+Aa-
    Zalo

    Hi hữu: Người đàn ông mắc COVID-19 trong 613 ngày, nhiễm 50 biến thể khác nhau

    (ĐS&PL) - Người đàn ông 72 tuổi đến từ Hà Lan là bệnh nhân mắc Covid-19 lâu nhất thế giới khi nhiễm 50 biến thể khác nhau của virus SARS-CoV-2 trong thời gian 613 ngày.

    Theo tờ The Time, nam bệnh nhân 72 tuổi ở Hà Lan được chẩn đoán mắc COVID-19 với biến thể Omicron vào tháng 2/2022 và đã phải chịu đựng căn bệnh trong suốt 613 ngày trước khi qua đời. Giới nghiên cứu nhận định đây là thời gian một người mắc virus SARS-CoV-2 lâu nhất được ghi nhận.

    Thông thường, hầu hết những bệnh nhân mắc COVID-19 sẽ khỏi bệnh sau vài tuần. Nhưng ở trường hợp của bệnh nhân này, các chuyên gia y tế đã cố gắng chữa trị bằng mọi cách nhưng vẫn không hiệu quả. Trước khi mắc COVID-19, bệnh nhân đã có tiền sử bị rối loạn máu, khiến hệ thống miễn dịch không thể sản xuất đủ tế bào bạch cầu hoặc kháng thể để chống lại virus mặc dù đã được tiêm vaccine nhiều lần.

    Trong quá trình điều trị, các bác sĩ nhanh chóng phát hiện ra rằng cơ thể của ông đã trở nên kháng Sotrovimab - một loại kháng thể đơn dòng để điều trị sớm COVID-19. Họ cũng nhận ra sự phát triển của kháng thể chống đột biến là rất ít và hệ thống miễn dịch của bệnh nhân không có khả năng loại bỏ virus.

    Người đàn ông Hà Lan mắc COVID-19 trong 613 ngày. Ảnh minh họa: Getty Images

    Người đàn ông Hà Lan mắc COVID-19 trong 613 ngày. Ảnh minh họa: Getty Images

    Bệnh nhân sau đó đã qua đời tại bệnh viện vào mùa thu năm 2023 do hệ thống miễn dịch suy yếu và rối loạn máu tiềm ẩn. Báo cáo từ các nhà khoa học thuộc Trung tâm Y học Thực nghiệm và Phân tử (CEMM) tại Trung tâm Y tế Đại học Amsterdam, Hà Lan, cho biết virus trong cơ thể của bệnh nhân kể trên đã phát triển khả năng kháng sotrovimab, một loại thuốc dùng để điều trị Covid-19 bằng kháng thể, chỉ 21 ngày sau khi bệnh nhân bắt đầu sử dụng thuốc.

    Trong suốt quá trình nhiễm bệnh của người đàn ông kể trên, các bác sĩ đã nhiều lần lấy mẫu từ người bệnh để phân tích vật liệu di truyền của virus và phát hiện ra virus trong người ông đã sinh ra 50 loại đột biến khác nhau từ biến thể Omicron ban đầu, trong đó có cả một đột biến cho phép virus trốn tránh hệ miễn dịch của người bệnh.

    Các nhà khoa học cho biết điều may mắn đó là các biến thể trong người bệnh nhân đã không lây nhiễm sang các nhân viên y tế chăm sóc ông nên không bị phát tán ra cộng đồng. "Trường hợp này nhấn mạnh đến nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 kéo dài ở những người suy giảm miễn dịch vì các biến thể của virus có thể tự phát triển và xuất hiện ngay trong người bệnh", các nhà nghiên cứu của CEMM cho biết trong một báo cáo vừa được công bố.

    Theo một nghiên cứu trên gần 3.000 người mắc Covid-19 tại bang NSW của Úc, có 20% người bệnh hết hoàn toàn triệu chứng sau 10 ngày, 60% hết sau 20 ngày, 80% hết sau 30 ngày, 91% hết sau 60 ngày, 93% hết sau 90 ngày và 96% hết sau 120 ngày (đây là tỉ lệ cộng dồn). Trong đó, người càng lớn tuổi, có bệnh nền và nữ giới có xu hướng phục hồi chậm hơn.

    Hiện các nhà khoa học vẫn tiếp tục tìm hiểu nguyên do vì sao bệnh nhân người Hà Lan lại bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2 lâu đến như vậy, đồng thời đưa ra cảnh báo về tầm quan trọng của việc theo dõi những người suy giảm miễn dịch bị nhiễm virus SARS-CoV-2 kéo dài, vì điều này có khả năng sinh ra những biến thể virus nguy hiểm và phát tán ra cộng đồng.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/hi-huu-nguoi-an-ong-mac-covid-19-trong-613-ngay-nhiem-50-bien-the-khac-nhau-a472849.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan