+Aa-
    Zalo

    Hệ thống giám sát bằng trí tuệ nhân tạo tại một nhà tù ở Trung Quốc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Một nhà tù vốn có an ninh cao ở Trung Quốc đã được trang bị thêm hệ thống giám sát bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ở mọi phòng giam, mọi ngóc ngách.

    Một nhà tù vốn có an ninh cao ở Trung Quốc đã được trang bị thêm hệ thống giám sát bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ở mọi phòng giam, mọi ngóc ngách.

    Sử dụng AI để giám sát phạm nhân

    Nhà tù Diêm Thành - một cơ sở do bộ Tư pháp Trung Quốc trực tiếp điều hành, đang thực hiện một kế hoạch tuy nhỏ nhưng vô cùng quan trọng hướng tới mục tiêu tự động hóa thông qua việc sử dụng AI để giám sát phạm nhân.

    Mạng lưới camera dày đặc có thể theo dõi mọi hành động của tù nhân và đưa ra cảnh báo trước bất kỳ hành động nào bị coi là bất thường hay đáng lo ngại. Một số chuyên gia thậm chí tin rằng hệ thống trên sẽ giúp ngăn chặn hoàn toàn khả năng vượt ngục bởi ngay cả khi phạm nhân có thể hối lộ quản giáo, họ cũng không thể ngăn hệ thống phát báo động.

    Nhà tù Diêm Thành được coi là nhà tù cho VIP ở Trung Quốc. Ảnh: SCMP

    Nhà tù cũng là nơi giam giữ nhiều phạm nhân ngoại quốc và từng được xếp vào hàng trung tâm cải huấn tiêu biểu, nơi các nhà ngoại giao nước ngoài được phép tới kiểm tra cơ sở vật chất. Tuy nhiên trong năm qua, ban quản lý trại giam đã chịu áp lực từ phía trên để cải thiện hoạt động.
    Từ đó, nhà tù quyết định lắp đặt một hệ thống trí tuệ nhân tạo giúp tự động giám sát tù nhân. Sau nhiều tháng xây dựng, việc nâng cấp hệ thống giám sát tại nhà tù Diêm Thành rộng 40ha ở Hà Bắc đã gần hoàn tất, một số nguồn tin liên quan đến dự án đã xác nhận với SCMP.
    Hệ thống "nhà tù thông minh" mới bổ sung một mạng lưới camera theo dõi và những cảm biến bí mật có vai trò như các "nơ-ron thần kinh". Nó thu thập và truyền dữ liệu về "não bộ" là một máy tính AI mạnh mẽ, xử lý nhanh có khả năng nhận dạng và theo sát tất cả tù nhân bất kể ngày đêm và địa điểm.

    Vào cuối mỗi ngày, hệ thống sẽ trích xuất một báo cáo toàn diện, trong đó có cả bản phân tích hành vi, của từng phạm nhân, sử dụng các chức năng AI khác nhau, như nhận diện khuôn mặt và phân tích chuyển động. Thông thường, báo cáo sẽ tự động được lưu trữ nhưng nếu phát hiện dấu hiệu bất thường, máy sẽ phát cảnh báo.

    Một người quen thuộc với dự án cho biết, nếu một tù nhân bị phát hiện đi lại liên tục trong phòng giam một thời gian dài, hệ thống giám sát có thể coi hiện tượng này là đáng ngờ và đề nghị quản giáo kiểm tra cận cảnh. Hành vi đó có thể cho thấy tù nhân lo lắng, phấn khích hoặc sắp có hành động bất ngờ.

    Việc vượt ngục sẽ chỉ còn là dĩ vãng

    Nhà tù Diêm Thành giam giữ hơn 1.600 tù nhân vào năm 2018, theo một báo cáo của trang web tin tức có trụ sở tại Thượng Hải, Theapers.cn. Số tù nhân đã tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây do chiến dịch chống tham nhũng khổng lồ mà Chủ tịch Tập Cận Bình phát động. Nhiều quan chức cấp cao đã “ngã ngựa” và phải vào tù.

    Hệ thống AI được hợp tác phát triển bởi nhiều viện nghiên cứu, bao gồm đại học Thiên Tân và Tiandy - một trong những công ty công nghệ giám sát lớn nhất thế giới có trụ sở tại Thiên Tân. Nhân viên họ Mạnh của Tiandy tuyên bố hệ thống sẽ biết từng người cụ thể đang ở đâu và họ đang làm gì, bất kể số tù nhân lớn đến mức nào - và sẽ không cần người bảo vệ theo dõi màn hình. Điều này một phần nhờ vào công nghệ nhận dạng khuôn mặt tiên tiến có khả năng xử lý lượng lớn các mục tiêu giám sát cùng một lúc.

    “Công nghệ hiện đại cho phép mỗi camera theo dõi tới 200 khuôn mặt cùng một lúc”, ông nói. Vì vậy, các tù nhân có thể hòa mình vào đám đông trong một hành lang chật cứng, căng tin bận rộn, buổi tập thể dục hoặc thậm chí là ẩu đả, nhưng họ sẽ không bao giờ có thể thoát được. Thậm chí, cho dù họ có mua chuộc lính canh để trốn thoát thì điều này vẫn sẽ được hệ thống AI phát hiện. “Việc vượt ngục sẽ chỉ còn là dĩ vãng”, ông Mạnh nói.

    Công nghệ AI giám sát mọi ngóc ngách của nhà tù. Ảnh: SCMP

    Tiandy đang đàm phán với một số quốc gia Nam Mỹ để giới thiệu công nghệ này vào các nhà tù có lịch sử bạo lực và vi phạm an ninh, nhưng việc tiếp cận thị trường Mỹ của họ đã bị hạn chế do lệnh cấm sử dụng công nghệ Trung Quốc mà Chính phủ Mỹ ban hành.

    Zhang Xuemin, giáo sư sinh lý học tại đại học Sư phạm Bắc Kinh, nhận xét camera và AI "chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới" cuộc sống và trạng thái tinh thần của phạm nhân. Ông cũng lập luận rằng chính quyền phải xem xét rằng giám sát con người bằng máy móc có thể gây tác dụng ngược theo những cách không ngờ tới. Chẳng hạn, một số tù nhân thông minh có thể nghĩ tới những cách thức mới để đánh lừa AI và khai thác điểm yếu của máy móc cho mục đích của họ. “Công nghệ không nên thay thế con người”, ông nói.

    Phòng đọc sách của nhà tù cũng được giám sát 24/7. Ảnh: SCMP

    Trong một số vụ vượt ngục nổi tiếng nhất thế giới, các tù nhân đã thoát khỏi nhân viên an ninh bằng loạt các phương pháp như đào đường hầm, cắt xuyên tường hoặc - trong trường hợp của một bậc thầy yoga người Hàn Quốc - sử dụng các kỹ năng mà cơ thể được rèn luyện để chui qua một lỗ rất nhỏ được thiết kế để cung cấp thức ăn.

    Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất có ý tưởng về một nhà tù do AI điều hành. Ở Anh, Nhà tù Altcference gần Liverpool đã cài đặt AI từ năm 2016 với hy vọng có thể ngăn chặn việc buôn lậu vào nhà tù. Trong khi đó, Chính phủ Singapore đã tiến hành một loạt các thí nghiệm để xem liệu công nghệ có thể giúp lính canh hoạt động hiệu quả hơn và thậm chí đã thảo luận về khả năng xây dựng nhà tù không có người bảo vệ.

    PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo SCMP)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/he-thong-giam-sat-bang-tri-tue-nhan-tao-tai-mot-nha-tu-o-trung-quoc-a269178.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan