Được rèn luyện trong môi trường chỉ có đối mặt với nguy hiểm, vất vả đã làm nên bản lĩnh của những "bông hoa hồng" trên trận tuyến chống ma túy đầy cam go, phức tạp…
1. Một cục gạch bọc trong áo, một chiếc gậy và một bình xịt cay. Đó là những "vũ khí" phòng thân của Thiếu tá Trần Thị Thanh Hường, trinh sát Đội Đấu tranh, phòng ngừa tội phạm tổ chức sử dụng ma túy trên địa bàn Hà Nội (gọi tắt là Đội Địa bàn) Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an Hà Nội mỗi khi có lệnh đột xuất lên đường làm nhiệm vụ lúc nửa đêm.
Thiếu tá Hường bảo, nhà ở khu vực ngoại thành Hà Nội, đường vừa tối vừa vắng, phụ nữ đi đêm không biết bất trắc lúc nào xảy ra. Mà làm án thì để đảm bảo yếu tố bí mật, anh em trong đơn vị chỉ được biết hôm nay sẽ "có việc", còn đi đâu, lúc nào thì bất kể, khi có "a lô" là lên đường.
Năm 2005, khi nhận nhiệm vụ công tác tại Đội Địa bàn, Thanh Hường là "hoa hậu" của cả đội. Thế nhưng, anh em nam giới một mực gọi chị là "ông Hường", bởi trong những trường hợp cần thiết, Thanh Hường chính là người xông pha mở màn bắt giữ đối tượng.
Lần ấy, Đội Địa bàn lên kế hoạch bắt đối tượng Thùy Dương, một nữ quái buôn ma túy dạng "đại lý" tại khu vực bãi rác Thành Công, một trọng điểm về ma túy cấp thành phố. Chỉ nói đến "bãi rác" thôi cũng đủ hình dung ra sự phức tạp ở khu vực này. Ngõ ngách ngoắt ngoéo như bàn cờ. Dân thì tứ xứ đủ loại. Đối tượng hình sự các loại cũng tập trung ở đây. Riêng về ma túy thì khu "bãi rác" này quá tai tiếng.
Có thời gian tình trạng mua bán ma túy ở đây gây nhức nhối, bức xúc trong nhân dân. Nhiều năm tập trung lực lượng triệt xóa, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở đây đã được giải quyết cơ bản. Nhưng như thế không có nghĩa là tội phạm đã sạch hẳn. Những đối tượng "bán hàng" như Thùy Dương không dám thò thụt trong các ngóc ngách như trước đây mà cố thủ trong nhà. Chỉ khách quen thân, có đủ độ tin cậy mới được Dương mở cửa cho vào nhà mua hàng.
Việc đối tượng nằm lỳ trong "lô cốt" như vậy cũng đặt ra thách thức không nhỏ cho anh em trong đội. Làm sao để có thể bắt giữ được Dương khi đang giao dịch, làm sao để thu tang vật, không để đối tượng có thời gian và điều kiện tẩu tán khi trong ngõ nhà Dương có quá nhiều chân tay, đàn em của thị canh gác? Nhiều ngày trời, anh em kiên trì bám trụ xung quanh mương nước thối gần nhà Dương để nắm quy luật hoạt động của nữ quái mà chưa chọn được thời cơ.
Buổi chiều hôm ấy, cơ hội đã đến khi nữ quái bất ngờ mở mấy lớp cửa bảo vệ ra ngoài đi đổ rác. Nhóm trinh sát nhanh chóng ập vào. Thiếu tá Thanh Hường nhận nhiệm vụ trấn áp, khống chế Thùy Dương. Nhanh như cắt, thị Dương móc gói hêrôin giấu trong áo ngực cho vào mồm định nuốt phi tang. Tình huống này không có trong kịch bản. Thiếu tá Hường nhanh tay ngăn cản, không để thị có cơ hội "nuốt hàng". Thị Dương lồng lộn, giãy giụa chống đối, hai hàm răng của thị nghiến chảy máu tay Thiếu tá Hường. Tay chị bị nhuốm máu của Dương.
Cho đến khi lấy lời khai, Thùy Dương cho biết thị nhiễm HIV giai đoạn cuối. Lúc đó mọi người mới tá hỏa lo cho Thiếu tá Hường. Chỉ huy phòng trực tiếp ký giấy giới thiệu cho chị tới Bệnh viện Đống Đa xin cấp thuốc chống phơi nhiễm. Một tháng, ba tháng, sáu tháng, rồi một năm làm xét nghiệm đều cho kết quả âm tính. Hường khóc mà niềm vui thì vỡ òa. Một năm ấy với chị dài như cả cuộc đời. Thằng cu con chưa đầy một tuổi đột ngột bị cai sữa, khóc ngằn ngặt suốt đêm. Vợ chồng cũng tạm "cách ly". Hường chỉ biết lao mình vào công việc để quên đi cảm giấc thấp thỏm, bất an. Anh em động viên tinh thần, cười đấy mà ruột rối như tơ vò. Đêm đêm nhìn hai đứa con thơ ngủ say, lại lo nếu chẳng may mình có mệnh hệ nào…
|
Cán bộ nữ Phòng PC47 - Công an Hà Nội dẫn giải đối tượng ma túy. |
2. Dịu dàng, giản dị như cô giáo trường làng, Thượng úy Đinh Thị Huyền Diệu cười giòn khi nghe tôi thắc mắc về cái sự "trông không giống công an thì bắt ma túy sao được?". Diệu bảo nhiều hôm đưa đối tượng về Công an phường lập biên bản, các anh công an phường suýt bắt ngồi vào ghế… đương sự vì không ai nghĩ cô gái nhỏ nhắn, mềm mại kia lại có thể xông pha "trận mạc" đêm hôm như vậy.
Không có những trận đấu súng nảy lửa như đấu tranh với tội phạm buôn bán ma túy trên tuyến, thế nhưng bắt giữ những đối tượng bán lẻ ma túy trên địa bàn Hà Nội cũng không ít gian nan. Đặc biệt là số "nữ quái" trong các gia đình có "truyền thống" về ma túy. Bắt đối tượng nam giới nhiều khi lại đơn giản hơn so với "nữ quái". Đàn bà buôn ma túy quái kiệt thường dùng "lợi thế" bù lu bù loa, xé quần xé áo ăn vạ để cản trở lực lượng bắt giữ, có thời gian tẩu tán tang vật.
Nữ quái Hiền "đảo" ở ngõ Lò Lợn, phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng là một kẻ quái chiêu như vậy. Bán hêrôin với số lượng "cây, chỉ", trong gia đình không thiếu gì người đã và đang ngồi tù về tội ma túy… là những điều kiện khiến Hiền "đảo" trở thành kẻ bán ma túy có tiếng ở ngõ Lò Lợn. Xung quanh Hiền "đảo" luôn có một đám đệ tử rải từ đầu ngõ đến cuối ngõ để bảo vệ "bà chị". Khách lạ xuất hiện, đám "chim lợn" này đã kêu eng éc báo hiệu cho Hiền "đảo" để tìm cách đối phó.
Hôm thực hiện kế hoạch bắt giữ Hiền "đảo", liệu trước được sự phức tạp nên Huyền Diệu được phân công cùng Thiếu tá Thanh Hường chỉ làm nhiệm vụ giữ chặt Hiền, không để tẩu tán tang vật. Thấy hai người phụ nữ nhìn chân chất, quê mùa, Hiền "đảo" mất cảnh giác, ngang nhiên trao hàng cho con nghiện ngay trong ngõ.
Bị hai phụ nữ bất ngờ ốp chặt, Hiền "đảo" đổi chiến thuật, tru tréo gọi người nhà ra giải vây. Chậm trễ thì đối tượng sẽ có cơ hội tẩu tán tang vật, ngay lập tức hai chị em được lệnh đưa Hiền "đảo" về nhà để thực hiện lệnh khám xét. Người nhà của Hiền "đảo" kéo đến.
