Tiến sĩ Ahmad Fatah Habibyar, Giám đốc của một bệnh viện tại Afghanistan, cho biết: “Chúng tôi phải đối mặt với nhiều vấn đề ở đây, với ba tháng không được trả lương, thiếu thiết bị, lương thực và thuốc. Một số nhân viên gặp khó khăn về tài chính đến mức phải bán đồ đạc trong nhà để sống qua ngày”.
“Oxy là một vấn đề lớn đối với chúng tôi vì chúng tôi không thể chạy máy phát điện. Máy sản xuất oxy của bệnh viện đã không hoạt động trong nhiều tháng, vì không đủ tiền mua dầu diesel”, ông nói.
Thay vào đó, bình oxy cho bệnh nhân COVID-19 được mua từ một nhà cung cấp địa phương. Các bác sĩ đang phải vật lộn với số lượng ca nhiễm tăng lên và mối lo ngại trước biến thể Omicron.
'Chúng tôi chưa sẵn sàng đối mặt với Omicron'
“Nếu không có sự trợ giúp từ bên ngoài, chúng tôi thực sự chưa sẵn sàng đối mặt với Omicron. Một thảm họa sẽ xảy ra ở đây”, bác sĩ Shereen Agha (38 tuổi) - trưởng khoa chăm sóc đặc biệt của bệnh viện, cho biết.
Ông Agha nói, ngay cả bệnh viện cũng thiếu các đồ y tế cơ bản như găng tay khám bệnh và hai xe cấp cứu của bệnh viện cũng không hoạt động vì thiếu nhiên liệu.
Chính phủ trước đây đã ký hợp đồng với một nhóm viện trợ có trụ sở tại Hà Lan, HealthNet TPO, để điều hành bệnh viện. Tuy nhiên, hợp đồng đã hết hạn vào tháng 11.
Giám đốc chương trình HealthNet TPO Willem Reussing cho biết tổ chức đang đàm phán để đảm bảo nguồn tài trợ, nhưng các nhà tài trợ rất miễn cưỡng trong việc tiếp tục hỗ trợ và có những điều kiện nghiêm ngặt.
“Hệ thống chăm sóc sức khỏe thực sự đang trên bờ vực sụp đổ”, ông Reussing nói. "Bệnh viện Afghanistan-Nhật Bản là một ví dụ điển hình, nơi chúng tôi gần như cầu xin các nhà tài trợ bước vào và cứu sống mọi người”.
Khi Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan vào tháng 8 trong bối cảnh cuộc rút quân hỗn loạn của Mỹ và NATO, cộng đồng quốc tế đã rút mọi nguồn tài trợ và đóng băng hàng tỷ USD tài sản của Afghanistan ở nước ngoài. Đối với một quốc gia phụ thuộc nhiều vào viện trợ nước ngoài, hậu quả kéo theo thật khủng khiếp .
Nền kinh tế vốn đã gặp khó khăn sâu sắc dưới thời chính phủ trước, với các nhân viên nhà nước thường không được trả lương. Năm ngoái, gần một nửa dân số sống trong cảnh nghèo đói, với tình hình trở nên tồi tệ hơn do đại dịch và hạn hán đã khiến giá lương thực tăng cao.
Chính phủ Taliban mong muốn cộng đồng quốc tế nới lỏng các biện pháp trừng phạt và giải phóng tài sản của Afghanistan để có thể trả lương cho các công chức, bao gồm cả bác sĩ và giáo viên.
Khủng hoảng đói nghèo
Liên Hợp Quốc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về một cuộc khủng hoảng đói nghèo , với 22% trong số 38 triệu người Afghanistan đang cận kề nạn đói và 36% khác đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng.
Trưởng ban nhân đạo Liên hợp quốc Martin Griffiths cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Associated Press: “Chúng tôi đang chứng kiến sự suy sụp kinh tế đang diễn ra theo cấp số nhân. Nó ngày càng trở nên tồi tệ hơn”.
Không nơi nào thể hiện rõ ràng hơn tình hình nghiêm trọng tại đất nước này hơn khu suy dinh dưỡng của Bệnh viện Nhi đồng Indira Gandhi, nơi những người mẹ lo lắng ngồi bên những đứa trẻ tiều tụy.
Cậu bé Mohammad hai tuổi, má hóp và mái tóc thưa thớt, đang nhấm nháp một cốc sữa với mẹ là cô Parwana. Cô đã ngủ trong bệnh viện sáu đêm liên.
“Tôi thậm chí không có tiền để thay tã cho con”, cô nói. Chồng của cô, một thợ may, đã bị mất cả hai chân trong một vụ đánh bom ven đường cách đây vài năm.
Ở giường bên cạnh, Talwasa 18 tháng tuổi nằm trong chăn. Chỉ có đôi mắt của cô ấy di chuyển sau mí mắt khép hờ.
“Chúng tôi đang ở trong tình trạng rất tồi tệ”, mẹ của cô bé – bà Noor Bibi cho biết. Chồng bà không thể tìm được việc làm, và họ chỉ ăn bánh mì khô, không thể tìm thấy thức ăn nào khác trong nhiều tuần.
Thứ trưởng Bộ Y tế, Tiến sĩ Abdul Bari Omar cho biết Afghanistan có 3,5 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng.
Phó giám đốc bệnh viện nhi, Mohammad Latif Baher, cho biết cơ sở này đã chứng kiến 3.000 trường hợp suy dinh dưỡng trong 4 tháng qua. Trong số đó, 250 người phải nhập viện và số còn lại được điều trị tại nhà.
“Chúng tôi trung thành với quê hương và nghề nghiệp của mình. Đó là lý do tại sao chúng tôi vẫn tiếp tục công việc và cung cấp dịch vụ cho bệnh nhân của mình”, ông Baher nói và lưu ý rằng họ đã không có lương trong 5 tháng.
Ông cho biết bệnh viện cũng đang cạn kiệt nguồn cung cấp thuốc, bao gồm cả thực phẩm bổ sung đặc biệt dành cho người suy dinh dưỡng, cũng như thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau và thuốc gây mê.
Tình hình tương tự tại Bệnh viện Quốc gia Wazir Mohammad Akhbar Khan. Ghulam Nabi Pahlawi, y tá trưởng khoa cấp cứu, cho biết, đôi khi các bác sĩ buộc phải cho những liều thuốc ít hơn yêu cầu vì đơn giản là họ không có đủ.
Tại bệnh viện điều trị COVID-19 của Kabul, nơi tình hình có vẻ nghiêm trọng nhất, dược sĩ Bilal Ahmad cho biết hơn 36 loại thuốc thiết yếu đã hết và nhiều loại khác đã hết hạn sử dụng. Ông nói trong ba tháng nữa, 55 loại thuốc khác sẽ hết.
Mộc Miên (Theo aljazeera.com)