Ngày 13/6, ban Chấp hành Hiệp hội Luật gia Châu Á - Thái Bình Dương (COLAP) tổ chức cuộc họp trực tuyến để thảo luận về các vấn đề nổi bật trong khu vực thời gian gần đây, trong đó có tình hình phức tạp ở biển Đông.
Cuộc họp có đại diện của tất cả các nước thành viên COLAP bao gồm: Việt Nam, Hàn Quốc, Philippines, Pakistan, NePal, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Bangladesh và đại diện hội Luật gia dân chủ quốc tế.
Đại diện cho hội Luật gia Việt Nam, đồng chí Lê Thị Kim Thanh, Phó Chủ tịch Hội và một số cán bộ Hội đã tham dự cuộc họp và có bài tham luận về chủ đề “Những diễn biến mới trên biển Đông và tác động của các hành vi gây gia tăng căng thẳng ở biển Đông”.
Trong khuôn khổ cuộc họp, COLAP đã thống nhất ra tuyên bố về tình hình Biển Đông như sau:
COLAP được biết thời gian gần đây vấn đề tranh chấp pháp lý ở biển Đông có những diễn biến mới phức tạp hơn. Cụ thể, sau khi Malaysia đệ trình báo cáo về ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hợp quốc vào ngày 12/12/2019, Trung Quốc đã có Công hàm số CML/14/2019 phản hồi.
Trong đó khẳng định nước này có chủ quyền, quyền lịch sử ở biển Đông, đồng thời các đảo ở Biển Đông (mà Trung Quốc gọi là Nam Hải Chư đảo, bao gồm quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa và quần đảo Nam Sa) có nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Phó Chủ tịch hội Luật gia Việt Nam, Lê Thị Kim Thanh. |
Sau đó các nước khác trong khu vực là Philippines, Việt Nam và Indonesia đã gửi các công hàm (số 000191-2020 ngày 06/3/2020 của Philippines, số 22/HC-2020 ngày 30/3/2020 của Việt Nam, số 126/POL-703/V/20 ngày 26/5/2020 của Indonesia) bác bỏ các yêu sách nêu trên của Trung Quốc.
Thậm chí Mỹ - Một nước không có yêu sách ở biển Đông, cũng đã gửi công hàm ngày 01/6/2020, phản đối các yêu sách của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước của Liên Hợp Quốc năm 1982 về luật Biển (UNCLOS 1982).
Trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông thời gian gần đây, COLAP nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết phải tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982. COLAP cho rằng phán quyết của tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982 trong vụ việc Philippines kiện Trung Quốc là một cơ sở quan trọng và có giá trị pháp lý ràng buộc đối với các bên liên quan trực tiếp.
COLAP kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế bao gồm UNCLOS 1982 trên cơ sở đàm phán, đối thoại, tôn trọng chủ quyền và quyền tự quyết của nhau.
Với mục đích thúc đẩy hòa bình trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và trên toàn thế giới nói chung, kể từ khi được thành lập vào năm 2016, COLAP thường xuyên quan tâm và theo dõi sát sao tình hình ở biển Đông. Tại các hội nghị thường niên của COLAP đều có nội dung thảo luận về vấn đề biển Đông và sau mỗi Hội nghị đều ra Tuyên bố về vấn đề này.