ngày hôm nay cũng đăng một status khá dài nhân chuyện của Hồ Ngọc Hà: "Việc công chúng thích phán xét và kết án người khác, nhất là những người nổi tiếng vì đã đặt lên vai họ một vị trí quá cao rồi đòi hỏi họ phải sống mẫu mực theo tiêu chuẩn của mình đặt ra. Nhưng thực tế thì họ cũng chỉ là người phàm và phạm lỗi như chúng ta, vì dục vọng và tham vọng".
Theo Dũng Taylor, chúng ta cần phân biệt giữa công và tư, đừng lấy cảm tính làm quyết định, sẽ nhất thời và mang tính cách cá nhân. "Cho dù Hồ Ngọc Hà có làm bao nhiêu tiền cũng không liên quan đến việc tôi viết bài này vì nó hoàn toàn không mang tính cách bênh vực hoặc tấn công cô ấy. Tôi chỉ lên tiếng và khuyến khích những ai đồng cảm với tôi, hãy có những hành động "đúng", đừng quá cảm tính hoặc ăn theo đám đông", Dũng Taylor viết. Và cũng như các diễn đàn kia, Dũng Taylor nhận được vô số những comment phản ứng là nữ giới.
Hãy nhìn sự phản ứng ở góc độ tích cực
Tại sao người "tẩy chay" và ghét Hồ Ngọc Hà lại phần nhiều là nữ giới? Trong khi đó, theo lẽ thông thường, phụ nữ phải là người hiểu và đồng cảm với nhau nhiều nhất? Điều này đúng, nhưng nó chuyển hướng sang phía "nạn nhân" là vợ của đại gia xứ Nghệ. Hơn nữa, xưa nay với người Việt, việc "người thứ ba phá hoại hạnh phúc gia đình" vốn là chuyện vô cùng nhạy cảm và bức xúc. Đứng ở góc độ phân tích tâm lý, phản ứng đám đông này còn là hệ quả của một sự dồn nén, bức bối trong đời sống của các cá nhân (nhất là phụ nữ bị rơi vào hoàn cảnh tan vỡ vì người thứ ba) khi không có cơ hội để được giải tỏa hoặc cải thiện.
Tuy nhiên, tại sao cùng trong một vấn đề, ca sĩ Maya cũng bị dính nghi vấn là có mối quan hệ tình cảm với đại gia xứ Nghệ này, nhưng búa rìu dư luận lại "tấn công" chủ yếu vào Hồ Ngọc Hà? Có lẽ là bởi, trong con mắt của công chúng lâu nay, Hồ Ngọc Hà luôn xuất hiện là một hình mẫu đẹp, có một gia đình hạnh phúc, có lối sống chuẩn mực khi tuyên bố "không yêu vì tiền", "không thích người đẹp trai"... Trước đó, cô còn thể hiện thái độ rõ ràng khi quyết định ly thân vì Cường “đô la” dính vào nghi vấn có quan hệ tình cảm với người khác. Vậy nhưng, chính cô lại là người đi vào "vết xe đổ".
Không ngoại trừ việc tẩy chay Hồ Ngọc Hà, ở đây còn do tâm lý đám đông. Bởi tính đến hiện tại, thực hư chuyện "phá hoại gia đình" vẫn chưa được chứng minh rõ ràng. Nhưng bất chấp những bằng chứng, đám đông vẫn hàng ngày “la hét” và “ném đá” khiến không ít người cảm thấy họ đáng thương vì mất thời gian vô bổ.
Ở khía cạnh này, nhà văn Trang Hạ từng nêu quan điểm, không nên và đừng lấy văn hóa ra để làm “cái mũ” quy chụp cho hành vi mang tính đám đông. "Trước hết, phải công nhận một điều là công chúng có quyền đánh giá, quyền phát ngôn. Còn việc chê bai đó có làm cho xã hội tốt đẹp lên hay không thì cần phải bàn thêm, nhưng tôi khẳng định, “một đám đông câm mồm” chỉ làm cho xã hội tồi tệ hơn mà thôi. Vậy nên đừng “tấn công” đám đông khi họ bình luận về một vấn đề nào đó", nhà văn Trang Hạ nói.
Chị cũng khá lạc quan khi cho rằng, việc “tấn công cá nhân” của số đông công chúng sẽ khiến cho họ có thêm động lực để phấn đấu, nhìn nhận bản thân và vị trí, vai trò của mình trong lòng công chúng. Hơn nữa, sự mổ xẻ cũng chứng tỏ một điều, người đó đang có vai trò vô cùng quan trọng trong mắt công chúng. Nó sẽ khiến họ phải biết nỗ lực hơn.
Thế nên, sự "tẩy chay" này sẽ được Hồ Ngọc Hà nhìn nhận ở góc độ bị tổn thương tinh thần hay là động lực để hoàn thiện bản thân còn phụ thuộc vào bản lĩnh của Hồ Ngọc Hà. Còn với "các bà mẹ bỉm sữa" vẫn hàng ngày miệt mài lên các diễn đàn theo dõi và “ném đá”, sẽ là thông minh và thiết thực hơn nếu họ nghe theo lời khuyên của ông bầu Dũng Taylor: "Nếu chúng ta thấy thất vọng về một biểu tượng nào đó thì hành động văn minh nhất chính là không ủng hộ người đó nữa... Hãy dành thời gian và công sức quý báu của mình cho bản thân và gia đình ".
Theo Minh Nhật/Báo Gia đình & Xã hội
Xem thêm video hot:
[mecloud]A34nRJYK4W[/mecloud]