Các chuyên gia an ninh mạng đều cho rằng, việc bán vé online trận bán kết AFF Cup của VFF thất bại là do đội ngũ vận hành trang sử dụng công nghệ quá cũ và lạc hậu. Thậm chí, không khác gì so với phần mềm đăng ký tín chỉ của nhiều trường đại học.
Liên quan đến việc người dân bức xúc vì không thể mua được vé online trận bán kết AFF Cup 2018 giữa đội tuyển Việt Nam và Philippines, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Võ Đỗ Thắng, Tổng giám đốc Trung tâm Đào tạo Quản trị mạng và An ninh mạng Quốc tế Athena cho rằng, “Câu chuyện này chúng ta đã nhắc đến vài năm trước đây, nhưng chưa lần nào VFF có thể thực hiện được.
Việc bán vé online không có gì mới mẻ khi hiện nay chúng ta đã có quá nhiều phần mềm, ứng dụng để cho phép bán vé online. Điều này được nhìn thấy khi nhiều trang đã bán online thuận lợi. Có thể lần này, VFF bán vé online nhưng do hệ thống bán vé của VFF không chịu nổi lượng truy cập quá lớn nên sập”, ông Thắng cho hay.
Chuyên gia an ninh mạng Võ Đỗ Thắng nhận định về nguyên nhân dẫn đến việc bán vé bóng đá online của VFF thất bại. Ảnh: Người Đưa Tin |
Nói về lý do khiến cho việc bán vé bóng đá online của VFF thất bại, ông Thắng nhận định có thể do cách làm bảo thủ và tồn tại những lợi ích nhóm, không hợp tác xây dựng hệ thống bán vé online với các công ty công nghệ hàng đầu, nên dẫn đến tình trạng "thất thủ".
“Nếu như không hợp tác để tìm những nhà cung cấp có năng lực, sau này có ứng dụng công nghệ cao cỡ nào đi chăng nữa mà vẫn cục bộ thì vẫn sẽ sập tiếp. Khó triển khai được hệ thống bán vé online. Tôi nghĩ, khi bán vé online hệ thống server mạnh, đường truyền tốt mới có thể đáp ứng dịch vụ cho mấy chục nghìn người. Nhưng cách thiết kế phần mềm không có logic, năng lực của đội ngũ thiết kế phần mềm có vấn đề, họ không lựa chọn được giải pháp tối ưu”, chuyên gia an ninh mạng Võ Đỗ Thắng phân tích.
Khi được hỏi về biện pháp khắc phục tình trạng nghẽn mạng, quá tải, chuyên gia an ninh mạng Võ Đỗ Thắng chia sẻ: “Như chúng ta đã biết, trận Việt Nam thi đấu với Philippines là trường hợp mà đông đảo cư dân mạng cũng là cổ động viên bóng đá chờ đợi nên ai cũng muốn có được tấm vé trong tay. VFF nên xem lại cách làm của mình, chứ không thể để tình trạng này tái diễn. Nó như gáo nước lạnh dội vào đầu hàng vạn người hâm mộ".
Cũng có những suy nghĩ tương tự như ông Võ Đỗ Thắng, chia sẻ trên báo Lao Động, ông Nguyễn Hữu Cường - Trưởng ban điều hành diễn đàn an ninh mạng Whitehat.vn nhận định, để xảy ra tình trạng quá tải trên hệ thống đăng ký của VFF là do đội ngũ vận hành trang đã sử dụng công nghệ quá cũ và lạc hậu.
Nhiều người dân bức xúc khi không mua được vé trận bán kết lượt về giữa Việt Nam và Philipines. |
Còn theo một chuyên gia công nghệ khác, hiện nay tất cả các trang có lượng người truy cập lớn đều đã sử dụng hệ thống có cơ chế auto scale, theo đó hệ thống sẽ tự thay đổi để phù hợp với số lượng người dùng và không thể xảy ra tình trạng tê liệt. Đáng nhẽ đơn vị vận hành trang web của VFF phải nhận định được điều này và có sự chuẩn bị.
Chuyên gia công nghệ Võ Đỗ Thắng cho biết thêm, đây không phải lần đầu tiên hệ thống bán vé của VFF bị trục trặc như vậy.
Theo chuyên gia này, hệ thống của một đơn vị lớn như VFF lại không khác gì phần mềm đăng ký tín chỉ của nhiều trường đại học, khi mà khách hàng cứ phải ngồi canh hàng giờ đồng hồ trước thiết bị điện tử để đăng ký. Nếu VFF không khắc phục những lỗi kỹ thuật đang tồn tại thì tình trạng này vẫn sẽ tiếp tục vào năm sau.
Tưởng rằng để cho người hâm mộ đăng ký online thì sẽ không còn tình trạng xếp hàng, chen lấn thế nhưng người hâm mộ vẫn phải chờ đợi khổ sở không kém việc xếp hàng ở sân Mỹ Đình mua vé trực tiếp.
“Vậy tại sao VFF không tổ chức đấu thầu để những đơn vị thực sự có năng lực quản lý hệ thống của mình?”, ông Thắng bày tỏ quan điểm.
Nguyễn Phượng (T/h)