+Aa-
    Zalo

    Hé lộ vấn đề nan giải “bào mòn” binh lực, làm tê liệt kế hoạch chiến đấu của Ukraine

    (ĐS&PL) - Vấn đề này khiến tình trạng thiếu nhân sự của quân đội Ukraine trầm trọng hơn, làm tê liệt kế hoạch chiến đấu của họ vào thời điểm quan trọng trong cuộc xung đột.

    Con số đáng kinh ngạc

    VOV dẫn thông tin từ Financial Times cho biết, số lượng binh sĩ Ukraine đào ngũ trong khoảng thời gian từ tháng 1/2024 đến cuối tháng 10/2024 nhiều hơn so với 2 năm trước đó trong cuộc xung đột với Nga.

    Theo báo cáo, các công tố viên của Ukraine đã mở 60.000 vụ án với các binh sĩ đã rời bỏ vị trí của mình trong khoảng thời gian từ đầu năm đến tháng 10/2024, tổng cộng gần gấp đôi số vụ trong năm 2022 và 2023 cộng lại.

    Trong khi đó, thông tin từ Văn phòng Tổng công tố Ukraine cho hay hơn 100.000 binh sĩ nước này bị kết tội vì hành vi đào ngũ kể từ khi chiến sự bùng phát vào tháng 2/2022. Gần một nửa binh sĩ trong số đó đào ngũ vào năm 2023, sau khi Ukraine phát động chiến dịch tuyển quân gây tranh cãi mà các quan chức và cchir huy quân đội nước này thừa nhận là đã thất bại.

    Con số nói trên được đánh giá là cao đến mức kinh ngạc bởi Kiev có khoảng 300.000 binh sĩ trước khi nước này phát động chiến dịch tuyển quân. Số lượng binh sĩ rời bỏ vị trí trên thực tế có thể còn cao hơn nhiều. Một nghị sĩ Ukraine tiết lộ lượng lính đào ngũ có thể lên tới 200.000 người.

    Binh sĩ Ukraine lắp đặt mìn chống tăng, chướng ngại vật không nổ dọc theo tiền tuyến gần thị trấn Chasiv Yar ở Donetsk. Ảnh: Lữ đoàn cơ giới số 24 của Ukraine

    Binh sĩ Ukraine lắp đặt mìn chống tăng, chướng ngại vật không nổ dọc theo tiền tuyến gần thị trấn Chasiv Yar ở Donetsk. Ảnh: Lữ đoàn cơ giới số 24 của Ukraine

    Nạn đào ngũ khiến tình trạng thiếu nhân sự của quân đội Ukraine càng thêm trầm trọng, đồng thời làm tê liệt kế hoạch chiến đấu của họ vào thời điểm quan trọng trong cuộc xung đột. Điều đó có thể khiến Ukraine gặp bất lợi rõ ràng trong những cuộc đàm phán hòa bình tương lai.

    Theo chia sẻ của các chỉ huy quân sự, nhiều đơn vị bỏ vị trí chiến đấu trong lúc giao tranh, làm yếu tuyến phòng thủ và tạo cơ hội cho đối thủ tấn công. Điển hình, tình trạng binh sĩ đào ngũ đã góp phần đưa đến thất bại của lực lượng Ukraine và để mất thị trấn Vuhledar hồi tháng 10, theo thông tin trên báo Nhà Báo & Công Luận.

    Một sĩ quan thuộc Lữ đoàn 72 cho hay, việc mất thị trấn Vuhledar là do các binh sĩ bỏ chạy, làm cho các tuyến phòng thủ bị bỏ ngỏ. Sự thiếu hụt quân số trầm trọng vì tử vong, thương tích và đào ngũ khiến các đại đội bị suy yếu nghiêm trọng. Khoảng 20% số binh sĩ mất tích đã đào ngũ và tỷ lệ này gia tăng theo mỗi tháng.

    Tới khi quân đội Ukraine nhận ra tình thế nguy hiểm, các lực lượng tăng viện được điều đến nhưng chính những đơn vị này cũng rời bỏ vị trí sau đó. 

    Lữ đoàn 72 bị kéo căng nhiều tuần trước khi Vuhledar thất thủ, chỉ có ba tiểu đoàn bám trụ tại thành trì này đến phút chót, thậm chí các chỉ huy còn rút bớt quân của họ để củng cố sườn. Không được hỗ trợ, các tiểu đoàn cuối cùng buộc phải rút lui, dẫn đến lực lượng Ukraine bị tổn thất lớn.

    Theo nhận định của sĩ quan phụ trách pháp lý của một lữ đoàn Ukraine, vấn đề nghiêm trọng nhất là "các binh sĩ bỏ vị trí chiến đấu giữa lúc giao tranh, khiến đồng đội của họ thiệt mạng vì điều đó".

