+Aa-
    Zalo

    Hệ lụy khi sử dụng thuốc lá điện tử: Những lầm tưởng tai hại

    (ĐS&PL) - Với những lời quảng cáo “có cánh”, thuốc lá điện tử hấp dẫn nhiều người tiêu dùng, trong đó có không ít người trẻ tuổi.

    Lần đầu tiên được tung ra thị trường vào cuối năm 2000, thuốc lá điện tử được cho là một giải pháp thay thế an toàn hơn cho thuốc lá truyền thống. Tuy nhiên, chúng lại trở thành mối nguy hại đe dọa đến sức khỏe người dân.

    3 lầm tưởng về thuốc lá điện tử

    Một kết quả điều tra do Viện Chiến lược và Chính sách y tế tiến hành năm 2020 cho thấy, tỷ lệ đang sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8 – 12 là 8,35% (nữ là 4,8%, nam là 12,39%), còn ở học sinh lớp 10-12 là 12,6%. Tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá điện tử cũng tăng cao hơn so với thuốc lá điếu thông thường, có tới 8% trẻ em gái và phụ nữ hút thuốc lá điện tử, trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở nữ là 1,2%.

    Bác sĩ Nguyễn Trọng An – Nguyên Phó Cục trưởng cục Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em (bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho hay, sở dĩ thuốc lá điện tử hấp dẫn giới trẻ là vì chúng có thiết kế bắt mắt, nhỏ gọn, đóng gói như kẹo, nhiều hương vị và giá bán rẻ. Bên cạnh đó, người bán đang lợi dụng giới trẻ, lôi kéo khuyến mại để quảng cáo thuốc lá, vì thế họ có nhiều lời quảng cáo “tán khéo” che đậy bản chất thực có hại của thuốc lá điện tử nhằm đánh lừa người sử dụng.

    Thuốc lá điện tử từng được kỳ vọng sẽ giúp cai được thuốc lá điếu và giảm các tác hại. Trên thực tế, loại thuốc lá này vẫn chứa nicotine, cũng gây phụ thuộc và đang gây nghiện cho ngày càng nhiều người trẻ. Hiện nay, thuốc lá điện tử đã trở thành một “đại dịch mới” khi được giới trẻ Mỹ ưa chuộng.

    bac si chi ra 3 lam tuong ve thuoc la dien tu1
    Thuốc lá điện tử đang thu hút nhiều người tiêu dùng, trong đó có không ít người trẻ tuổi. Ảnh minh họa

    Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) cho hay, đa phần thuốc lá điện tử chứa nicotine – chất gây nghiện cao và là nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, và ung thư. Sử dụng nicotine quá liều gây ngộ độc, trong khi nghiện nicotine là một trong những nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, đột quỵ… Các chất độc hại trong thuốc lá điện tử còn gây tổn thương phổi cấp

    Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện chưa có bằng chứng quốc tế cho thấy thuốc lá điện tử an toàn và có tác dụng cai nghiện thuốc lá điếu thông thường. Ngoài nicotine – chất gây nghiện, các thành phần chính của dịch lỏng trong thuốc lá điện tử gồm propylene glycol và các chất tạo hương chứa thành phần gây ung thư.

    Bên cạnh suy nghĩ thuốc lá điện tử không gây nghiện, nhiều người còn lầm tưởng rằng sản phẩm này không gây hại cho người xung quanh do không cần châm lửa, không tro, không khói, không CO2 và không có mùi. Thực chất, thuốc lá điện tử chứa nhiều chất độc hại, không tốt cho sức khỏe.

    Qua quá trình khảo sát, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Mỹ đã ghi nhận hơn 1.000 ca bị chấn thương phổi do việc sử dụng thuốc lá điện tử. Ngoài ra, một số nghiên cứu khác chỉ ra trong thuốc lá điện tử có rất nhiều thành phần gây hại hoặc có khả năng gây hại.

    Cụ thể, hàm lượng nicotine vượt quá mức cho phép, đặc biệt là ở các loại thuốc lá điện tử nhập lậu, kém chất lượng. Tinh dầu thuốc lá điện tử thường được sản xuất bởi các loại hạt siêu mịn, từ đó làm gia tăng nguy cơ thấm sâu vào phổi.

    Ngoài ra, thành phần tạo mùi, hương liệu khó kiểm soát, có thể dẫn đến các bệnh nghiêm trọng liên quan tới phổi, đặc biệt là Diacetyl. Nghiên cứu còn phát hiện một số nhóm chất hữu cơ dễ bay hơi và các chất hóa học độc hại khác trong thuốc lá điện tử. Loại thuốc lá này cũng chứa một số lượng lớn kim loại nặng như Niken, thiếc, chì…

    Với những lời quảng cáo “có cánh”, không ít người tin rằng thuốc lá điện tử sẽ không gây ung thư. Tuy nhiên, vào năm 2009, cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phát hiện một số ống nicotine lỏng chứa khoảng 1% diethylene glycol (DEG) - một chất độc có trong dung dịch chống đông.

    Chưa kể, lượng chất Formaldehyde do thuốc lá điện tử tạo ra khi đốt nóng chất lỏng chứa nicotine và chất tạo mùi thơm bên trong thiết bị là một chất hóa học độc hại có khả năng gây ung thư, thường được sử dụng trong chế tạo vật liệu xây dựng và bảo quản thi hài.

    bac si chi ra 3 lam tuong ve thuoc la dien tu
    Thuốc lá điện tử từng được kỳ vọng là một giải pháp thay thế an toàn hơn cho thuốc lá truyền thống, trên thực tế chúng lại trở thành mối nguy hại đe dọa đến sức khỏe người dân. Ảnh minh họa

    Dấu hiệu nhận biết trẻ sử dụng thuốc lá điện tử

    Theo WHO, các sản phẩm thuốc lá đều độc hại với sức khỏe, đến nay, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thuốc lá gây nguy hại đối với sức khỏe cộng đồng tương tự thuốc lá thông thường. Không chỉ làm tăng nguy cơ nghiện nicotine với người đã từng hút và chưa bao giờ hút, thuốc lá điện tử còn gia tăng nguy cơ động kinh, mắc các bệnh về răng miệng, gây các vụ nổ, bỏng, chấn thương…

    Khói thuốc lá điện tử cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người xung quanh, đặc biệt là phụ nữ mang thai, đang cho con bú và trẻ em như thuốc lá truyền thống. Tình trạng này được gọi là “hút thuốc lá thụ động”.

    Đối với trẻ em đang nằm trong bụng mẹ, khi người mẹ hít phải khói thuốc lá, chất nicotine và các loại chất độc hại khác sẽ đi qua phổi vào trong máu rồi trực tiếp đến em bé. Việc này có thể gây nguy cơ vỡ ối sớm, thai nhi phát triển chậm, tăng nguy cơ sinh non, trẻ sinh ra nhẹ cân – suy dinh dưỡng bào thai, gây các tổn thương não và phổi cho thai nhi, đồng thời tăng nguy cơ thai chết lưu.

    Khói thuốc lá còn ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ em. “Con của những người hút thuốc thường có khó khăn trong nhận thức, rối loạn hành vi và giảm khả năng học tập. Ngoài ra, những đứa trẻ lớn lên với cha mẹ hút thuốc nhiều khả năng cũng sẽ hút thuốc”, bác sĩ An chia sẻ.

    Để ngăn trẻ tiếp xúc và sử dụng thuốc lá điện tử, bác sĩ An cho rằng các cha mẹ cần dành thời gian quan tâm, lắng nghe và giám sát cuộc sống hàng ngày của trẻ trên cơ sở tôn trọng, tránh việc áp đặt. Đồng thời, cha mẹ cần phối hợp với nhà trường để tìm hiểu thêm về sinh hoạt, mối quan hệ của trẻ, từ đó có thể phát hiện những dấu hiệu bất thường.

    Một số dấu hiệu sớm nhận biết trẻ sử dụng thuốc lá điện tử gồm:

    - Phát hiện thấy mùi lạ trong nhà: Thuốc lá điện tử thường có mùi hoa quả hấp dẫn. Những mùi phổ biến là mùi cam, bạc hà, chanh… Nếu cha mẹ ngửi thấy những mùi hương bất thường trong nhà, có thể đó là dấu hiệu của việc trẻ dùng thuốc lá điện tử.

    - Nhận thấy con có sự thay đổi về tính nết, hành vi: Trẻ hay có biểu hiện lo âu, cáu gắt, thậm chí trẻ có xu hướng tham gia các hành vi mạo hiểm.

    - Phát hiện những vật lạ trong nhà: Thuốc lá điện tử đa dạng về kích thước và hình dáng, có thể xuất hiện dưới dạng ống, USB… Nếu cha mẹ tìm thấy những vật thể có hình dáng bất thường trong nhà thì có thể đưa đến bệnh viện để kiểm tra.

    bac si chi ra 3 lam tuong ve thuoc la dien tu2
    Cha mẹ cần cảnh giác trước tình trạng ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử. Ảnh minh họa

    Cha mẹ cũng cần cảnh giác và cẩn trọng hơn khi tình trạng ma túy tổng hợp “ngụy trang” thuốc lá điện tử đang diễn ra. Viện Khoa học hình sự - bộ Công an thông tin, gần đây tội phạm ma túy đã chế tạo những chất ma túy mới chưa có trong danh mục cấm đựng trong dung dịch thuốc lá điện tử, dùng dụng cụ thuốc lá điện tử để sử dụng trái phép.

    Theo bác sĩ An, nếu trẻ em không may nuốt, uống hoặc hấp thụ một lượng nhỏ ma túy tổng hợp (các chất ma túy thuộc nhóm cần sa tổng hợp được tẩm vào các mẫu thảo mộc) và nicotine trong dung dịch thuốc lá điện tử thì có thể bị ngộ độc với các biểu hiện nôn ói, nhịp tim nhanh, tăng tiết nước bọt, đau bụng, da tái nhợt, vã mồ hôi, thở nhanh, mất kiểm soát cơ thể, mất cân bằng không thể đi lại, kích thích tăng cường ảo giác, tăng huyết áp, tụt huyết áp, yếu cơ, suy tim, suy thận… run tay, co giật. Trường hợp nặng có thể gây nhịp tim chậm, tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, sốc, hôn mê, thậm chí tử vong.

    Về cách cai thuốc lá điện tử, Nguyên Phó Cục trưởng cục Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em khuyên nên uống nhiều nước (uống từ 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày), ăn các thực phẩm lành mạnh, luyện tập thể dục thể thao và điều chỉnh tâm trạng. Bên cạnh đó, nên ưu tiên giấc ngủ vì trong quá trình cai thuốc lá điện tử, người cai nghiện dễ cảm thấy mệt mỏi và khó ngủ.

    Đinh Kim - Linh Chi

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/he-luy-khi-su-dung-thuoc-la-dien-tu-nhung-lam-tuong-tai-hai-a559914.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan