Nguồn gốc của tục lệ mừng tuổi đầu năm
Mừng tuổi đầu năm hay lì xì là môt tục lệ trong dịp Tết Nguyên đán ở các nước Á Đông và Việt Nam. Tục lệ này có từ thời xa xưa, bắt nguồn từ Trung Quốc.
Tương truyền, có một con yêu quái chuyên xuất hiện vào đêm giao thừa, thích xoa đầu những đứa trẻ đang ngủ ngon giấc, khiến chúng khóc thét, bị sốt cao hoặc trở nên ngớ ngẩn. Các gia đình có con nhỏ vô cùng lo lắng, thường phải thức cả đêm để canh không cho yêu quái làm hại con mình.
Một lần nọ, 8 vị tiên đi ngang qua thấy vậy liền hóa thành những đồng tiền nằm bên cạnh mấy đứa trẻ. Cha mẹ của những đứa trẻ liền đem gói những đồng tiền này vào tấm vải đỏ để xua đuổi yêu quái. Khi yêu quái tới, những đồng tiền lóe lên khiến nó sợ hãi bỏ chạy.
Câu chuyện này nhanh chóng lan truyền khắp dân gian. Kể từ đó, mỗi dịp Tết đến, mọi người lại bỏ tiền vào những túi màu đỏ rồi mang tặng trẻ con với hy vọng những đứa trẻ hay ăn chóng lớn và khỏe mạnh.
Ý nghĩa phong tục lì xì, mừng tuổi đầu năm
Lì xì ngày Tết là một phong tục văn hóa tốt đẹp của người Việt và nhiều nước trong khu vực với mong muốn những điều tốt đẹp, may mắn sẽ đến từ những ngày đầu năm mới. Việc mừng tuổi đầu năm không chỉ giới hạn trong mùng 1 Tết mà có thể diễn ra trong suốt 3 ngày đầu năm, thậm chí kéo dài tới mùng 9, mùng 10 Tết.
Theo phong tục của người Việt, cứ vào sáng mùng 1 Tết, các thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau để cùng ăn cơm, chúc nhau những lời tốt đẹp, sau đó cùng nhau đi đến từng gia đình chúc Tết.
Trước tiên, con cháu sẽ chúc thọ và tặng cho ông bà, cha mẹ một món quà nhỏ. Tiếp đó, con cháu sẽ được ông bà, cha mẹ lì xì lại một phong bao, bên trong có ít tiền lấy hên, nhận may mắn và mang lại niềm vui cả năm cho mọi người trong những ngày đầu năm mới. Con cháu nhận được bao lì xì giống như nhận được tình yêu thương của ông bà cha mẹ dành cho.
Tương tự, khi đến chơi nhà dịp Tết Nguyên đán, nếu thấy gia đình có con cháu nhỏ, khách sẽ thường mừng tuổi cho các bé, kèm theo đó là những lời chúc may mắn.
Thực tế, ý nghĩa của lì xì không nằm ở mệnh giá tiền bên trong mà là lòng mong ước cầu chúc cho trẻ hay ăn chóng lớn, vui chơi, học hành tấn tới, những người lớn tuổi thì có thật nhiều sức khỏe để có thể ở bên con cháu thật lâu, còn những người trẻ có thêm nhiều may mắn để thực hiện hoài bão của mình.
Tại sai lại gọi là lì xì?
Lì xì là phiên âm của từ "lợi thị" trong tiếng Trung, có nghĩa là được lợi, được tiền, được nhiều may mắn. Tiền lì xì chứa đựng những lời chúc của người tặng dành cho những đứa trẻ.
Về sau, tục lì xì đầu năm dần được mở rộng, mọi người còn mừng tuổi ông bà, cha mẹ, người thân trong gia đình, bạn bè và cả đồng nghiệp. Tiền lì xì không quy định mệnh giá, tùy vào tấm lòng của người tặng, đồng thời mang ý nghĩa tinh thần những điều tốt lành nhất sẽ tới với mọi người.
Vì sao đặt tiền lì xì trong phong bao màu đỏ?
Phong bao lì xì thường có màu đỏ và kín đáo, mang ý nghĩa không muốn có sự so bì, xích mích về chuyện tiền bạc dẫn đến mất vui ngày Tết. Màu đỏ của bao lì xì được coi là màu đem lại nhiều may mắn nhất trong những lễ hội theo quan niệm người châu Á. Việc đặt tiền lì xì vào phong bao màu đỏ tượng trưng cho tài lộc cho cả người cho đi và nhận.
Đinh Kim(T/h)