    "Chúng tôi ghi nhận một số lần các đơn vị lớn nhỏ bỏ vị trí, để hở sườn và bị đối phương khoét vào. Đồng đội của những binh sĩ đào ngũ tử trận vì không biết vị trí quanh họ không còn ai", sĩ quan này nói.

    Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng đào ngũ?

    "Nạn đào ngũ đang trở nên rất nghiêm trọng. Chiến sự đã diễn ra hơn 2 năm và vấn đề này chỉ ngày càng trầm trọng thêm”, ông Oleksandr Kovalenko - chuyên gia quân sự người Ukraine sống ở Kiev cho biết.

    Các luật sư, binh sĩ và quan chức Ukraine chia sẻ, đối mặt với tình trạng thiếu hụt mọi thứ và trở nên kiệt sức vì chiến đấu liên miên, hàng chục nghìn binh sĩ Ukraine đã tự ý rời bỏ vị trí chiến đấu.

    Nhiều trường hợp cả đơn vị rút khỏi mục tiêu mà họ có nhiệm vụ bảo vệ, khiến phòng tuyến trở nên dễ bị tổn thương và giúp Nga kiểm soát thêm lãnh thổ, theo các chỉ huy và binh sĩ Ukraine.

    Đối mặt với tình trạng thiếu hụt mọi thứ và trở nên kiệt sức vì chiến đấu liên miên, hàng chục nghìn binh sĩ Ukraine đã tự ý rời bỏ vị trí chiến đấu. Ảnh minh họa: Out Look India

    Đối mặt với tình trạng thiếu hụt mọi thứ và trở nên kiệt sức vì chiến đấu liên miên, hàng chục nghìn binh sĩ Ukraine đã tự ý rời bỏ vị trí chiến đấu. Ảnh minh họa: Out Look India

    Một số người, dường như bị chấn thương tâm lý và mất tinh thần bởi viễn cảnh chiến trường ảm đạm, đã xin nghỉ ốm để về tuyến sau điều trị và không bao giờ quay lại đơn vị. Số khác xung đột với chỉ huy và từ chối thực hiện mệnh lệnh, thậm chí là giữa trận đánh.

    Việc binh sĩ Ukraine đào ngũ đã phơi bày những vấn đề sâu xa đang làm rối loạn lực lượng của Kiev cũng như cách họ tác chiến, từ chiến dịch tuyển quân sai lầm tới việc dàn mỏng các đơn vị tiền tuyến. "Nói thẳng ra, chúng tôi đã vắt kiệt sức lực của mọi người", một sĩ quan thuộc Lữ đoàn Cơ giới số 72 thừa nhận.

    Nhiều binh sĩ Ukraine mệt mỏi khi phải chiến đầu từ tháng này sang tháng khác mà không được rút về tuyến sau để nghỉ ngơi. Một số binh sĩ lại bị tổn thương tâm lý và cảm xúc khi chứng kiến nhiều cái chết của đồng đội.

    Số khác cảm thấy tội lỗi vì không còn tinh thần chiến đấu, trong khi một số người tức giận về cách chỉ đạo tác chiến của chỉ huy và thất vọng vì khó có thể chiến thắng, theo thông tin trên VnExpress.

    "Giữ im lặng về vấn đề lớn chỉ gây hại cho Ukraine", anh Serhii Hnezdilov - một trong số ít binh sĩ công khai nói về quyết định đào ngũ, nêu ý kiến. Hnezdilov rời đơn vị vì cần chăm sóc y tế và tuyên bố sẽ đào ngũ trước khi phẫu thuật. Anh nói không thấy khả năng được giải ngũ sau 5 năm phục vụ trong quân đội dù các lãnh đạo đã hứa điều này.

    Một binh sĩ Ukraine đào ngũ khác lại cho hay, anh rời đơn vị vì cần phẫu thuật nhưng không muốn quay lại sau khi hết hạn nghỉ phép. Binh sĩ này cũng tâm sự bản thân vẫn còn gặp ác mộng vì chứng kiến cái chết của đồng đội.

    Tuy nhiên, nhiều sĩ quan trong quân đội không lên án những binh sĩ đào ngũ. Một sĩ quan chia sẻ rằng ở thời điểm này, ông không thể trách móc những người lính vì "mọi người đều thực sự mệt mỏi".

    Theo ba sĩ quan quân đội Ukraine và một phát ngôn viên của Cục Điều tra Ukraine, các công tố viên và quân đội không muốn truy tố binh sĩ đào ngũ vì không thể thuyết phục họ quay lại đơn vị bằng cách này. Một số người quay lại đơn vị rồi lại bỏ trốn.

    Hai luật sư đại diện cho các binh sĩ đào ngũ cho biết rất khó bảo vệ thân chủ khi họ bị truy tố, và bên biện hộ thường tập trung vào khía cạnh tâm lý khi họ bỏ đơn vị. "Những người này không đối phó được tình huống họ gặp phải và không được hỗ trợ về mặt tâm lý", luật sư Tetyana Ivanova nói.

    Bà tiết lộ thêm, nhiều binh sĩ có ý định đào ngũ đã tìm tới bà để xin lời khuyên, nhưng sau đó được điều tới chiến đấu gần Ugledar. "Họ sẽ không giành lại được thành phố, nhưng cũng chẳng có cơ hội mà quay về", nữ luật sư nói.

    Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết binh sĩ nước này được hỗ trợ tâm lý, song không bình luận về số binh sĩ đào ngũ trên chiến trường.

    Ukraine có hạ độ tuổi nhập ngũ?

    Trong suốt thời gian xung đột, cả Nga và Ukraine đều đang phải vật lộn để bổ sung tân binh vào lực lượng vũ trang. Tuần trước, một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết Kiev nên cân nhắc hạ độ tuổi nhập ngũ xuống mức trẻ nhất là 18 tuổi để nhanh chóng bổ sung thêm lực lượng.

    Việc hạ độ tuổi nghĩa vụ quân sự là vấn đề gây tranh cãi nghiêm trọng và Ukraine đã hạ độ tuổi của nam giới đủ điều kiện nghĩa vụ quân sự từ 27 tuổi xuống 25 tuổi vào tháng 4.

    Nhiều binh sĩ Ukraine mệt mỏi khi phải chiến đầu từ tháng này sang tháng khác mà không được rút về tuyến sau để nghỉ ngơi. Ảnh minh họa: TS

    Nhiều binh sĩ Ukraine mệt mỏi khi phải chiến đầu từ tháng này sang tháng khác mà không được rút về tuyến sau để nghỉ ngơi. Ảnh minh họa: TS

    Trong một bài viết đăng trên mạng xã hội, ông Dmytro Lytvyn - Cố vấn truyền thông của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ rằng "không hợp lý" khi Kiev phải đối mặt với những lời kêu gọi hạ độ tuổi động viên "có lẽ là để tuyển thêm người, trong khi các trang thiết bị được cam kết trước đó không đến đúng hạn". 

    Theo ông Lytvyn, do những sự chậm trễ này nên Ukraine thiếu vũ khí để trang bị cho những người lính đã được huy động.

    "Chúng tôi không thể bù đắp cho sự chậm trễ của các đối tác trong việc ra quyết định và chuỗi cung ứng bằng tính mạng của những người lính và những thanh niên trẻ tuổi nhất của chúng tôi", một nguồn tin giấu tên trong văn phòng tổng thống Ukraine chia sẻ với Reuters.

    Trong khi đó, quan chức Mỹ nói: "Việc huy động và tăng cường nhân lực có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể vào thời điểm này khi chúng ta nhìn vào tình hình chiến trường hiện nay".

    Hiện tại, vẫn chưa rõ chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump với Ukraine sẽ như thế nào sau khi ông nhậm chức vào tháng 1/2025 giữa bối cảnh ông từng đề cập đến việc cắt viện trợ cho Ukraine và kết thúc xung đột chỉ trong 1 ngày.

    Liên quan đến tình hình chiến sự Nga – Ukraine, Reuters đưa tin, ngày 2/12, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cho biết Mỹ sẽ gửi cho Ukraine gói viện trợ vũ khí trị giá 725 triệu USD. Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tìm cách hỗ trợ Ukraine trước khi ông rời nhiệm sở vào tháng 1/2025.

    Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Blinken nói rằng gói viện trợ mới sẽ bao gồm tên lửa Stinger, đạn dược cho Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), thiết bị không người lái, mìn cùng nhiều trang thiết bị khác.

    Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng vừa công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 650 triệu euro cho Ukraine trong chuyến thăm vào ngày 2/12. Theo một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Đức, gói viện trợ mới gồm các hệ thống phòng không IRIS-T, xe tăng Leopard 1 và máy bay không người lái (UAV) vũ trang.

    Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Scholz đến Kiev kể từ những tháng đầu của chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Chuyến thăm diễn ra trước khi ông Trump trở lại Nhà Trắng và vài tuần sau khi liên minh cầm quyền của Thủ tướng Scholz tan vỡ.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/he-lo-van-e-nan-giai-bao-mon-binh-luc-lam-te-liet-ke-hoach-chien-au-cua-ukraine-a486570.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan