Do các lý do khác nhau, nhiều chủ phương tiện vô tư bỏ lại xe vi phạm tại bãi giữ xe khiến việc “giải cứu” các bãi giữ xe vi phạm đang trong tình trạng quá tải đã khó nay lại càng quá tải nhiều hơn.
Bệnh đã bắt, nhưng chưa có thuốc
Theo ghi nhận của phóng viên tạp chí ĐS&PL tại bãi tạm giữ xe vi phạm Hà Cầu (quận Hà Đông, Hà Nội) vào chiều 12/6, hàng trăm chiếc xe đủ loại, chủ yếu là xe máy nằm đắp chiếu, bụi phủ, nhiều xe đã có tình trạng han gỉ do không có người đến nhận.
Được biết, các phương tiện tạm giữ tại đây là những trường hợp xe tang vật trong vụ án, xe liên quan đến tai nạn giao thông,... đặc biệt là các xe vi phạm giao thông bị chủ phương tiện bỏ lại trên địa bàn quận Hà Đông.
Trao đổi với PV, Thiếu tá Nguyễn Minh Đức -Phó Đội trưởng đội CSGT số 7 (phòng CSGT - CATP Hà Nội) - cho biết: “Số liệu thống kê từ đầu năm 2020 đến hết ngày 31/5/2020, đội CSGT số 7 tạm giữ tổng cộng 512 phương tiện vi phạm gồm 6 ô tô, 3 xe máy điện và 504 xe mô tô. Trong đó, có 150 trường hợp người vi phạm không đến nhận lại phương tiện (1 ôtô, 2 xe máy điện và 147 xe mô tô)”.
Nhận định về nguyên nhân dẫn đến thực trạng chủ phương tiện không đến nhận lại phương tiện, Thiếu tá Đức cho rằng: “Nguyên nhân thứ nhất là do các xe này không có hoặc mất giấy tờ đăng ký, xe biển giả, các xe nhập lậu được mua trôi nổi trên thị trường. Nguyên nhân thứ hai là do chủ phương tiện bị phát hiện những hành vi như đi xe trộm cắp, hoặc trên người có ma túy nên không dám đến cơ quan công an để xác minh.
Một nguyên nhân khác là do mức xử phạt cao hơn giá trị thực của chiếc xe cùng với thủ tục nhận lại xe mất nhiều thời gian. Ví dụ như trường hợp vi phạm nồng độ cồn có mức xử phạt tối đa là trên 7 triệu đồng trong khi chiếc xe đó đã quá cũ, nếu bán ra ngoài thị trường chỉ có giá 2 – 3 triệu đồng”.
Hàng loạt phương tiện nằm đắp chiếu, bụi phủ tại bãi tạm giữ xe vi phạm Hà Cầu (quận Hà Đông, Hà Nội). |
Thiếu tá Đức cũng cho rằng, việc các tài xế không đến nộp phạt để nhận lại xe khiến các kho tạm giữ phương tiện ở trong tình trạng quá tải.
Một khó khăn khác mà lực lượng CSGT gặp phải khi xử lý các xe “vô chủ” này là công tác tịch thu, thanh lý tài sản. Công tác này phải trải qua hàng loạt các thủ tục như: Xác minh nguồn gốc chủ sở hữu, mời đương sự đến giải quyết (gửi giấy mời 3 lần tới chủ phương tiện, đăng thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, dán thông báo 1 tháng tại trụ sở đội CSGT), tổ chức giám định, tra cứu xe nghi vấn không hợp pháp, xe bị đục số khung, số máy...
Tiếp đó, phương tiện này sẽ được chuyển cho trung tâm bán đấu giá cấp tỉnh hoặc hội đồng bán đấu giá cấp huyện để thực hiện bán đấu giá các phương tiện.
Theo quy định hiện hành, người vi phạm luật Giao thông bị tịch thu phương tiện sẽ có thời gian tối đa là 30 ngày để đến trình diện cơ quan công an kể từ ngày nhận được thông báo. Nếu sau 30 ngày mà chủ phương tiện không đến lấy xe thì sẽ bị tịch thu tài sản và đấu thầu nộp kho bạc Nhà nước.
Cùng trao đổi với PV về vấn đề này, Thượng tá Ngô Văn Phục - Phó Trưởng phòng CSGT tỉnh Bắc Giang - cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, phòng CSGT tỉnh Bắc Giang đã phát hiện, xử lý 1.140 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó có đến 1.085 tài xế xe máy. Chỉ tính riêng trong đợt tổng kiểm soát các phương tiện giao thông đường bộ từ ngày 15/5 đến nay đã phát hiện, xử lý 163 trường hợp.
“Đến thời điểm hiện tại, kho tạm giữ phương tiện của phòng CSGT, Công an tỉnh Bắc Giang đang tồn đọng 250 chiếc xe máy vi phạm đã hết thời hạn xử lý đang chờ làm thủ tục giám định bán đấu giá, nộp vào ngân sách Nhà nước”, Thượng tá Phục cho biết.
Cơ chế chưa thông
Thiếu tá Đức cho rằng khó khăn lớn nhất trong việc “giải cứu” xe vô chủ vẫn nằm ở cơ chế xử lý.
“Thay vì tạm giữ phương tiện, giấy tờ của người vi phạm, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu, đưa ra quy định cho phép lực lượng CSGT có thể trừ tiền thông qua số tài khoản của người vi phạm.
Đồng thời, đối với các phương tiện bị người vi phạm bỏ lại, nếu phương tiện còn có thể tái sử dụng được thì cơ quan chức năng có thể xem xét tu sửa để phân về cho lực lượng chức năng tại các địa phương thay vì thanh lý với giá siêu rẻ như hiện nay” - Thiếu tá Đức kiến nghị.
Còn luật sư Nghiêm Quang Vinh - Giám đốc công ty Luật Nghiêm Quang (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) lại cho rằng: “Thay vì tạm giữ phương tiện, lực lượng chức năng cần xem xét để nâng cao mức xử phạt hành chính, phạt tiền trực tiếp với người vi phạm. Bởi lẽ, CSGT bắt buộc lập biên bản tạm giữ phương tiện thế nhưng người vi phạm có quyền đến nộp phạt để nhận lại phương tiện hoặc không. Sẽ chẳng ai muốn bỏ ra số tiền nộp phạt lớn hơn giá trị thực của phương tiện, thêm vào đó là hàng loạt thủ tục để đưa được xe của mình ra khỏi kho bãi”.
Thiếu tá Nguyễn Minh Đức cho biết, giá giữ xe tại bãi giữ xe Hà Cầu nói riêng và các bãi giữ xe vi phạm khác trên địa bàn Hà Nội nói chung được quy định cụ thể theo Quyết định 44/2017/QĐ-UBND của UBND TP.Hà Nội. Theo đó, đối với xe máy, xe lam có mức thu 8.000 đồng/xe/ngày đêm; Xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện, xe xích lô là 5.000đồng/xe/ngày đêm; Xe ô tô đến 9 ghế ngồi và xe tải từ 2 tấn trở xuống có giá 70.000 đồng/xe/ngày đêm và xe từ 10 ghế ngồi trở lên và xe tải trên 2 tấn trở lên là 90.000đồng/xe/ngày đêm. |
Nguyễn Lâm
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ 2 (95)