Hệ thống radar tối tân AN/SPY-6 có thể giúp chiến hạm Aegis của Mỹ đủ năng lực đối phó với những tên lửa đạn đạo có tầm bắn từ 1.000-3.000 km.
Hình ảnh được cho là radar AN/SPY-6. Ảnh: Getty |
Theo Defence-blog, nhà sản xuất Raytheon chuẩn bị công bố SPY-6, dòng radar trên hạm thế hệ mới mạnh gấp hàng chục lần radar trên tàu Aegis.
Buổi ra mắt của AN/SPY-6 tới đây sẽ diễn ra tại Triển lãm Hàng không-Không gian Biển hàng năm, triển lãm hàng hải lớn nhất tại Mỹ. Raytheon tiết lộ, AN/SPY-6 là hệ thống radar được sản xuất theo đơn đặt hàng của Hải quân Mỹ.
Theo kế hoạch, hệ thống radar AN/SPY-6 đầu tiên sẽ được trang bị trên chiến hạm Aegis thế hệ mới Jack Lucas. Con tàu này sẽ chính thức gia nhập Hải quân Mỹ vào năm 2024.
Dù con tàu này không có khác biệt mấy so với những chiếc cùng lớp Arleigh Burke trước đó nhưng nó sẽ được trang bị nhiều thiết bị và vũ khí tối tân khiến nó trở thành sát thủ với mọi mục tiêu.
Được biết, trước khi bản hợp đồng mua AN/SPY-6 được ký kết, Hải quân Mỹ và nhà sản xuất Raytheon đã phối hợp thử nghiệm thành công hệ thống radar giám sát và phòng thủ tên lửa AN/SPY-6 có công suất thu phát gấp 30 lần so với các hệ thống radar AN/SPY-1 trên các tàu Arleigh Burke hiện tại.
Theo những thông tin được Raytheon tiết lộ, AN/SPY-6 là thành phần tối quan trọng trong của chương trình phòng không và chống tên lửa (AMDR) sẽ được lắp đặt trên tàu khu trục lớp Arleight Burke thế hệ ba (Flight III) của Hải quân Mỹ.
Được phát triển với công nghệ vật liệu gallium-nitride, hệ thống radar AN/SPY-6 mạnh hơn nhiều đài radar AN/SPY-1 trên chiến hạm Mỹ được trang bị hệ thống Aegis hiện nay. Hệ thống radar AN/SPY-6 có thể phát hiện mục tiêu nhỏ ở khoảng cách xa gấp đôi so với mẫu AN/SPY-1D.
Việc phát triển và bước đầu thử nghiệm thành công AN/SPY-6 cho thấy, hệ thống radar tối tân này có thể giúp chiến hạm Aegis của Mỹ đủ năng lực đối phó với những tên lửa đạn đạo có tầm bắn từ 1.000-3.000 km.
Và như vậy, phát hiện và dẫn bắn những tên lửa tương tự DF-21D của Trung Quốc hay bất kỳ tên lửa tối tân nào của Nga hoàn toàn nằm trong khả năng của AN/SPY-6 trên chiến hạm tương lai của Hải quân Mỹ.
Tàu khu trục USS Carney lớp Arleigh Burke của Mỹ tập trận tại Biển Đen trong điều kiện ban đêm. Ảnh: Getty |
Tàu khu trục thuộc lớp Arleigh Burke, với tên lửa dẫn đường, là đội tàu chiến có số lượng nhiều nhất trong Hải quân Mỹ, khoảng 70 chiếc, với lượng giãn nước hơn 5.000 tấn. Vũ khí chính trên tàu là tên lửa hành trình Tomahawk có tầm bắn tới 2.600 km và khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Trên tàu còn được trang bị tên lửa phòng không RIM-66 SM-2, pháo 127mm Mark 45 và một số súng máy cỡ nòng lớn. Mục đích chính của tàu Arleigh Burke là bảo vệ tàu sân bay và nhóm tàu chiến trước các cuộc tấn công ồ ạt bằng tên lửa và tàu ngầm kẻ địch, đẩy lùi các cuộc tấn công từ trên không.
Hệ thống hoàn toàn tự động là yếu tố quan trọng trong hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ, vì một tàu chiến có thể được gửi đi làm nhiệm vụ tới bất cứ nơi nào trên đại dương thế giới. Các tàu khu trục đầu tiên thuộc loại này bắt đầu phục vụ trong Hải quân Mỹ từ đầu những năm 1990.
Qua nhiều năm hoạt động, các con tàu đã được hiện đại hóa nhiều lần. Hiện nay, phiên bản thứ ba Flight IIA đã được đưa vào sử dụng. Năm ngoái, tại Mỹ, phiên bản tàu khu trục thế hệ thứ tư Jack Lucas cũng đã khởi động và sẽ hoàn thành vào năm 2024.
Mộc Miên (T/h)