Theo thông tin trên Telegraph, lá chắn xung điện từ dọc theo chiến tuyến mang đến sự bảo vệ quan trọng, giúp quân đội Nga ngăn chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Ukraine.
Ukraine ban đầu nhận thấy đạn pháo Excalibur 155mm dẫn đường bởi GPS đột nhiên lệch khỏi mục tiêu. Tiếp đó, tên lửa phóng từ hệ thống tên lửa pháo binh cơ động (HIMARS) không ít lần bắn trượt. Điều tương tự xảy ra với bom dẫn đường JDAM mà Mỹ cung cấp cho lực lượng không quân Ukraine.
Các nhà quan sát nhận định, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nói trên nhiều khả năng chính là thiết bị gây nhiễu của Nga. Moscow đã âm thầm phát triển loại vũ khí để tiêu diệt một số loại tên lửa và rocket có giá trị nhất của Ukraine. Điều này đã cho thấy lợi thế về sử dụng công nghệ trong cuộc xung đột đang dần nghiêng về phía Nga.
Một bức tường xung điện từ “vô hình” trải dài như một tấm khiên bảo vệ được thiết lập trên phần lớn chiến tuyến. Mạng lưới tín hiệu vô tuyến, hồng ngoại cùng radar phức tạp được triển khai lên bầu trời phía trên chiến trường, mang đến cho lực lượng Nga sự bảo vệ chưa từng có ở một số khu vực.
Telegraph thông tin, tác chiến điện tử của Nga không chỉ khiến tên lửa Ukraine không thể tiếp cận được mục tiêu mà còn ngăn chặn các loại UAV giá rẻ của đối phương. Được biết, Ukraine thường sử dụng các UAV này vào nhiệm vụ trinh sát và tấn công tầm xa.
Các binh sĩ Ukraine hiểu rõ, họ đang ở thế bất lợi hơn so với Nga trong lĩnh vực tác chiến điện tử. Một binh sĩ Ukraine chiến đấu ở tiền tuyến, thường xuyên sử dụng UAV Mavic để phát hiện mục tiêu chia sẻ: “Nga luôn có hệ thống tác chiến điện tử tốt kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt. Hiện giờ, hệ thống này còn hiệu quả hơn chúng tôi”.
“Đây là một vấn đề lớn trên mặt trận”, ông Andrey Liscovich - chuyên gia thuộc Quỹ Quốc phòng Ukraine nhận định, đồng thời lưu ý rằng Kiev đang ở trong “trò chơi mèo vờn chuột” liên tục với Nga khi hai bên tranh giành quyền kiểm soát sóng vô tuyến.
Các tần số vô tuyến được sử dụng để điều khiển cả máy bay không người lái tấn công góc nhìn thứ nhất (FPV) và UAV trinh sát “đang bị làm nhiễu gần như hoàn toàn”, theo Telegraph.
Những thiết bị do Nga triển khai có thể gây nhiễu hệ thống dẫn đường của các UAV hoặc đơn giải là cắt đứt liên kết vô tuyến giữa vũ khí và người điều khiển. Một số UAV rơi xuống mà không bắn trúng mục tiêu, trong khi một số khác lơ lửng trên không không kiểm soát cho đến khi hết pin.
Theo một báo cáo của Viện Dịch vụ Thống nhất hoàng gia (RUSI) tại Anh, Nga đang bố trí hệ thống tác chiến điện tử lớn, cách đều nhau khoảng 9,6km dọc theo tiền tuyến.
Shipovnik-Aero - một thiết bị tác chiến điện tử mà Nga sử dụng - gắn trên xe tải được cho là đã chứng tỏ hiệu quả đặc biệt trong việc chống lại UAV của Ukraine. Với tầm bắn khoảng 9,6km, Shipovnik-Aero có thể chặn UAV và thu được tọa độ của người điều khiển thiết bị để đáp trả bằng hỏa lực pháo binh.
Ở những khu vực tiền tuyến không được trang bị các hệ thống tác chiến điện tử phức tạp hơn, binh sĩ Nga sử dụng thiết bị nhỏ hơn, đặt trên chiến hào. Các hệ thống chạy bằng pin có phạm vi hoạt động từ 50-100m và không thường xuyên được bật 24/24 để tiết kiệm điện.
Tại những khu vực này, việc tấn công mục tiêu thường dễ dàng hơn do thiết bị không hoạt động hoặc UAV đến đủ gần trước khi mất tín hiệu. Tuy nhiên, ở những khu vực có mật độ thiết bị tác chiến điện tử dày đặc hơn, binh sĩ Ukraine phải thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa hơn trước khi phóng UAV.
Cụ thể, họ triển khai UAV đến tiền tuyến bằng cách sử dụng máy phân tích phổ để tìm ra tần số gây nhiễu gần đó. Biện pháp đối phó chính là lập trình lại UAV nhưng điều này không đơn giản nếu thiết bị được mua từ các nước khác. Một phương án khác là triển khai một loạt UAV bởi không phải mọi tần số đề có thể bị chặn cùng một lúc.
Các biện pháp đối phó phức tạp hơn được các nước NATO sử dụng phần lớn được cho là nằm ngoài khả năng của Ukraine. Theo cựu chỉ huy NATO Hamish de Bretton-Gordon, điều đó buộc quân đội Ukraine phải chiến đấu theo một cách hoàn toàn khác.
Telegraph cho biết, các hệ thống được quân đội phương Tây sử dụng có giá hàng nghìn USD, trong khi các nhà sản xuất UAV của Ukraine đặt mục tiêu giữ cho thiết bị của họ rẻ nhất có thể.
Theo các báo cáo, FPV có giá chỉ 260 USD đã được Ukraine sử dụng để tiêu diệt xe tăng Nga. Trong khi đó, UAV Watchkeeper do quân đội Anh vận hành có giá hàng triệu bảng Anh nhưng được trang bị các biện pháp đối phó tác chiến điện tử.
XEM THÊM: Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: Thêm một bang loại ông Trump khỏi phiếu bầu sơ bộ
Ông Hamish de Bretton-Gordon chia sẻ: “Đó là một vấn đề nan giải và chỉ có Ukraine mới trả lời được câu hỏi liệu họ chấp nhận mất 50% số UAV trị giá 500 USD hay thực hiện bước tiếp theo tốn kém hơn nhiều để ngăn điều đó”.
Tuy nhiên, ông Hamish de Bretton-Gordon đánh giá rằng ngay cả khi Ukraine mất một nửa số UAV do tác chiến điện tử của Nga, thiết bị này vẫn có tác động trên chiến trường.
Các thiết bị công nghệ luôn đứng đầu trong danh sách mua sắm của quân đội Ukraine. Tuần này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng, Kiev sẽ tìm cách sản xuất 1 triệu UAV.
Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine Valery Zaluzhny cảnh báo, Nga có thể “biến bất kỳ thành phố nào thành Bakhmut trong vài tháng” nếu lực lượng Ukraine không có trang thiết bị mới.
Đinh Kim(Theo Telegraph)