Nỗi lo khi mùa mưa đến
Trước đó, từ cuối tháng 09/2021, nhận tin báo có vụ phá rừng tại khu vực Cheng Leng, thuộc tiểu khu 1065, xã H’Bông (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai), Hạt Kiểm lâm huyện Chư Sê đã phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra. Tại đây, ngành chức năng phát hiện có 4 vị trí bị ủi, cày phá với tổng diện tích 34,61ha, thuộc quy hoạch rừng phòng hộ. Trong đó, có 3 vị trí bị san ủi, phá với diện tích 23,03ha để trồng cây bạch đàn và vị trí bị phá còn lại có diện tích chặt phá là 11,58ha.
Liên quan đến vụ việc, Hạt Kiểm lâm huyện Chư Sê đã phối hợp với Viện KSND huyện Chư sê, Công an huyện Chư Sê ra quyết định khởi tố vụ án “Huỷ hoại rừng” và tiến hành xác minh các yếu tố tội phạm, làm rõ trách nhiệm những người có liên quan.
Tuy nhiên, từ thời điểm xảy ra vụ việc chặt phá rừng phòng hộ đến nay cũng chỉ dừng lại ở việc xử lý cán bộ với hình thức kỷ luật cảnh cáo, khiển trách và rút kinh nghiệm. Còn lại những đối tượng có liên quan trực tiếp đến việc chặt phá rừng thì vẫn nhởn nhơ ngoài phòng pháp luật, vụ án “Huỷ hoại rừng” như chìm vào quên lãng.
Mất rừng, nhiều người dân xã H’Bông “Thương tiếc” vì họ coi rừng như lá phổi bảo vệ họ. Họ luôn lo lắng mỗi khi mùa mưa đến nguy cơ lũ quét lấy đi bao mồ hôi công sức của họ, thậm chí cả tính mạng của gia đình họ.
Ông Đ.V.D trú tại thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai cho biết: “Những năm gần đây thời tiết ở Gia Lai nóng hơn nhiều, khí hậu cũng thay đổi khiến việc trồng trọt bị ảnh hưởng. Sản lượng cây công nghiệp như ca phê, cao su … bị giảm sút”
Ông Nguyễn Văn Đ, sinh sống và làm việc ở Đèo Chư Sê cũng tỏ ra tiếc nối với những cánh rừng bạt ngàn xanh mướt. Ông cho biết: “Tôi từ Bình Định lên đây sinh sống và làm việc từ năm 2003. Ngày đó những cánh rừng còn bạt ngàn gỗ Căm, gỗ Cẩm, gỗ Sao. Nhưng bây giờ thì phá trọc hết rồi, còn rừng đâu nữa. Họ chặt phá làm rẫy hết rồi!”.
Cùng “Thương tiếc rừng”, nhiều người dân trong xã H’Bông phản ánh về tình trạng chặt phá rừng phòng hộ và mong muốn được chỉ dẫn cho phóng viên trực tiếp thị sát. Nhưng họ sợ bị các đối tượng trả thù đến họ và gia đình họ. Họ chỉ có thể thông tin và hướng dẫn cho phóng viên qua điện thoại đồng thời luôn lộ rõ sự bất an, lo lắng vì mùa mưa Tây Nguyên thường kéo dài 6 tháng. Lũ quét có thể xuất hiện kéo đi bao mồ hôi, công sức thậm chí là tính mạng của gia đình họ, do rừng phòng hộ đầu nguồn bị tàn phá.
Xử phạt không đủ sức răn đe
Để tìm hiểu thông tin thực hư về vụ huỷ hoại hơn 34 ha rừng phòng hộ, nhóm phóng viên liên hệ làm việc với UBND xã H’Bông và được ông Bùi Văn Cường – phó chủ tịch UNBD xã khẳng định có vụ việc trên. Ông Cường cũng cho biết thêm: “Tháng 8 năm 2020,UBND xã H’Bông được UBND huyện bàn giao quản lý về mặt hành chính tổng số diện tích rừng khu núi Cheng Leng 3.800 ha rừng trong đó bóc tách rừng nông nghiệp ra thì còn 2.100 ha rừng phòng hộ. Khi phát hiện có việc chặt phá rừng UBND xã đã báo cáo Kiểm Lâm huyện Chư Sê, Công an huyện Chư Sê xử lý theo thẩm quyền, UBND xã có trách nhiệm phối hợp”.
Ông Cường còn khẳng định với phóng viên: “UBND xã không có chuyên môn nghiệp vụ về quản lý rừng,khó khăn của UBND xã là diện tích rừng quá xa khu hành chính, có điểm xa hàng chục km và chỉ tuần tra về mặt hành chính, trang thiết bị không có, con người không có”.
Tuy nhiên khi được hỏi về việc đối tượng gây ra vụ việc và mức xử phạt như thế nào thì phóng viên được ông Bùi Văn Cường – phó chủ tịch UBND xã H’Bông cho biết: Đối tượng tên T. ở thị trấn Phú Thiện (Đối tượng là người huyện khác), và hiện đối tượng chỉ bị phạt 100.000.000 đồng”
Như vậy với thông tin ban đầu mà vị phó chủ tịch xã H’Bông cung cấp thì mức xử phạt trên đã không đủ răn đe và có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án khiến bỏ lọt tội phạm của cơ quan CSĐT công an huyện Chư Sê.
Để làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý cũng như làm rõ đối tượng nào gây ra vụ việc chặt phá rừng phòng hộ, phóng viên đã đặt lịch làm việc với UBND tỉnh Gia Lai, Công an tỉnh Gia Lai, UBND huyện Chư Sê, Công an huyện Chư Sê. Hiện đang chờ các cơ quan này cung cấp thông tin.
Căn cứ Điểm c, khoản 3, điều 243 bộ luật hình sự 2015 luật sửa đổi, bổ sung 2017 về tội “Huỷ hoại rừng” quy định: Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với người có hành vi đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác huỷ hoại rừng phòng hộ có diện tích 10.000 m vuông (m2) trở lên. |
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Hoàng Lai