+Aa-
    Zalo

    Hi hữu vụ "làm phúc phải tội" và bị đòi bồi thường... 53 tỉ đồng!

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - "Vì tình làng nghĩa xóm, bị cáo thấy anh Tiến đánh vợ thì vào can. Chính vì làm phúc mà bị cáo gặp họa, phải đứng trong vành móng ngựa. Kính mong HĐXX xử đúng ng

    (ĐSPL) - "Vì tình làng nghĩa xóm, bị cáo thấy anh Tiến đánh vợ thì vào can. Chính vì làm phúc mà bị cáo gặp họa, phải đứng trong vành móng ngựa. Kính mong HĐXX xử đúng người, đúng tội. Bị cáo thành thật xin lỗi anh Tiến, mong anh mở rộng tấm lòng nhân ái và tình người tha thứ lỗi lầm cho bị cáo..." - Bị cáo Đỗ Văn Lợi nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng.

    Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang

    Cách đây hơn một năm, Đỗ Văn Lợi (SN 1973, trú tại quận Long Biên, TP.Hà Nội) là một người đàn ông trong sạch, không có tì vết gì về pháp luật. Lợi làm việc trong một cơ quan Nhà nước, có mức lương khá hậu hĩnh. Vợ anh ta là người đàn bà được trời phú cho khuôn mặt đẹp như trăng rằm và sở hữu một thân hình cân đối dù đang nuôi hai đứa con trai còn nhỏ.

    Cuộc sống của vợ chồng Lợi khá thoải mái về tiền bạc vì được bố mẹ hai bên giúp đỡ rất nhiều. Vốn là người đàn ông tháo vát, thương vợ con, Lợi cho vợ ở nhà chăm sóc con nhỏ, một mình gánh vác trọng trách kiếm tiền nuôi cả gia đình. Do mải mê kiếm tiền, Lợi hay vắng nhà nên nảy sinh những mâu thuẫn nhỏ nhặt đời thường giữa hai vợ chồng. Xung đột vợ chồng ngày một trầm trọng đến mức không thể hàn gắn. Hạnh phúc tan vỡ, hai người ra tòa ly hôn.

    Bên lề phiên tòa, một người thân của Lợi cho biết: Sau ngày hai vợ chồng chia tay, đứa con lớn của Lợi mắc bệnh trầm cảm. Gia đình mất rất nhiều tiền để chữa bệnh cho cháu, cũng như động viên cháu học hành cho bằng chúng bạn. Bố Lợi là một công chức về hưu, lương hưu hơn 3 triệu đồng/tháng. Còn bà mẹ thì không có lương hưu, sống dựa vào đồng lương của chồng và thu nhập của cậu con trai.

    Cùng thời gian này, Lợi bỗng dưng mắc một loại bệnh ngoài da rất khó chữa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc nên Lợi phải xin nghỉ không lương, ở nhà chữa bệnh. Từ một cán bộ Nhà nước mẫn cán với công việc ổn định, bỗng dưng Lợi trở thành người thất nghiệp bất đắc dĩ. Cũng may, sống cùng một mái nhà với bố mẹ đẻ, nên hai bố con Lợi được giúp đỡ rất nhiều. Vốn là người đàn ông tốt tính, hay giúp đỡ mọi người xung quanh, cảnh "gà trống nuôi con" của Lợi được bà con, lối xóm cảm thông, chia sẻ. Đặc biệt các bạn hữu biết hoàn cảnh éo le của Lợi đã ra tay giúp đỡ, rủ tham gia làm ăn ngoài xã hội, nên cuộc sống của hai cha con cũng phần nào bớt đi khó khăn.

    Làm phúc, phải tội?

    Theo cáo trạng, ở gần nhà Lợi có vợ chồng anh Tiến, hay xảy ra xô xát, to tiếng với nhau. Cuộc hôn nhân của đôi vợ chồng này đang có nguy cơ tan vỡ khi hai người đang chờ TAND quận Long Biên xử ly hôn.

    Khoảng 8h sáng 14/8/2013, vợ chồng anh Tiến to tiếng với nhau. Anh Tiến túm tóc vợ dúi xuống đất. Nghe tiếng kêu cứu của người vợ, một số người dân sống gần đó đến can ngăn. Thậm chí, có người còn nói anh Tiến rằng: "Mày đánh vợ thì không đáng mặt đàn ông", người khác thì dè bỉu: "Là đàn ông mà đánh đàn bà thì hèn lắm".

    Lúc này ở ngõ nhà anh Tiến có đông người đến xem và bàn tán. Cùng lúc đó, Lợi đi ăn sáng về, thấy hai vợ chồng anh Tiến đang đôi co nhau về việc chị vợ đòi lấy đồ ở trong cốp xe máy, nhưng người chồng không cho. Lợi đi đến sát cổng nhà anh Tiến, có lời can ngăn. Thấy vậy, anh Tiến đứng trong sân nói: "Mày về lo việc nhà mày. Việc nhà tao, mày đừng chõ vào!". Lời qua, tiếng lại, hai bên to tiếng với nhau, dẫn đến xô xát. Theo một nhân chứng cho biết, khi bị ngã xuống đường Lợi đã vớ vội được một viên gạch lát vỉa hè hình lục giác, quẳng về phía sau, không may trúng vào đầu anh Tiến làm anh này bị thương chảy máu.

    Anh Tiến được mọi người đưa đi cấp cứu và giám định thương tích tổn hại sức khỏe 46\%. Bị hại đã đưa vụ việc ra cơ quan pháp luật giải quyết.

    Trong 2 ngày (19 và 22/12/2014), TAND quận Long Biên đã đưa bị cáo Đỗ Văn Lợi ra xét xử sơ thẩm về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3, Điều 104 BLHS. Nhiều người hàng xóm của cả bị hại và bị cáo tham dự phiên tòa gọi đây là vụ án "làm phúc phải tội!". Người ta còn ngạc nhiên hơn khi nghe bị hại yêu cầu mức bồi thường 35 tỉ đồng. Quá trình xét xử, anh Tiến tiếp tục yêu cầu tăng mức bồi thường lên đến 53 tỉ đồng, bao gồm: Tiền chữa trị thương tích, tiền đi lại bằng xe taxi, thu nhập giảm sút...

    Theo dõi diễn biến phiên tòa, người viết thấy rằng, chuyện nhân tình thế thái trong phiên tòa này quả là trớ trêu. Hành vi gây thương tích của bị cáo Lợi cho anh Tiến đã được làm rõ. Điều đáng nói, giữa anh Tiến và Lợi là hàng xóm, láng giềng của nhau, trước đó không hề có mâu thuẫn to tát mà phải cố ý gây thương tích cho nhau. Chỉ vì lòng tốt muốn can ngăn giúp vợ chồng anh Tiến giải quyết mâu thuẫn mà Lợi và anh Tiến đã xô xát với nhau. Qua tìm hiểu của phóng viên, có người nói trông thấy Lợi ném gạch làm vỡ đầu anh Tiến; người khác lại nói nhìn thấy anh Tiến đánh Lợi và ném gạch vào Lợi nên Lợi mới ném gạch đáp trả...?!

    Tại phiên tòa, HĐXX đã làm rõ được hành vi phạm tội của bị cáo Đỗ Văn Lợi qua câu hỏi: "Theo bị cáo, hậu quả của hành vi gây thương tích cho anh Tiến có ý nghĩa gì?". Lợi đáp: "Sự việc xảy ra quá đột ngột, bị cáo không lường trước được sự việc xảy ra. Bị cáo bị anh Tiến tấn công. Bị cáo ngã lăn ra đất, nên vớ vội viên gạch dùng để ngăn chặn hành vi tấn công của anh Tiến". Vị chủ tọa hỏi tiếp: "Hành vi của bị cáo đẩy lùi sự tấn công của bị hại có vi phạm pháp luật không?" - "Bị cáo không lường hết được hậu quả". Lợi trả lời bằng giọng đau khổ - "Bị cáo nghỉ không lương bao lâu rồi?". Vị chủ tọa lên tiếng - Đáp: "Bị cáo nghỉ không lương để ở nhà chữa bệnh (ngoài da và loãng xương) được gần 2 năm. Bị cáo đã ly hôn vợ và có 2 con còn nhỏ. Bố bị cáo năm nay 74 tuổi, mẹ 71 tuổi. Hiện, gia đình bị cáo có hoàn cảnh khó khăn".

    Khi nghe luật sư bào chữa cho bị cáo Lợi đọc bài bào chữa nói về nguyên nhân phạm tội của bị cáo và hoàn cảnh éo le của gia đình đã làm nhiều người tham dự Tòa rơi nước mắt. Trả lời trước Tòa, vợ bị hại khóc nấc lên, nói trong nước mắt: "Tôi thấy oan cho anh Lợi và cảm thấy có lỗi với hai con của anh Lợi. Vì gia đình tôi mà anh Lợi lâm vào cảnh tù tội".

    Nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan vụ án, đại diện VKSND quận Long Biên đã đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Đỗ Văn Lợi 5 năm 6 tháng tù về tội cố ý gây thương tích, đồng thời buộc bị cáo bồi thường cho bị hại tổng số tiền 288 triệu đồng. Vì gia đình bị cáo đã bồi thường 70 triệu đồng, do vậy chỉ còn phải bồi thường 218 triệu đồng. Sau giờ nghị án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Lợi 7 năm tù và hình phạt bổ sung bồi thường dân sự số tiền 306 triệu đồng cho bị hại. Ngay sau khi Tòa tuyên án, phía gia đình bị cáo Lợi cho biết sẽ làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND quận Long Biên.

    (Tên nhân vật đã được thay đổi)

    Đề nghị giám định lại thương tích của bị hại

    Luật sư bào chữa cho bị cáo Lợi nêu quan điểm cần chuyển tội danh cho bị cáo Lợi sang tội Cố ý gây thương tích hoặc gây hại cho sức khỏe người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, đồng thời yêu cầu giám định lại thương tích của bị hại. Tuy nhiên cả hai đề nghị này đã không được chấp nhận.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hi-huu-vu-lam-phuc-phai-toi-va-bi-doi-boi-thuong-53-ti-dong-a76543.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan