+Aa-
    Zalo

    Hé lộ cuộc gọi cuối của Tổng thống Biden và ông Ghani trước khi Taliban tiến vào Kabul

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Vài tuần trước khi Taliban tiến vào thủ đô Kabul, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với người đồng cấp Afghanistan Ashraf Ghanin để thảo luận về một vài vấn đề.

    Cuộc điện đàm cuối cùng kéo dài khoảng 14 phút giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani diễn ra vào ngày 23/7, vài tuần trước khi Taliban tiến vào giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul hôm 15/8.

    Theo đó, trong cuộc gọi này, 2 nhà lãnh đạo đã thảo luận về vấn đề viện trợ quân sự, chiến lược chính trị và thông tin. Tuy nhiên, cả ông Biden và ông Ghani đều không lường trước tương lai Taliban có thể trỗi dậy và nhanh chóng giành quyền kiểm soát phần lớn Afghanistan ngay giữa tháng 8.

    tong thong biden dien dam ong ghani1
    Cựu Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters

    Mới đây, Reuters đã tiết lộ nội dung cuộc điện đàm cuối cùng giữa Tổng thống Biden và ông Ghani trước khi chính quyền Afghanistan sụp đổ. 

    Trong đó, ông Biden cho biết Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ quân sự cho Afghanistan nếu ông Ghani tiết lộ kế hoạch của mình trong thời gian tới. Trong đó, tổng thống Mỹ nói: "Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp sự hỗ trợ không quân nếu chúng tôi biết kế hoạch của ông là gì". 

    Được biết, trước đó vài ngày, Washington từng hỗ trợ Kabul tiến hành một cuộc không kích ngăn chặn Taliban, điều bị nhóm Hồi giáo cáo buộc là vi phạm thoả thuận Doha được ký kết trước đó dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. 

    Bên cạnh đó, ông chủ Nhà Trắng khuyên người đồng cấp nên chiêu mộ thêm những người Afghanistan mạnh mẽ để phục vụ một chiến lược quân sự trong tương lai và nên giao cho một "chiến binh" phụ trách nỗ lực này. Ông cũng ca ngợi những binh sĩ Afghanistan được Mỹ đào tạo, gọi họ là "lực lượng quân đội mạnh nhất".

    Ông Biden nói thêm: "Ông có khoảng 300.000 binh sĩ được đào tạo tốt, nếu so với khoảng 70.000-80.000 tay súng thì họ rõ ràng vượt trội hơn hẳn".

    Phần lớn đoạn sau của cuộc gọi, ông Biden tập trung vào điều mà ông gọi là vấn đề "nhận thức" của chính phủ Afghanistan. Tổng thống Mỹ phân tích: "Tôi không cần phải nói với ông điều này nữa vì tôi tin rằng trên toàn thế giới và khắp Afghanistan, mọi người đều nhận thức được cuộc chiến chống Taliban đang diễn ra không suôn sẻ. Và dù đúng hay sai, chúng ta vẫn cần phải thay đổi tình hình này".

    Ông chủ Nhà Trắng cho rằng nếu các nhân vật chính trị nổi tiếng của Afghanistan tổ chức một cuộc họp báo cùng nhau, ủng hộ một chiến lược quân sự mới, "điều đó sẽ thay đổi nhận thức và rất nhiều điều khác". 

    Tổng thống Mỹ khi ấy vẫn bày tỏ sự lạc quan: "Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ, về mặt ngoại giao, chính trị, kinh tế, để đảm bảo rằng chính phủ của ông được duy trì và phát triển".

    Sau cuộc gọi trên, Nhà Trắng đưa ra một tuyên bố tập trung vào cam kết của Biden trong việc hỗ trợ lực lượng an ninh Afghanistan. Trong khi đó, cựu Tổng thống Ghani khi ấy khẳng định ông tin rằng hoà bình sẽ được thiết lập ở Afghanistan khi ông "tái cân bằng giải pháp quân sự".

    Tuy nhiên, ít lâu cuộc gọi trên, Taliban đã nhanh chóng nổi dậy, giành quyển kiểm soát phần lớn lãnh thổ Afghanistan. Ngày 11/9, các báo cáo tình báo của Mỹ dự đoán các chiến binh Taliban có thể cô lập thủ đô Kabul trong 30 ngày (kể từ khi Mỹ hoàn tất rút quân) và có thể giành quyền kiểm soát trong 90 ngày.

    Thế nhưng vào ngày 15/8, cựu Tổng thống Ashraf Ghani đã lên máy bay rời bỏ đất nước khi Taliban bao vây bên ngoài Kabul, tạo điều kiện cho nhóm vũ trang Hồi giáo tiến vào thủ đô và kiểm soát thủ đô.

    Kéo theo đó là những nỗ lực gấp rút sơ tán công dân của Mỹ và các nước phương Tây. Khoảng thời gian từ khi Taliban giành quyền kiểm soát Kabul tới nay được coi là khoảng thời gian bất lợi nhất của Tổng thống Joe Biden. Ông bị chỉ trích vì sự trỗi dậy của Taliban, sự sụp đổ của chính quyền Afghanistan và vụ đánh bom đẫm máu của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) khiến 13 quân nhân Mỹ thiệt mạng hôm 27/8 vừa qua. 

    Hiện nay, cả Nhà Trắng và những nhân viên từng làm việc dưới quyền ông Ghani đều từ chối đưa ra bình luận về thông tin cuộc gọi trên. 

    i-stand-squarely-behind-my-decision--defiant-biden-defends-withdrawal-from-afghanistan.mp4

    Tổng thống Joe Biden từng khẳng định "không hối hận" về quyết định rút quân khỏi Afghanistan. Nguồn: Guardian

    Minh Hạnh (Theo Reuters)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/he-lo-cuoc-goi-cuoi-cua-tong-thong-biden-va-ong-ghani-truoc-khi-taliban-tien-vao-kabul-a511863.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan