Căn biệt thự Pháp cổ có diện tích hơn 800m2 ở Hàng Bè (Hoàn Kiếm, Hà Nội) từng thuộc sở hữu của vợ chồng thương gia Trương Trọng Vọng và Nguyễn Thị Sửu giàu có nức tiếng phố cổ những năm 1920 của thế kỷ trước.
Nức tiếng phố cổ
Bà Trương Thị Mô (sinh năm 1924), con gái thứ hai của vợ chồng thương gia này, cho biết: Cha bà người gốc làng Cổ Điển ngay sát thị trấn Văn Điển (Cuối thời Lê đầu thời Nguyễn là xã Cổ Điển, tổng Cổ Điển, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, thị trấn Sơn Nam Thượng).
Làng Cổ Điển có 2 dòng họ lớn là họ Chử và Trương. Ngoài làm ruộng, dân làng còn thạo nghề buôn bán, kinh doanh do làng nằm trên đường Thiên Lý (Quốc lộ 1A ngày nay), cách kinh thành Thăng Long chỉ 10km.
Những năm đầu thế kỷ 20, làng Cổ Điển là khu vực có kinh tế tương đối khá. Nhiều người làng ra Hà Nội buôn bán, làm thuốc, làm thầu khoán, xí nghiệp sản xuất... Nhờ khả năng kinh doanh nhạy bén và kinh nghiệm từ cha ông truyền lại, chẳng mấy chốc họ trở nên phát đạt, thành thương gia giàu có, trong đó có cha của bà Mô.
Phía ngoài của căn biệt thự có tuổi đời gần 100 năm |
Bà Mô nhớ lại: "Cha tôi kể, khi tôi ra đời, lúc này cụ đã là nhà thầu khoán, kinh doanh cực kỳ giàu có. Cụ rất yêu chiều vợ con, sớm tiếp cận với cuộc sống văn mình từ rất sớm, cụ đã cho xây căn biệt thự này để gia đình có cuộc sống tiện nghi hơn".
Căn biệt thự được xây dựng trong 1 năm trời với lối kiến trúc mang đậm dấu ấn văn hóa Pháp và hệ thống sân vườn rộng rãi. Nhà chạy theo hình chữ nhật, ở giữa là giếng trời lấy ánh sáng cho tất cả các căn phòng. Phía sau là nhà phụ nơi ở của gia nhân và nhà để xe.
Ở khu vực chính của biệt thự, cha mẹ bà Mô sắp xếp phòng ngủ cho mình và các con ở tầng 2, mỗi người con 1 phòng. Trong các căn phòng này được bố trí giường ngủ, bàn uống nước, bàn trang điểm, tủ quần áo làm từ gỗ lim. Còn ở tầng 1 vợ chồng thương gia Trương Trọng Vọng dùng làm nơi tiếp khách, mang hơi hướng truyền thống với đầy đủ sập, gụ, tủ chè, hoành phi câu đối... Ngoài ra, vợ chồng ông còn bố trí các phòng chức năng khác như phòng làm việc, phòng ăn lớn của gia đình thành một hệ thống liên hoàn. Riêng khu bếp được xây làm 2 gian rộng lớn, biệt lập với khu nhà ở.
Bà Mô chia sẻ, cha bà thành công trên thương trường nhưng ông không qua trường lớp đào tạo nào mà chủ yếu là kinh nghiệm ông học hỏi khi còn trẻ, đi lập nghiệp, làm thuê cho các thương gia người Việt và người Pháp. Lĩnh vực cha bà kinh doanh chủ yếu là bất động sản, cột đá dùng trong xây dựng nhà ở, đồ gỗ mỹ nghệ, xe kéo, xích lô...
Thương gia Trương Trọng Vọng tuy giàu có nhưng tính tình lương thiện và có tấm lòng nhân hậu, không lấn át người khác. Hai vợ chồng ông sinh được 6 người con, 4 trai và 2 gái. Bà Mô tâm sự, 93 năm gắn bó với căn biệt thự này, bà có rất nhiều kỷ niệm đặc biệt với gia đình.
Người phụ nữ ở tuổi xưa nay hiếm bộc bạch: "Tôi và các anh chị em đã trải qua thời thơ ấu thanh bình, hạnh phúc với sự bao bọc, yêu thương của cha mẹ".
Ngày đó, trong nhà bà Mô lúc nào cũng có 3 u em (người trông trẻ) chăm sóc các chị em, 1 người lái xe, 1 đầu bếp có thể nấu được nhiều món ăn Âu - Á.
Đầu bếp này từng có thời gian dài làm cho chủ người Pháp nhưng vì quý đạo đức và con người của thương gia Trương Trọng Vọng nên khi ông đặt vấn đề mời về làm cho gia đình, vị đầu bếp đồng ý ngay.
"Bữa cơm của đình tôi cũng xoay quanh cơm - rau - cá - thịt và các món ăn đặc trưng của người Hà Nội nhưng được đầu bếp chế biến rất cầu kỳ, tinh tế. Gia đình tôi thường ăn ở nhà trên còn gia nhân sẽ ăn cơm ở nhà dưới. Đồ ăn cơm như bát, đĩa toàn bằng loại sứ in họa tiết cầu kỳ, tinh xảo. Đũa ăn cơm làm bằng gỗ mun nhưng đầu đũa được bịt bằng bạc. Ngoài ra, cha mẹ tôi còn nuôi thêm 3 cậu nhỏ chạy việc, giúp ông bà chủ lo việc thư từ, việc vặt trong gia đình" - bà Mô kể tiếp.
Ngày đó, gia đình thương gia Trương Trọng Vọng có một chiếc ô tô nhưng ông và các con vẫn sử dụng xe đạp để đi lại và chỉ dùng ô tô vào những dịp lễ, Tết hoặc đi chơi xa. "Những năm đầu thế kỷ 20, xe ô tô đã thịnh hành ở Việt Nam. Chiếc xe hơi được cha mẹ tôi mua bằng rất nhiều tiền Đông Dương, đặt từ bên Pháp, vận chuyển về Việt Nam qua đường tàu biển. Chiếc xe khá rộng, có thể chở một lúc 7, 8 người" - Giọng chậm rãi bà Mô kể tiếp.
Bà Trương Thị Mô - con gái vợ chồng thương gia Trương Trọng Vọng |
Cuộc sống xa hoa
Vẫn theo lời bà Mô vào dịp nghỉ hè, cha mẹ bà thường đưa gia đình đi nghỉ mát ở bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) và Đồ Sơn (Hải Phòng) 1 tháng. Ở Đồ Sơn cha mẹ bà mua một căn nhà nghỉ dưỡng rộng khoảng 300m2 .
"Thời gian ở biệt thự Đồ Sơn cha tôi ít khi làm việc mà dành toàn bộ thời gian đưa vợ con đi thăm thú, ngắm cảnh. Nếu có việc gấp, cụ bảo anh xe đưa về Hà Nội mấy ngày để xử lý công việc rồi thu xếp quay lại với vợ con ngay. Cảnh vật ở Đồ sơn khi đó rất hoang sơ nhưng đã có nhà nghỉ, khách sạn được xây dựng để phục vụ tầng lớp giàu có.
Thời kỳ này, chị em tôi đi biển cũng rất tân tiến, đã biết mặc áo tắm như phụ nữ trong xã hội hiện đại ngày nay".
Nói về tình cảm của cha mẹ mình dành cho các con, gương mặt hồ hởi bà Mô chia sẻ, cha mẹ bà rất yêu thương, chiều chuộng các con. Chỉ cần con nói muốn ra ngoài chơi là cha mẹ bà gọi lái xe chở các con đi. Khác với tư tưởng trọng nam khinh nữ tồn tại khá nặng nề trong xã hội đương thời, vợ chồng thương gia Trương Trọng Vọng rất quý con gái. Mùa nào thức đó, bà Mô cùng các chị em gái đều được cha mẹ sắm sửa cho rất nhiều trang phục đẹp. Mùa hè bà được may áo dài bằng vải tơ tằm, lụa Hà Đông... Mùa đông bà được may áo dài bằng nhung, gấm và nhiều loại vải đẹp, đắt đỏ ở thời điểm đó.
Đến tuổi thiếu nữ, theo bà Mô, cha mẹ bà không có thói quen tổ chức hay tặng quà sinh nhật cho các con nhưng thường hay mua trang sức bằng vàng và kim cương như kiềng, nhẫn, lắc cho các con đeo. "Chị em tôi cứ bước chân ra ngoài cửa là mặc áo dài, đến mỗi một sự kiện lại thay một màu áo dài khác nhau, đi chùa, đi dạo phố, đi xem phim, đi học... Trong tủ của tôi lúc nào cũng sẵn 40 bộ áo dài các loại. Chỉ cần thấy con gái thích bộ nào, hôm sau mẹ sẽ đưa tôi đi may. Cụ chưa bao giờ từ chối con cái bất cứ điều gì. Tôi còn nhớ, để mặc những bộ áo dài đó, chị em tôi không đi guốc mộc thông thường mà đi những loại giày cao gót mua trên phố Hàng Bồ, rất êm chân mà tôn dáng".
Bà Mô cũng cho hay, thời kỳ đó không thể không nhắc đến việc trang điểm. Phụ nữ bắt đầu biết sử dụng những loại mỹ phẩm nhập ngoại, chủ yếu là từ Pháp, Anh. Từ phấn má, son môi, kem dưỡng, bút kẻ lông mày... chị em bà đều được mẹ sắm cho đủ bộ. "Tôi học ở trường Đồng Khánh, ở trường dù các nữ sinh được tiếp xúc với Văn hóa phương Tây nhưng vẫn giữ cho mình những nét văn hóa thuần Việt, đi học mặc bộ áo dài trắng. Chúng tôi không trang điểm khi đi học mà chỉ trang điểm khi ở nhà hoặc đi chơi cùng bạn bè" - người phụ nữ sinh năm 1924 chia sẻ. Bên cạnh đó, bà Mô chia sẻ thêm, tuy giàu có nhưng cha mẹ bà vẫn dạy các con sống giản dị, khiêm tốn và mực thước. Tác phong đi lại phải nhẹ nhàng, giọng nói từ tốn, tôn trọng người ăn kẻ ở.
Đặc biệt, cha bà Mô là người có tấm lòng nhân hậu, khi làm ăn được, thấy người ăn xin là ông mang tiền đến cho. Ông còn mang tiền về quê xây nhà cho người nghèo ở quê hương và giúp đỡ nhiều người có vốn làm ăn, khởi nghiệp. Vì vậy, cha mẹ bà Mô được rất nhiều người quý mến, nể trọng.
"Trải qua nhiều biến động của lịch sử, hiện gia đình tôi chỉ quản lý phần diện tích hơn 200m2 . Phần diện tích này vẫn được gia đình tôi và các con giữ nguyên hiện trạng như ban đầu, không cơi nới, sửa chữa gì" - bà Mô trải lòng.
Hà Thanh
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật Tháng số 5