Thấy hai nữ trinh sát không rời Hiền "đảo" một giây, đám người nhà liền xúi mấy đứa trẻ con xông vào cào cấu, tấn công để giải thoát cho Hiền "đảo" và tạo cơ hội cho nữ quái tẩu tán số hêrôin tang vật giấu trong túi quần. Những đứa trẻ con được "huấn luyện" nhảy lên vít cổ, túm tóc, móc mắt hai nữ trinh sát, trong khi số người lớn trong nhà cũng làm đủ trò chửi bới, chống đối quyết liệt, kẻ nhiễm HIV thì mang dao ra dọa rạch bụng để cản trở việc thi hành lệnh khám xét của các trinh sát nam giới. Nếu buông Hiền "đảo" ra là thất bại. Hai nữ trinh sát quyết giữ cho đến lúc lực lượng tăng cường đến hỗ trợ.
Lần khác bắt nữ quái Tô Mai Hồng ở phường Quỳnh Lôi (quận Hai Bà Trưng). Hồng ở cùng bố mẹ nhưng lại bí mật thuê một ngôi nhà ở gần đó để giao dịch bán ma túy và làm kho giấu hàng. Lúc bắt Hồng đưa về ngôi nhà thuê khám xét, nữ quái không chịu, gào thét phản đối đòi về nhà bố mẹ. Đám tay chân bán hàng thuê cho Hồng cũng từ các ngóc ngách kéo ra bảo vệ đàn chị.
Đưa được Hồng vào ngôi nhà thuê để thực hiện lệnh khám, Hồng lại lăn ra đòi tự sát. Do đã nắm chắc hoàn cảnh của Hồng nên một mặt giữ chặt Hồng không để thị có thể làm điều dại dột, mặt khác Thượng úy Huyền Diệu động viên Hồng nên nghĩ đến bố mẹ già, con nhỏ và người chồng đang ở trong tù. Rủ rỉ khuyên bảo, lát sau Hồng thôi kêu gào, đồng ý hợp tác. Những lời tâm sự chân tình của một người phụ nữ đã khiến Hồng phải nghĩ lại.
Thượng úy Huyền Diệu bảo, bố là cán bộ Trại giam Phú Sơn nên ngày nhỏ, vào thăm bố, tiếp xúc với các phạm nhân, trong đó không ít người ngoài đời từng là "anh hùng hảo hán" đã tôi luyện bản lĩnh cứng rắn, cá tính mạnh mẽ không khuất phục trước bất cứ đối tượng nào. Rồi học nghệ thuật giáo dục, cải tạo phạm nhân của người cha, lúc cương, lúc nhu, lúc mềm mỏng, lúc cứng rắn, cương quyết. Đó là điều khiến nhiều đối tượng ma túy manh động cũng phải khuất phục trước nữ trinh sát có dáng dấp một "cô giáo làng" này.
3. Không thường xuyên đối mặt với những hiểm nguy từ các đối tượng ma túy như chị em làm công tác trinh sát, nhưng đối với các nữ điều tra viên, công việc đấu tranh với những kẻ buôn bán ma túy khi chúng đã bị bắt giữ lại là một cuộc đấu trí căng thẳng.
Câu chuyện với Thượng úy Tô Thúy Phương, điều tra viên Đội Hướng dẫn và điều tra án bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại léo nhéo tiếng con trẻ. Chị bảo công việc của điều tra viên lúc nào cũng bận bịu với đống hồ sơ không khác nào người có con mọn, bản thân lại đang nuôi con nhỏ nên những ngày nghỉ, chỉ thèm được… ngủ. Thế nhưng nuôi con nhỏ cũng là một lợi thế đối với điều tra viên nữ khi làm việc với các bị can cũng có con nhỏ như vậy.
Ngoài giờ làm việc, câu chuyện của phụ nữ chia sẻ những vất vả khi sinh nở, nuôi con của nữ điều tra viên khiến bị can cởi mở hơn, tin tưởng hơn ở cán bộ điều tra. Từ đó, họ khai báo thành khẩn hơn, giúp cho việc điều tra, mở rộng vụ án được toàn diện, triệt để. Trường hợp đối tượng Thắm người Vĩnh Phúc, mới sinh con được 3 tháng thì chồng đi tù về tội gây rối trật tự nơi công cộng. Một mình nuôi con, lại phải đi thuê trọ, Thắm phải làm gái bán dâm, rồi dính vào con đường buôn bán ma túy. Trong một lần vận chuyển ma túy thuê, Thắm bị bắt.
hời gian đầu khi làm việc với điều tra viên, Thắm không khai nhận, chỉ khóc. Nghiên cứu hồ sơ, biết hoàn cảnh éo le của Thắm, Thượng úy Phương đã động viên, phân tích cho Thắm hiểu việc khai báo thành khẩn sẽ là con đường ngắn nhất để trở về nuôi con, làm tròn trách nhiệm của người mẹ. Thắm đã hiểu ra và hợp tác khai báo thêm nhiều tình tiết mà cô ta đã che giấu trước đó.
Trung tá Trần Thị Thanh Hương, điều tra viên kỳ cựu của Cảnh sát Phòng chống ma túy Hà Nội chia sẻ, những bị can ma túy trong các vụ án thuộc thẩm quyền điều tra cấp thành phố, mức án quy định trong khung hình phạt trên 15 năm. Án cao nên nhiều bị can thường chọn cách bất hợp tác, khai báo nhỏ giọt, quanh co, không khai đồng bọn để đối phó với Cơ quan Công an. Chính vì vậy để hỏi cung thành công những đối tượng này cũng là một nghệ thuật.
Trong vụ án Nguyễn Thị Minh ở Yên Phong, Bắc Giang mua bán, vận chuyển 5 bánh hêrôin. Khi bị bắt Minh đang mang thai 2 tháng và nuôi 3 con nhỏ. Minh sinh con trong trại giam, gia đình không có ai thăm nuôi. Trung tá Hương lấy quần áo của con mình và xin thêm của những chị em khác mang vào trại cho Minh sử dụng. Cảm động trước tình cảm của cán bộ, sau này Minh đã khai tiếp những đối tượng tham gia trong đường dây, giúp cho việc mở rộng vụ án thành công.
Hay đối tượng Anna Safitri, quốc tịch Indonesia bị bắt ngày 25/4/2012 khi vận chuyển trái phép gần 1,5kg ma túy tổng hợp vào Việt Nam. Ngay trong buổi đầu tiếp xúc, được nữ điều tra viên hỏi chuyện trực tiếp bằng tiếng Anh không qua phiên dịch, Anna rất tin tưởng, khai báo thành khẩn. Khi đưa Anna vào trại tạm giam, Trung tá Hương đề nghị trại cho Anna được ăn theo chế độ của người đạo Hồi khiến cô ta hết sức cảm động. Trước khi vào trại, Anna tháo chiếc nhẫn cưới và một số đồ dùng cá nhân khác, nhờ Trung tá Hương chuyển giúp đến sứ quán…
Chia tay các chị, tôi mới biết Trung tá Trần Thị Thanh Hương là chị ruột Thiếu tá Trần Thị Thanh Hường, còn Thượng úy Tô Thúy Phương là con gái Trung tá Tô Văn Uân, một trinh sát kỳ cựu của lực lượng cảnh sát phòng chống ma túy Công an Hà Nội. Không say nghề, không nhiệt huyết với công việc, làm sao có được những thế hệ cả gia đình cùng chung một trận tuyến chống ma túy như vậy? Và hơn cả là bản lĩnh của những người phụ nữ đã được tôi luyện trong môi trường chỉ có đối mặt với hiểm nguy, gian khổ.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/he-lo-chuyen-ly-ky-hoa-hau-danh-an-ma-tuy-a28240.html