Sau nhiều năm nước ta kêu gọi người dân tôn trọng bản quyền, thì những ngày gần đây, những nỗ lực đó dường như đã trôi sông trôi bể khi Việt Nam không thể mua bản quyền ASIAD 2018. Hàng loạt kênh bóng đá lậu mọc lên như nấm, kèm theo đó là không ít quảng cáo “bẩn”. Việc phát lậu là vi phạm pháp luật. Trong khi đó, việc xem lậu cũng có không ít hệ lụy.
Nhiều kênh phát lậu bóng đá ASIAD kèm quảng cáo “bẩn”
Những ngày qua, dư luận đang sôi sục tìm kiếm các trang mạng phát trực tiếp các trận đấu của Olympic Việt Nam trong khuôn khổ ASIAD 2018. Và “kênh” Xoilac.tv được nhiều người lùng sục. Kênh này có chất lượng hình ảnh tương đối tốt và kèm theo đó là có bình luận tiếng Việt.
Sở dĩ có tình trạng này là bởi Việt Nam không thể mua được bản quyền của ASIAD 2018 để phát sóng các trận đấu của đội tuyển bóng đá nam Olympic Việt Nam cũng như các môn thi đấu khác. Được biết, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở châu Á không có bản quyền ASIAD 2018. Ngoài Xoilac.tv thì theo tìm hiểu của PV, hiện đang có rất nhiều các “kênh”, trang mạng như Facebook, YouTube, Blog... có các tài khoản phát sóng lậu các môn thi đấu của ASIAD 2018. Có thể kể ra những cái tên như: tructiepbongda.com, tructiephd.com, keonhacai.com... Không chỉ tường thuật các trận có tuyển Việt Nam trong khuông khổ ASIAD lần này, các trang nói trên còn phát mọi giải đấu, kể cả ngoại hạng Anh, Tây Ban Nha, Pháp...
“Một khi nhà đài không mua được bản quyền, trong khi đó, khán giả có nhu cầu xem thì việc họ tìm link lậu là đương nhiên. Hơn nữa, việc “xem chùa” này hoàn toàn không bị xử phạt, cũng chẳng ảnh hưởng tới ai thì cớ gì mọi người không xem”, anh Lê Anh Bằng (ngụ quận 2, TP.HCM) phân trần.
Trong khi đó, nhìn nhận với thái độ e dè và có phần “tự cảm thấy xấu hổ”, một số người nói “phải cắn răng để xem”. “Chất lượng thì không tốt, luôn bị rung, giật, đứng hình... Kèm theo đó là hàng loạt bình luận văng tục, câu like, view xuất hiện, chen ngang. Các quảng cáo tràn lan, nhất là những hình ảnh mát mẻ liên tục hiện lên, nhấp nháy. Cực chẳng đã mới phải xem thôi”, ông Bùi Văn Bình (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) chia sẻ.
Không chỉ phát lậu mà các trang này còn "xơi" luôn hình ảnh tuyển Việt Nam. |
Điều đáng nói, ngoài việc phát sóng thì các trang này còn kèm các hoạt động khác để câu view (lượt xem) nhằm hưởng lợi quảng cáo, hay từ việc khai thác các kênh như YouTube, Facebook, Blog... Tổ chức cá cược, đánh bài, ghi số đề... khá phổ biến. Thậm chí, một số trang còn tranh thủ hướng dẫn người chơi cá độ. Người tên Hải, quản trị một trang chuyên về phát sóng lậu bóng đá kèm nhận cá cược cho biết: “Nếu anh muốn chơi cá cược hay đánh bài thì phải tạo tài khoản và nạp tiền vào, sau đó sẽ cá cược hay đánh bài thoải mái”. Tương tự, các trang khác khi đề nghị chơi cá cược hay đánh bài ăn tiền thì đều được yêu cầu tạo tài khoản và nạp tiền vào các tài khoản này. Hoàn toàn không có chuyện chơi thử hay chơi rồi trả tiền sau.
Tại trang m.bongdaxxx, PV được người có nickname Nguyên (quản trị viên) hướng dẫn để tham gia cá cược. “Trước hết phải có tài khoản trên trang, anh chỉ mất 3 phút là tạo thành công, sau đó nạp tiền vào tài khoản để cá cược. Tỉ lệ cá cược theo nhà cái đưa ra và nếu thua thì số tiền cá cược trong tài khoản sẽ bị mất. Còn nếu thắng thì nhà cái sẽ chung số tiền theo tỉ lệ cá cược vào tài khoản và hoàn toàn có thể chuyển đổi bằng tiền mặt, dưới các hình thức thương mại hợp pháp”, Nguyên cho biết.
Các thông tin trên trang là hoàn toàn bí mật, vì máy chủ này được đặt ở Dubai (các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất), cho nên không có vấn đề gì xảy ra. Việc cá cược này hoàn toàn bí mật, do người cá cược tạo nick ảo và trên trang hoàn toàn không hiển thị bất cứ thông tin nào. Dù vậy, khi thanh toán thì vẫn dùng các hình thức thương mại hợp pháp, do đó, coi như là không vi phạm pháp luật”, Anh, quản trị viên trang bong99xxx cho biết.
Phát lậu giải bóng đá, thu lời bất chính
Liên quan đến vấn đề trên, quản trị “kênh” Xoilac.tv cũng thừa nhận là kênh này phát sóng lậu các trận bóng. “Từ trước tới nay, mặc dù mang tiếng là kênh stream lậu, nhưng trong các buổi livestream, mình vẫn luôn nhắc nhở và khuyến khích anh em, nếu có điều kiện hãy ủng hộ các kênh truyền hình chính thống, ủng hộ các nhà đài đã mua bản quyền. Mặc dù kênh bọn mình làm lậu thật, nhưng bọn mình không cổ xúy việc xem lậu, Xoilac.tv hay Mitom.tv được bọn mình tạo ra với mục đích ban đầu là phục vụ những anh chị em ở nước ngoài có thể có một nơi theo dõi những trận bóng đá có bình luận tiếng mẹ đẻ”, quản trị trang này biện minh.
Người này còn giải thích: “Trước khi có Xoilac.tv thì cũng có hàng tá trang khác đã tồn tại biết bao năm nay, rồi thì sopcast (một ứng dụng xem tivi online miễn phí) các kiểu nữa... Và rồi bọn mình nảy ra ý tưởng tại sao không làm một kênh bóng đá lậu chất lượng, có bình luận tiếng Việt? Đằng nào mọi người cũng phải xem lậu, thì mình chỉ giúp mọi người xem lậu với chất lượng tốt hơn thôi, đằng nào cũng mang "tiếng" rồi thì "miếng" cũng phải ngon một tý!”.
Phân tích về vấn đề này, luật sư Nguyễn Hồng Đức, đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng: “Tất cả các kênh hay tài khoản đăng ký trên mạng xã hội đã và đang phát nhưng không có bản quyền (gọi là phát lậu) thì vi phạm nghiêm trọng về bản quyền và các hình thức sở hữu trí tuệ khác. Vấn đề là có ai đứng ra khởi kiện để buộc họ phải trả lại số tiền đã hưởng lợi bất chính từ lượt xem của cộng đồng hay không. Họ luôn ngụy biện rằng, đây là cách để phục vụ người này, người kia... Tuy nhiên, muốn phục vụ thì cũng phải tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Do đó, không thể biện minh cho hành động này”.
Bên cạnh việc phát lậu, các trang này còn tổ chức cá cược, đánh bài ăn tiền bất hợp pháp. |
Mặt khác, các chuyên gia khác cũng cho rằng, ngoài chuyện ăn cắp, xài chùa thì cũng phải nhìn lại văn hóa ứng xử của người xem. Ông Nguyễn Chí Trung, một chuyên gia về tiếp thị thể thao tại TP.HCM chia sẻ: “Người dân không thể xem được các môn thi đấu, trong đó có bóng đá nam tại ASIAD 2018 là điều thiệt thòi, đặc biệt trong khi tuyển bóng đá nam với nòng cốt là U23 đã giành ngôi Á quân giải vô địch U23 châu Á hồi đầu năm”.
“Tuy nhiên, việc xem các kênh lậu như vậy cũng sẽ ảnh hưởng tới uy tín của Việt Nam, nhất là trong việc thương lượng mua bản quyền ở các giải đấu về sau. Dù có đội tuyển Việt Nam hay không cũng không quan trọng, họ sẽ nhìn vào đó để đánh giá và đưa ra mức giá, thậm chí là sẽ tiếp tục tăng giá cao hơn”, ông Trung phân tích thêm.
“Ví dụ như World Cup hay điển hình như ASIAD lần này đã là bài học đắt giá. Người xem cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Việc đó vừa là thể hiện văn hóa xem vừa ngăn chặn các hành vi vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ. Bởi, nếu không có người xem thì chắc chắn các kênh này sẽ không tồn tại. Mặt khác, các nhà đài phải nỗ lực hơn trong việc đàm phán, nếu giá cao thì phối hợp với các đài địa phương, điều này hoàn toàn có thể làm được. Vấn đề là họ có chịu làm hay không”, ông Trung khuyến nghị thêm.
Một chuyên gia trong lĩnh vực thể thao cho hay, trong khi bản quyền các giải đấu lớn luôn có xu hướng sẽ tăng cao, nếu không tìm được giải pháp, các nhà đài vẫn lấy lý do kinh tế để khước từ việc mua bản quyền thì người Việt Nam có khả năng tiếp tục phải “nhịn” xem. Không thể ép một nhà đài phải bỏ khoản tiền lớn để mua, tuy nhiên, câu chuyện về thể diện cũng cần được quan tâm không kém. Trong thời gian tới, không thể chỉ đổ khó khăn lên đầu VTV, mà có thể các nhà đài cùng doanh nghiệp chung tay mua bản quyền. Bên cạnh đó, cần một kế hoạch cụ thể dài hơi về ngoại giao, thương lượng cùng với việc hợp tác bài bản với các doanh nghiệp để chào mời các gói đổi quảng cáo với doanh nghiệp để sở hữu bản quyền. |
Dương Thanh Tùng/Người Đưa Tin