Bệnh nhi phải phẫu thuật cắt khối u ở gan nhưng gia đình lại yêu cầu các bác sĩ "cấm" truyền máu của người khác, kể cả máu của thân nhân cho bệnh nhi.
Trường hợp hy hữu trên là ca bệnh của bé Nguyễn G.B. (11 tuổi, ngụ tại quận 6, TPHCM). Khoảng 6 tháng trước, sức khỏe có biểu hiện khác thường nên G.B. được gia đình đưa đến bệnh viện kiểm tra. Qua thăm khám, chẩn đoán hình ảnh bác sĩ xác định G.B. bị khối u lớn ở gan nên chỉ định phẫu thuật.
Các bác sĩ tập trung phẫu thuật cho bệnh nhi - Ảnh: Người Đưa Tin |
Lo lắng cho sức khỏe của con, gia đình bệnh nhi đồng ý cho bé bước vào cuộc mổ. Tuy nhiên, vì lý do riêng của tôn giáo, gia đình đang theo nên phụ huynh chỉ chấp thuận thực hiện cuộc mổ với điều kiện bác sĩ không được truyền máu của người khác kể cả cha hoặc mẹ và anh em trong gia đình cho bệnh nhi.
Trước yêu cầu trên, ban đầu, các bác sĩ của bệnh viện có chút ngần ngại. Tuy nhiên, sau khi chẩn đoán kỹ lưỡng, làm các xét nghiệm cận lâm sàng chặt chẽ, hội đồng Khoa học kỹ thuật của bệnh viện đã quyết định phẫu thuật cho bé.
Bác sĩ Nguyễn Tấn Cường, người trực tiếp phẫu thuật cho bé B. trải lòng: “Ánh mắt bệnh nhi cứ đeo đuổi tôi mãi. Sau nhiều đêm trăn trở trước tình thế khó khăn, tôi quyết định nhận lấy trọng trách này để cứu bé B. Trong khi mổ, chúng tôi đã hạ huyết áp của bé xuống để khi cắt gan ít bị chảy máu".
Khối u có kích thước lên tới 10cm được bác sĩ cắt thành công khỏi gan bệnh nhi - Ảnh: Dân trí |
"Chúng tôi sử dụng máy truyền máu hoàn hồi, hút máu em bé ra. Sau khi lọc, chúng tôi bơm trả lại cho cơ thể của em. Khi chúng tôi nghiên cứu kỹ phim chụp CT scan bụng của bệnh nhi thì thấy có những mạch máu bất thường, tiên lượng trong cuộc mổ dễ chảy máu, lượng máu có thể sẽ mất nhiều" - BS Cường nói thêm.
Cũng theo ông, trước tình hình trên, phẫu thuật viên đã phẫu thuật hết sức cẩn thận. Phẫu tích tỉ mỉ từng tí một, cầm máu cẩn thận, khống chế các mạch máu lớn nuôi khối u gan. Sau hơn 2 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã cắt bỏ được phần gan có chứa khối u và cắt túi mật. Phần gan cắt bị bỏ chiếm khoảng 15% thể tích gan.
BS Cường nói, đối với trẻ em ở lứa tuổi này, gan sẽ tăng sinh phục hồi nhanh để bù lại phần gan đã bị cắt. Trong suốt cuộc mổ, lượng máu bị mất khoảng 200ml. Sau đó, bệnh viện đã dùng máy truyền máu hoàn hồi để thu hồi máu, lọc và truyền lại cho bệnh nhi.
Hơn 1 tuần sau cuộc mổ, sức khỏe bệnh nhân nhanh chóng bình phục. Hiện cậu bé đã có thể đi lại, ăn uống bình thường.
Quỳnh Chi (T/h)