(ĐSPL) - Người dân ở thôn 12, xã An Phú, TP Pleiku (Gia Lai) đang ngày ngày bị ám ảnh bởi mối nguy hiểm rình rập từ những đường dây điện tạm bợ, chằng chịt như mạng nhện.
|
Các mối hở dày đặc của đường dây điện ở thôn 12, xã An Phú |
Để có điện sử dụng, nhiều năm nay, người dân thôn 12, xã An Phú đã tự chế cột điện, kéo đường dây từ trục đường chính vào các ngõ. Theo quan sát, những cột điện ở đây được chế từ tre, gỗ, thậm chí là từ những cây le chỉ to bằng bắp tay. Chính vì thế, dây điện luôn thõng xuống thấp bởi cột điện tự chế không đủ sức chống đỡ.Điều đáng nói, tại nhiều đường dây, rất nhiều mối nối còn hở ra cả lõi đồng. Không chỉ vậy, nhiều công tơ điện được lắp thấp đến nỗi trẻ em cũng có thể với tới... Người dân luôn phải sống trong bất an vì nguy hiểm rập rình.
|
Công tơ điện được lắp trong khu dân cư mà trẻ em chỉ cần với tay là tới. |
Bà Nguyễn Thị Thái, một người dân ở thôn 12 bức xúc nói: “Đã 8 năm trôi qua, kể từ ngày căn nhà gỗ của tôi bị cháy vì chập điện, thiêu rụi nhiều tài sản, đến bây giờ đường dây điện chạy trước ngõ vẫn thế. Trước cửa nhà, nhiều cọc điện làm bằng tre đã gãy, dây điện võng xuống cả sân. Gia đình chúng tôi không thể yên tâm khi tình trạng chập điện có thế xảy ra bất cứ lúc nào”.
“Đường dây điện này là mối nguy hiểm luôn rình rập người dân. Dây điện thì bắt thấp hơn đầu người, mối hở lại chằng chịt. Mùa mưa, dân làng phải bỏ việc, không ai dám ra đồng vì sợ điện giật. Do cột điện tự chế không vững nên dây điện bị võng thấp xuống, chúng tôi cũng chỉ biết lấy sào chống lên tạm bợ vậy thôi", khuôn mặt không giấu được vẻ bất an, anh Nguyễn Văn Hiệp chia sẻ.
Ông Nguyễn Đức Tôn, Trưởng thôn 12 bức xúc nói: “Đường dây điện như một mớ mạng nhện lộn xộn đã tồn tại từ nhiều năm nay. Có lần, mưa gió khiến cột điện ngã đổ, để tránh nguy hiểm, chính quyền và người dân lại phải tự chế cột khác để thay thế. Vẫn biết, thực trạng này rất nguy hiểm nhưng với hoàn cảnh hiện tại, chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác". |
Những đường dây điện bắt không quá đầu người và chằng chịt như tơ nhện. |
Trao đổi về tình trạng trên, ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Điện lực TP Pleiku cho biết: “Điện lực TP Pleiku chưa hề nhận được phản ánh nào của người dân ở xã An Phú về vấn đề này. Còn để xảy ra tình trạng trên, một phần lỗi là từ các hộ khách hàng sử dụng điện. Theo quy định, sau công tơ điện, hộ khách hàng phải tự kéo đường điện về nhà mình, ngành điện chỉ có trách nhiệm hướng dẫn người dân thực hiện mà thôi”.
Tuy nhiên, qua tiếp xúc trực tiếp với người dân ở thôn 12, xã An Phú được biết, tình trạng điện mất an toàn ở thôn đã được người dân phản ánh nhiều lần lên các cấp chính quyền, đặc biệt là qua các cuộc tiếp xúc cử tri nên không thể có chuyện ngành điện thành phố không biết (!?).
Khi được hỏi về việc tại sao các công tơ điện lại được bắt quá thấp, ông Hùng cho biết, theo quy định của ngành điện lực, công tơ phải được bắt ở độ cao tối thiểu là 1,7m. Còn việc công tơ điện lắp ở thôn 12 bằng tầm tay của trẻ con thì ông Hùng không lý giải được nguyên nhân vì sao lại xảy ra như vậy.
Cũng theo ông Hùng, hàng năm, Điện lực Pleiku đều có các phương án làm giảm thiểu tình trạng mất an toàn trong sử dụng điện trên toàn thành phố. Tuy nhiên, do nguồn vốn địa phương hạn hẹp nên chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu của người dân”.
Trong khi ngành điện lực thành phố đang loay hoay tìm biện pháp giải quyết, hệ thống lưới điện rối như tơ nhện, đe dọa tính mạng người dân ở thôn 12, xã An Phú vẫn bị bỏ ngõ, chưa có phương án khắc phục. Thiết nghĩ, một khi tình trạng trên còn tồn tại, mối nguy hiểm chết người từ điện có thể đe dọa người dân bất cứ lúc nào.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hiem-hoa-khon-luong-tu-nhung-duong-day-dien-mat-an-toan-a56215.html