3 học sinh lớp 5 của trường tiểu học Phú Trạch, xã Hải Phú, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình bị rối loạn nhịp tim, khó thở, nghi ngộ độc khí N2O sau khi thổi kẹo bong bóng. Sự việc dấy lên hồi chuông cảnh báo về những trò chơi tưởng chừng vô hại nhưng lại ẩn chứa nhiều hiểm họa với trẻ nhỏ.
"Kẹo bong bóng" được rao bán phổ biến trên mạng. |
Mua kẹo bong bóng ở cổng trường để thổi, 3 học sinh bị ngộ độc
Đại diện bệnh viện Đa khoa huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận 3 học sinh tiểu học trên địa bàn huyện trong tình trạng đau ngực, khó thở, buồn nôn, chóng mặt, nghi bị ngộ độc khí. Cả 3 em đều là học sinh lớp 5 của trường tiểu học Phú Trạch (xã Hải Phú, huyện Bố Trạch), gồm: Ng.H.Th.L.; D.T.K.V. và D.Th.Tr..
Bác sĩ Trần Thanh Tùng, Trưởng khoa khoa Hồi sức cấp cứu (bệnh viện Đa khoa huyện Bố Trạch) thông tin, 3 trường hợp được chẩn đoán bị rối loại nhịp tim, nghi do ngộ độc khí N2O. Các em đều được các bác sĩ cho thở ô- xy, truyền dịch và làm các xét nghiệm cần thiết. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của các em đang có tiến triển tích cực, nói chuyện được và đang được theo dõi y tế chặt chẽ.
Theo thông tin ban đầu, Ng.H.Th.L.; D.T.K.V. và D.Th.Tr. đã mua một loại kẹo thổi bong bóng (dạng tuýp có ống hút nhỏ để thổi) ở một cửa hàng tạp hóa. Sau khi thổi 2-3 quả bóng thì các em bắt đầu có cảm giác đau tức ngực, khó thở, buồn nôn, chóng mặt, người mệt mỏi. Ngay sau đó, người nhà đã kịp thời đưa các em đến bệnh viện. Sau khi tiếp nhận thông tin, Công an xã Hải Phú đã phối hợp với Công an huyện Bố Trạch khẩn trương vào cuộc để điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Theo tìm hiểu của PV, trò chơi thổi “kẹo bong bóng” có sức hấp dẫn lớn đối với trẻ nhỏ, thậm chí có những em “nghiện” thổi bong bóng vì có thể vừa chơi, thi nhau xem ai thổi to hơn, hoặc vừa đập vào bạn để trêu đùa. Hiện loại kẹo bong bóng này được rao bán khá phổ biến tại các cổng trưởng và trên mạng với giá 3.000 đồng/tuýp, 52.000 đồng/ hộp 32 tuýp. Trên Shopee, kẹo bong bóng được tiếp thị là “đồ chơi tuổi thơ của bao thế hệ 8X và 9X đời đầu, hạn sử dụng 1 năm”. Theo quảng cáo keo bong bóng có cả hàng Việt Nam và hàng Trung Quốc. Điều đáng nói, trên bao bì sản phẩm cũng chỉ vài chữ Trung Quốc in thủ công, ngoài ra không có bất cứ thông tin nào về thành phần, nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Trong khi đó, người bán cam kết, mặt hàng này đẹp, an toàn nên người mua yên tâm sử dụng!?
Trò chơi của trẻ nhỏ này giờ đây còn hấp dẫn cả các "anh chị" học cấp 2, cấp 3. Dung dịch nước để thổi bóng được thay thế bằng một loại chất dẻo đựng trong tuýp. Chỉ cần lấy một ít chất dẻo vào đầu ống thổi, trẻ sẽ dễ dàng thổi được những quả bóng trong suốt, lấp lánh màu sắc, với những kích cỡ to nhỏ theo ý muốn.
Cũng theo tìm hiểu của PV, điều đặc biệt là những quả bóng này không dễ vỡ như bong bóng thổi bằng dung dịch nước, chúng rất dai và thậm chí sau khi thổi xong, trẻ chỉ cần lấy tay ép hoặc vê vào cuống bóng là bóng tự giữ được hơi. Thông thường một tuýp “kẹo bong bóng” có kèm theo que thổi. Sức hấp dẫn của “kẹo bong bóng” nằm ở chỗ, khi người dùng thổi ra những quả bong bóng to, nhiều màu sắc bắt mắt.
Một học sinh bị ngộ độc đang được theo dõi tại bệnh viện. |
Các chất trong dung dịch có thể gây ngộ độc cấp tính
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với PV ĐS&PL, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, đại học Bách Khoa Hà Nội nhận định: “Kẹo bong bóng” là một hình thức biến tướng của “bóng cười” gây nguy hại đến trẻ nhỏ. Thông thường, các đồ chơi thổi bong bóng bằng dung dịch nước chủ yếu sử dụng các chất hoạt động bề mặt, sức căng bề mặt càng lớn quả bóng sẽ càng to, càng dai. Để làm tăng tính dai của những quả bóng này, nhà sản xuất có thể cho thêm một số chất, chủ yếu là glycerin, với tỉ lệ đậm đặc tùy độ dai mong muốn.
Bong bóng thổi từ các tuýp keo này không phải là những quả "bóng nước" như thổi từ dung dịch nước mà chúng được thổi ra từ các chất tạo màng dai. Những chất này có thể là polyme hoặc có thành phần nhựa, nhưng để thổi được thành bóng cần có thêm dung môi hòa tan. Các chất dẫn xuất có thể được dùng như aceton, butanol, izoamyl ancol, butyloeetat... thường là các chất bay hơi, hàm lượng lớn xâm nhập vào cơ thể có thể gây ngộ độc cấp tính. Nồng độ cho phép của các chất này trong không khí cũng là rất thấp.
Các bong bóng thổi bằng chất keo dính thực chất là các màng dai, giống như ở kẹo cao su, nên không thể khúc xạ ánh sáng mặt trời để tạo nên màu sắc. Những quả bóng bằng màng dai này khi thổi to quá mức nếu bị nổ vỡ, nguy cơ bắn vào mắt, sẽ gây nguy hiểm rất lớn. “Muốn tạo màu sắc cho các quả bóng này, nhà sản xuất nhất thiết phải thêm vào các chất tạo màu”, PGS. TS Thịnh lưu ý thêm.
Cũng theo vị chuyên gia này, khí N2O được sử dụng như một chất kích thích dạng hít trong “kẹo bong bóng” được ứng dụng trong ngành thực phẩm, thường được dùng trong các hộp kem tươi dạng xịt nén. Đây là một loại chất gây ức chế thần kinh, khiến cho cơ thể trở nên chậm chạp.
PGS.TS Trần Hồng Côn (khoa Hóa, đại học Khoa học Tự nhiên, đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, khi hít vào cơ thể, khí N2O sẽ tan vào máu, tác động đến thần kinh với cảm giác châm chích ở đầu các chi, đi lại loạng choạng. Nhiều người cho rằng hít bóng cười trong thời gian ngắn sẽ không ảnh hưởng đến thần kinh. Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo, hít khí cười trong thời gian ngắn với liều lượng lớn vẫn có thể khiến người sử dụng bị co giật, run rẩy. Đặc biệt, người mắc bệnh về tim mạch, hen suyễn và một số bệnh liên quan tới đường hô hấp, hít N2O lâu có thể dẫn tới ngừng thở. |
Ngân Giang
Bài đăng trên ấn phẩm Tạp chí in Đời sống& Pháp luật số Chủ nhật (12)