(ĐSPL)- Trong thảm cảnh ở Quảng Ninh, yếu tố thiên tai là bất khả kháng, nhưng dư luận có quyền đặt câu hỏi về tầm nhìn của các nhà quản lý. Dường như, vì hiệu quả kinh tế mà khâu xử lý sau khai thác chưa được chú trọng và hậu quả xảy ra đã vượt sức tưởng tượng của con người. PV báo ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với TS. Ngô Quang Toàn - Viện phó viện Nghiên cứu Ứng dụng Khoa học và Công nghệ biển (Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam), cựu Trưởng đoàn Địa chất Hà Nội để mổ xẻ vấn đề này.
TS. Ngô Quang Toàn (ảnh A.Đ). |
Nguy cơ ô nhiễm môi trường
Trên thực tế, việc khai thác tài nguyên khoáng sản đã có những quy định cụ thể trong luật, tuy nhiên ở không ít địa phương, việc khai thác than đã để lại những hệ quả đau lòng như việc sạt lở bãi thải mỏ than Phấn Mễ, tỉnh Thái Nguyên cách đây không lâu. Là một nhà khoa học, ông đánh giá thế nào về nguy cơ từ những bãi thải than khổng lồ hiện nay?
Với nhiều nước trên thế giới, họ khai thác than chủ yếu theo dạng ngầm nên lượng chất thải sẽ ít hơn. Trong khi đó, ở Quảng Ninh, việc khai thác chủ yếu theo hình thức lộ thiên dẫn đến chất thải chất đống, tạo thành những ngọn núi nhân tạo. Bình thường đất đá nén chặt thì không sao, đến khi xảy ra những trận mưa lớn như vừa rồi, cả dãy núi chất thải sẽ đổ sập xuống, hình thành những dòng bùn đen vùi lấp. Thậm chí, những khối than hàng triệu tấn đang khai thác cũng bị mưa lũ cuốn đi làm thành các dòng than vùi lấp các vùng xung quanh. Đó là chưa kể, trong bãi thải than có một phần hàm lượng sắt. Qua quá trình oxy hóa cộng với những nguyên tố lưu huỳnh có thể tạo thành dạng a-xít sunfuric, gây tác động xấu tới môi trường.
Trong câu chuyện khai thác than, dường như chúng ta mới chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế mà bỏ ngỏ khâu xử lý sau khai thác. Khi có điều kiện phát sinh, tất yếu dẫn đến tai họa. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
Cơn mưa lớn với lượng đất đá trôi xuống kỷ lục trong đợt mưa lần này là bài học để ngành than cần nâng cao trách nhiệm khi khai thác khoáng sản. Theo tôi, việc sạt lở, trôi bùn đất nhiều ở Quảng Ninh chính vì các bãi thải chứ không phải do địa hình. Thảm họa này đã đặt ra câu chuyện, dường như lâu nay chúng ta đã khai thác than lộ thiên bất chấp để đạt sản lượng, chạy theo lợi nhuận mà bỏ quên vấn đề môi trường. Chính con người đã tạo ra những khối núi treo lơ lửng trên đầu.
Làm gì để giảm thiểu thiệt hại trong tương lai?
Mọi thực tế phát sinh đều đã được cảnh báo, song, dường như ý kiến của các nhà khoa học chưa được quan tâm đúng mức, thưa ông?
Tôi cho rằng, nếu các nhà quản lý có tầm nhìn xa, khi khai thác, họ đã tiến hành song song các biện pháp xử lý, bảo vệ môi trường. Rất nhiều lần đi khảo sát, tôi thấy cả mấy chục năm nay, những khối núi thải than khổng lồ vẫn trơ trọi như thế. Với những dãy đồi trọc, nếu được trồng cây xanh sẽ hạn chế rất lớn sức tàn phá của mưa lũ, dòng bùn... Tôi còn nhớ, cách đây vài năm cũng xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng tại bãi than của mỏ than Núi Hồng (Đại Từ, Thái Nguyên). Chính việc khai thác đã tạo thành những ngọn núi nhân tạo gây tai nạn. Trở lại câu chuyện của Quảng Ninh, nếu không được áp dụng các biện pháp khai thác tiên tiến, khai thác đi đôi với xử lý môi trường, tôi e rằng tính mạng người dân và công nhân sẽ còn bị đe dọa.
Theo ông, trách nhiệm thuộc về ai trong câu chuyện bùn đen phủ kín nhà dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân sinh của bà con vùng than?
Vẫn biết rằng, thiên tai là bất khả kháng nhưng nếu nhìn nhận về trách nhiệm, theo tôi, những đơn vị thuộc TKV sẽ phải chịu trách nhiệm trước tiên. Bởi, nhiều khi họ quá tập trung vào khai thác mà lơ là việc tính toán vấn đề tác động của môi trường, đảm bảo đời sống người dân... Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã nói: “Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi để dân chết do mưa lũ”. Tôi hoàn toàn tán thành và đề nghị các ngành chức năng cần làm rõ trách nhiệm sau thảm họa này.
Với tình hình thực tế ở Quảng Ninh, ông có sáng kiến mang tính chiến lược cho sự phát triển lâu dài, bền vững của vùng mỏ và giảm thiểu thiệt hại trong tương lai?
Kinh nghiệm của Hàn Quốc và một số nước trên thế giới, khoáng sản của họ cũng khá nhiều nhưng họ vẫn đi mua của nước ngoài. Việc khai thác của họ chủ yếu là ngầm, áp dụng công nghệ tiên tiến nên không tạo ra lượng chất thải nhiều và ít ảnh hưởng đến địa chất. Còn chúng ta, nhiều khi khai thác lấy được mà quên đánh giá tác động môi trường. Trong quy hoạch về năng lượng, quy hoạch ngành than phải tính đến cả cái mất khi phải hứng chịu những tác động của biến đổi khí hậu. Từ đó xác định giải pháp khai thác ra sao, chỗ nào được khai thác, chỗ nào phải giữ rừng, không nên khai thác bằng mọi giá.
Trân trọng cảm ơn ông!
Lại Cường - Anh Đức
Xem thêm video:
[mecloud]c9e7cAziZV [/mecloud]