Chia sẻ trên báo Tuổi Trẻ, Nguyễn Văn Bình (ở TP.Thủ Đức. TP.HCM) cho biết, anh dự định ở lại TP.HCM đón Tết để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, do kỳ nghỉ Tết Ất Tỵ 2025 kéo dài hơn dự kiến, anh quyết định đưa cả gia đình về quê. Anh Bình kể lại: "Tôi cứ nghĩ vé tàu Tết lúc nào mua cũng được, giá cả không thay đổi và luôn còn chỗ, nên đã không đặt vé sớm."
Thế nhưng, cách đây ba ngày, khi đến ga Sài Gòn, anh Bình đã vô cùng bất ngờ khi biết toàn bộ vé tàu từ TP.HCM đi Thanh Hóa vào những ngày mà gia đình anh dự định đi đã được bán hết. Cuối cùng, anh phải thay đổi kế hoạch, xin nghỉ làm sớm và cho các con nghỉ học trước ngày 21 tháng Chạp mới mua được vé tàu.
Anh Bình chia sẻ thêm: "Vé máy bay thì vừa đắt lại vừa khan hiếm, đi xe khách thì tôi không yên tâm, nên cuối cùng tôi vẫn quyết định chọn tàu hỏa để về quê ăn Tết."
Trên hệ thống bán vé trực tuyến của ngành đường sắt cũng cho thấy, vé tàu từ TP.HCM đi các tỉnh từ Nghệ An, Thanh Hóa trở ra phía Bắc trong những ngày cao điểm từ 21/1 đến 27/1/2025 đã hết chỗ.
Tình trạng này cũng xảy ra ở các chặng ngắn hơn, từ TP.HCM đi các tỉnh miền Trung như Khánh Hòa (Nha Trang), Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đà Nẵng.
Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Chi nhánh Vận tải Đường sắt Sài Gòn cho biết nhu cầu di chuyển tăng cao là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng "cháy" vé trước Tết. "Những chuyến tàu từ TP.HCM đi các tỉnh miền Trung và miền Bắc từ ngày 21/1 đến 27/1/2025 đã hết sạch vé" - ông Tuấn cho biết.
Theo ông Tuấn, một số chuyến tàu vẫn còn vé cho hành khách đi từ ngày 20/1 trở về trước và ngày 28/1/2025. Đặc biệt, sau Tết, vé chiều từ Bắc vào Nam trong khoảng thời gian từ ngày 29/1 đến 16/2/2025 (mùng 1 đến 19 tháng Giêng) vẫn còn nhiều.
Không chỉ vé tàu, vé máy bay cũng hết nhanh chóng
Báo cáo của Cục Hàng không cho biết đến ngày 4/1, tỷ lệ đặt chỗ trên các đường bay từ TP.HCM đến các địa phương đang tăng nhanh chóng trong giai đoạn bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 22-28/1.
Theo Tạp chí Tri Thức, các chặng từ TP.HCM đến các sân bay ở miền Trung như Tuy Hòa, Quy Nhơn, Quảng Bình, Thanh Hóa, Vinh, Chu Lai đều đã "cháy vé".
Ngược lại, cuối kỳ nghỉ Tết từ 30/1 đến 7/2, các chuyến bay nội địa từ các tỉnh miền Trung vào TP.HCM có tỷ lệ đặt chỗ đạt hoặc xấp xỉ 100%.
Riêng với các chặng TP.HCM đi Đà Nẵng và Hà Nội giai đoạn trước và sau Tết, tỷ lệ đặt chỗ đang tăng nhanh, một số ngày cận Tết Nguyên đán đã bán trên 80% số ghế.
Cơ quan quản lý hàng không đánh giá ở giai đoạn trước kỳ nghỉ lễ, giá vé máy bay nhiều chặng từ TP.HCM đi các tỉnh được các hãng hàng không niêm yết ở mức cao.
Tuy nhiên, Cục Hàng không cho biết điều này xuất phát từ nhu cầu di chuyển về quê đón Tết ở các tỉnh phía Bắc tăng cao, buộc các hãng hàng không phải thực hiện nhiều chuyến bay rỗng (ferry) từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung quay đầu về TP.HCM.
Giá vé ở chiều ngược lại từ các sân bay như Buôn Mê Thuột, Huế, Thanh Hóa, Pleiku, Đồng Hới, Chu Lai... đi TP.HCM đều rất thấp, từ 0 đồng chưa bao gồm thuế, phí. Vì vậy, các hãng phải đưa ra mức giá cao ở chiều từ TP.HCM để cân đối, bù đắp chi phí vận hành.
Để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, Cục cũng vừa yêu cầu các hãng hàng không nghiên cứu, xem xét bổ sung chuyến bay đối với các đường bay hiện đã đầy chỗ từ TP.HCM đi các tỉnh miền Bắc, miền Trung vào các ngày cận Tết Nguyên đán, trên cơ sở phù hợp với năng lực khai thác, hạ tầng cảng hàng không và đảm bảo an toàn, an ninh.
Cục Hàng không đã yêu cầu các sân bay Thọ Xuân, Đồng Hới, Chu Lai, Phù Cát, Pleiku và Tuy Hòa triển khai phương án khai thác 24/24, đảm bảo đáp ứng nhu cầu bay đêm của hãng hàng không.
Cơ quan quản lý hàng không cũng kiến nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải như taxi, xe công nghệ tăng thời gian hoạt động, tăng số lượng phương tiện, tăng tần suất xe buýt để phục vụ hành khách, đặc biệt là khách trên các chuyến bay đêm đi, đến sân bay.