Mới đây, ca sĩ Hiền Thục bày tỏ sự bức xúc trước việc nhiều trang Facebook bán vải đã sử dụng hình ảnh mặc áo dài của cô để quảng cáo cho việc kinh doanh vải gấm.
Thời gian gần đây, việc nhiều nhãn hiệu, đơn vị kinh doanh tự ý sử dụng hình ảnh người nổi tiếng để quảng cáo, thu hút khách hàng ngày càng phổ biến. Thậm chí, việc nhiều sản phẩm không đạt chất lượng hoặc thậm chí kém chất lượng sử dụng trái phép hình ảnh của người nổi tiếng để quảng cáo ảnh hưởng không ít đến uy tín cá nhân.
Là ca sĩ nổi tiếng và đặc biệt được nhiều người yêu thích khi cô mặc tà dài áo truyền thống, Hiền Thục cũng vướng phải trường hợp giả mạo như vậy. Cụ thể, ca sĩ Hiền Thục bày tỏ sự bức xúc trước việc nhiều trang Facebook bán vải đã sử dụng hình ảnh mặc áo dài của cô để quảng cáo cho việc kinh doanh vải gấm. Dù đã được phía ca sĩ nhắc nhở nhưng một số phía kinh doanh vải không có dấu hiệu dừng lại.
Hình ảnh ca sĩ Hiền Thục bị một số trang bán vải trên Facebook sử dụng để bán hàng. |
Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, ca sĩ Hiền Thục cho biết: “Đối với những hình ảnh đẹp, nhất là hình ảnh mình mặc áo dài truyền thống của đất nước được quảng bá sâu rộng, tôi vô cùng hãnh diện và tự hào. Tuy nhiên, việc lấy hình ảnh của cá nhân tôi để quảng cáo, minh họa cho việc kinh doanh mà không được sự thông qua, đồng ý của nhân vật đó thì là trái phép. Đối với tôi, nếu các bên kinh doanh có liên hệ và có ý kiến chân thành về việc sử dụng hình ảnh của đối tác với mục đích như thế nào thì có thể thông cảm. Việc thương thảo với đối tác mà Thục nói đến không phải là việc nếu sử dụng hình ảnh của Thục sẽ phải trả bao nhiêu tiền mà đó là động thái chứng minh phía kinh doanh vải gấm có sự tôn trọng với hình ảnh của Thục.
Việc các trang Facebook sử dụng hình ảnh của tôi mặc áo dài để quảng áo, bán hành không chỉ gây ra sự bức xức mà còn khiến tôi cảm tổn thương vì không được tôn trọng. Không chỉ riêng Hiền Thục, mà bất kì một ai đều mong muốn phía kinh doanh thấu hiểu điều này”.
Chia sẻ thêm về những bộ ảnh áo dài gần đây, ca sĩ của bản hit “Nhật ký của mẹ” cho biết, cô và nhiếp ảnh gia thực hiện để với mục đích làm kỉ niệm, lưu lại những khoảnh khắc của cô tại thời điểm này. Hiền Thục cũng rất vui vì những hình ảnh đó giúp đưa hình ảnh áo dài, niềm tự hào áo dài đến nhiều người hơn.
Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với PV, luật sư Phạm Hồng Kiên – Giám đốc công ty Luật Cán Cân Việt cho biết, quyền của mỗi cá nhân đối với hình ảnh của mình là quyền được pháp luật quy định và bảo vệ. Việc sử dụng hình ảnh cá nhân cho mục đích thương mại mà không có sự đồng ý của cá nhân có hình ảnh là hành vi vi phạm pháp luật.
Cụ thể, Khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự quy định, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình”. Ngoài ra, Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải được sự đồng ý của người đó và phải trả thù lao cho hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Sử dụng hình ảnh của người khác sai quy định thì người bị sử dụng hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Hành vi quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý cũng là hành vi bị cấm tại khoản 8 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012.
Cụ thể, tại Điểm b Khoản 3 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng khi quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý. Đối với cùng một hành vi vi phạm, mức phạt tiền của tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Biện pháp khắc phục hậu quả lúc này là buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.
Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Như vậy, pháp luật đã quy định về mức xử phạt đối với hành vi quảng cáo mạo danh người nổi tiếng rất cụ thể. Nếu thấy hình ảnh của mình bị sử dụng không xin phép, gây hậu quả xấu, các nghệ sĩ có thể nhờ đến cơ quan chức năng can thiệp, xử lý vừa bảo vệ quyền lợi của mình và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.