Dương Anh Vũ (29 tuổi, Ninh Thuận) xuất sắc trở thành kỷ lục gia trí nhớ học thuật Thế giới, giành học bổng toàn phần ngành MBA tại Auckland, New Zealand, học bổng cống hiến của Tổ chức Universal Forum... Để có được thành công đó là nhờ có sự chăm sóc, dạy bảo tận tình của người bố hết mực yêu thương Vũ.
Từ học sinh “yếu toàn diện” thành kỷ lục gia trí nhớ
Ngày 26/3/2015, trước sự chứng kiến của 4 quan chức thuộc tổ chức Sách Kỷ lục Thái Lan, một giáo sư và 28 sinh viên của trường đại học Chulalongkorn, Bangkok, Dương Anh Vũ khi đó 27 tuổi, đã xác lập kỷ lục về trí nhớ, trở thành người nước ngoài duy nhất được quốc gia Chùa Vàng vinh danh. Hiện, Dương Anh Vũ đã hoàn thành xong chương trình MBA tại đại học Auckland, New Zealand và hiện là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành giáo dục tại đại học Leeds, Anh quốc (đều là học bổng toàn phần). Ngoài công việc giảng dạy, anh còn phân tích và tham vấn về các vấn đề toàn cầu theo lời mời của một số tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước.
Dù đi bất cứ nơi đâu, Dương Anh Vũ cũng luôn có bố bên cạnh. |
Kể về khoảng thời gian khó khăn mà mình đã vượt qua với PV báo ĐS&PL, Dương Anh Vũ cho hay, thời gian sống ở nước ngoài với anh là một chặng đường vô cùng gian nan, vất vả. Dù thế, chàng trai này vẫn luôn nỗ lực, anh muốn chứng minh cho mọi người thấy, một học sinh từng lưu ban nhiều năm, thi lại nhiều lần, thậm chí phải học bổ túc nhưng nhờ kiên trì và nỗ lực học tập đã chạm tay được đến với vinh quang.
Vũ kể, anh sinh ra trong một gia đình nông dân. Trong khi tất cả anh chị em đều có sức học khá tốt thì riêng anh lại là một học sinh "yếu toàn diện". Anh mất 6 năm mới hoàn thành bậc tiểu học, trong đó có 3 năm là học sinh yếu và năm nào cũng phải thi lại. Lên cấp hai, trong khi bạn bè học trường công lập thì anh vào trường bán công. Tuy không bị lưu ban năm nào nhưng Vũ vẫn là học sinh yếu và liên tục thi lại. Thậm chí, vào năm cuối cấp, anh suýt bị cấm thi tốt nghiệp vì có một môn với điểm tổng kết chỉ 2,2. Với kết quả học tập như thế, việc bước chân vào cổng trường đại học với anh chỉ là một giấc mơ. Gia đình và nhất là bố anh khi ấy cảm thấy thất vọng về thành tích của người con trai, ông muốn Vũ đi học nghề.
“Tôi đã kiên quyết nói với bố mình muốn đi học và tôi bắt đầu có cảm giác thèm tri thức như một con nghiện. Sau đó, tôi đã thi vào trường đại học Quốc gia TP.HCM. Bốn năm sau, tôi nhận học bổng du học thạc sĩ ở New Zealand. Thời điểm ấy, bố mẹ cũng chưa thực sự tin tưởng, hàng xóm thì dị nghị, họ nói bố mẹ tôi nghèo mà còn bày đặt cho con học cao. Vì thế, tôi quyết định mình phải đi học và nếu chưa thành công thì chưa được về nhà. Sau này khi tôi thành công trở về, bố đã ôm tôi khóc rất nhiều”, Dương Anh Vũ chia sẻ.
Những ngày đầu đi du học đối với Dương Anh Vũ không hề đơn giản chút nào. Anh vừa đi học vừa đi làm thêm. Khó khăn, vất vả nơi xứ người khiến không ít lần chàng trai trẻ nghĩ đến việc tự kết liễu đời mình. Nhưng khi nghĩ đến gia đình, anh lại quyết tâm phải thực hiện bằng được ước mơ. Vũ muốn cuộc đời mình có giá trị với người khác. Vũ quan niệm: “Sống mà thiếu lòng tự trọng và niềm tin thì không có ý nghĩa gì nữa”. Vì thế, anh bắt đầu rèn luyện trí nhớ và trở thành “kẻ ăn mày tri thức”.
Giờ đây, Vũ có khả năng nhớ được: 1.022 tác phẩm văn chương kinh điển thế giới; 20.000 số pi trong toán học; 10.056 mốc sự kiện khoa học, nghệ thuật, lịch sử nhân loại; 108 hệ thống dữ liệu toàn cầu với hơn 40.000 con số và 17.000 dữ liệu chữ; Nhớ được nguyên tấm bản đồ thế giới khổ lớn nhất bằng 5 ngôn ngữ...
Dạy con theo triết lý của người nông dân
Khi được hỏi về đứa con thứ 4 – kỷ lục gia trí nhớ Dương Anh Vũ, ánh mắt ông Dương Anh Dũng lấp lánh niềm tự hào, ông cười bảo: “Mỗi khi Vũ được lên truyền hình hay lên báo là hàng xóm thường chạy qua báo tin, hỏi thăm. Người ta bảo trúng 10 tờ vé số độc đắc cũng không bằng có một đứa con như nó”. Nhiều người hỏi ông Dũng về bài học đầu tiên mà ông dạy con trai mình, ông chỉ cười.
Quả thực, ông là nông dân, học chưa hết lớp 3 nên bản thân ông cũng không có một triết lý nào để dạy cho con mình. Ông Dũng bảo, ông nuôi các con mình như cách ông chăm cây nho hay đám lúa ngoài đồng, ông không có bài học nào gọi là đầu tiên cho con cái cả. Và ông cũng không thể dạy các con mình trở thành một tiến sĩ hay kỷ lục gia trí nhớ thế giới, mà ông chỉ có thể giúp chúng trở thành một người tử tế.
“Tôi nuôi dạy các con theo bản năng của một người nông dân. Lúc chúng còn nhỏ, ngày nghỉ tôi thường cho các con ra ngoài đồng chơi để chúng thấy được sự vất vả của bố mẹ. Hơn hết, để các con thấy được sự cơ cực của nghề nông, từ đó chúng sẽ biết rằng, chỉ có cái chữ mới giúp thay đổi số phận của con người. Khi Vũ học bài thì tôi chỉ biết mang sự cần cù của một lão nông ra để dạy con, bởi cần cù bù thông minh mà. Vũ cũng đã từng phải ở lại lớp, thi lại, thậm chí phải học bổ túc vì điểm quá thấp. Nhưng tôi biết, Vũ có một thứ mà ít ai bì được, đó là sự kiên trì và cần cù”, ông Dũng thật thà cho biết.
Vì điểm thi chuyển cấp của Vũ quá thấp nên ông Dũng bắt con trai nghỉ học để đi học nghề. Những tưởng con trai sẽ đồng ý ngay, ai ngờ, Vũ đã khóc và xin cha được tiếp tục con đường học vấn.
“Lúc ấy tôi rất ngạc nhiên, vì một đứa học dốt mà được nghỉ học đáng ra phải cảm thấy vui chứ? Nhưng con tôi thì cứ nằm dài trên giường, không chịu ăn hay nói chuyện với ai. Khi ấy tôi bực mình và bế tắc lắm. Vợ tôi lúc ấy mới bảo: “Thằng Vũ muốn đi học nữa, con nó hứa sẽ cố gắng học, nếu học xong lớp 12 mà không đậu đại học thì nó sẽ đi lính và cố gắng rèn luyện thật giỏi để được người ta cho học sĩ quan. Thực ra lời hứa của Vũ không thuyết phục được tôi, nhưng tôi cũng muốn “liều” thêm lần nữa với thằng con này”, ông Dũng kể.
Để tránh làm gia đình xấu hổ, Vũ đã chọn một trường bổ túc ở TP. Phan Rang, cách nhà đến hơn 10km để học. Mỗi ngày, anh phải rời nhà từ sớm tinh mơ và phải đến tối mịt mới về đến nhà. Đến năm lớp 11 thì kết quả học tập của Vũ có tiến bộ vượt bậc.
Nhìn vào sự quyết tâm của con, ông Dũng tin cậu con trai bướng bỉnh của mình sẽ làm nên chuyện. Ông quyết định mua một chiếc xe đạp mới toanh để thưởng cho sự nỗ lực của con, ông còn chủ động tăng thêm tiền sinh hoạt phí cho Vũ vì lo con trai đi học xa sẽ thiếu thốn. Số tiền bố cho thêm được Vũ dùng để mua sách về đọc. Thấy con trai đi lại vất vả, ông Dũng định cho Vũ trọ học ở gần trường nhưng Vũ nhất quyết phản đối. Vũ nói với bố: “Con sẽ trở thành đứa con tuyệt vời nhất thế giới này để bố mẹ tự hào, nhưng bố mẹ đừng bắt con ở trọ”.
Tuy lúc đó Vũ học bổ túc nhưng lại là đứa con mà ông Dũng cảm thấy tự hào nhất, vì Vũ có một ý chí sắt đá, một quyết tâm bền bỉ. Cũng theo ông Dũng, từ khi quyết định đi học bổ túc, Vũ trầm tính hẳn, rất ít nói và gác hết những sở thích thường nhật như đá banh, câu cá... Lúc nào ông cũng thấy Vũ học. Thương con, ông Dũng chỉ biết âm thầm đứng trong bóng tối nhìn Vũ học bài. Mỗi lần thấy con trai khóc vì bế tắc một điều gì đó, ông không đến lau nước mắt cho con mà hôm sau ông dùng những lời khích lệ, thể hiện ý chí quyết tâm để nói với con.
Ông Dũng bảo, mỗi khi nói một điều gì đó với Vũ ông luôn thể hiện niềm tin dành cho con trai mình. Có như vậy, dù Vũ đang ở bên gia đình hay phải xa nhà thì vẫn có động lực để cố gắng. Khi nhận được sự khích lệ cũng như niềm tin mà bố trao cho, Dương Anh Vũ đã nỗ lực chinh phục mọi thử thách, cũng để chứng minh một điều rằng: “Tôi học theo triết lý của bố - một người nông dân và tôi đã thành công”.
Và sau 3 năm nỗ lực, cuối cùng anh thi đậu vào trường đại học Quốc gia TP.HCM. Từ đây, anh bắt đầu nghiên cứu nhiều đề tài, cải thiện trí nhớ rồi nhận được học bổng cao học ở đại học Auckland, New Zealand. Dù hiện tại, Vũ đã thành công và có được nhiều thành tích nhưng ông Dũng vẫn luôn nhắc nhở con mình về đạo lý sống, những bài học kinh nghiệm từ “trường đời” và hơn hết chính là sự nỗ lực của bản thân.
Mai Hằng