Foreign Policy dẫn thông tin một quan chức thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết, hơn 2/3 số xe tăng Nga mà quân đội Ukraine phá hủy trong những tháng gần đây đã bị hạ gục bằng máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV).
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Ukraine đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng đạn dược trầm trọng. Sự chậm trễ trong quá trình viện trợ của Mỹ và các đồng minh phương Tây đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của các lực lượng vũ trang Ukraine, bao gồm cả việc để mất quyền kiểm soát thành phố Avdiivka .
Foreign Policy nhận định nguồn đạn dược khan hiếm buộc quân đội Ukraine phải phụ thuộc vào máy bay không người lái FPV để thực hiện các cuộc tấn công chống tăng. Loại khí tài này chỉ có giá vài trăm tới vài nghìn USD với cấu tạo tương đối thô sơ nhưng lại tương đối hiệu quả trong các hoạt động trinh sát và tấn công ngoài mặt trận.
Máy bay không người lái FPV có thể được vận hành bằng bộ điều khiển và người điều khiển chúng có thể theo dõi các cuộc tấn công "tự sát" nhằm vào các phương tiện của Nga thông qua nguồn cấp dữ liệu video. Các bản ghi từ các nguồn cấp dữ liệu này sau đó trở thành nội dung lan truyền trên các kênh truyền thông xã hội của Ukraine.
Tuy nhiên, các cuộc tấn công bằng FPV của Ukraine không phải lúc nào cũng hiệu quả. Vì chỉ được được trang bị camera giá rẻ nên việc nhắm mục tiêu của loại máy bay không người lái này sẽ trở nên khó khăn hơn vào ban đêm hoặc trong điều kiện nhiều mây. Chúng thường mang theo loại đạn tự chế vì thế đôi khi sẽ phát nổ giữa không trung dù chưa tiếp cận được mục tiêu.
Ông Rob Lee - thành viên cấp cao trong chương trình Á-Âu của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại cho biết, độ chính xác tổng thể của máy bay không người lái FPV là dưới 50%. Ông nhận định cần phải người điều khiển nhiều kinh nghiệm với nhiều cuộc tấn công thành công mới có thể đạt được kết quả có ý nghĩa trong các cuộc tấn công nhằm vào xe tăng.
Mặt khác, quân đội Nga được cho là đang đối mặt với tình trạng thiếu xe bọc thép và việc mất đi lợi thế về số lượng loại vũ khí này có thể khiến Moscow gặp khó khăn trong việc tiến hành các hoạt động tấn công trong tương lai.
Đầu năm nay, Cơ quan Tình báo Đối ngoại của Estonia và Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) đã công bố một số báo cáo cho biết Nga đã mất hơn 8.000 phương tiện chiến đấu bọc thép như xe tăng và xe bọc chở quân trong cuộc xung đột ở Ukraine.
P.U (T/h)