+Aa-
    Zalo

    Hậu quả của việc những đứa trẻ bị “chín ép”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thật đáng thương và tội nghiệp cho những em bé bị "chín ép". Cha mẹ không lường được những hậu quả khi bắt trẻ trở thành người lớn.

    Thật đáng thương và tội nghiệp cho những em bé bị "chín ép". Cha mẹ không lường được những hậu quả khi tuổi thơ của trẻ bị đánh cắp.

    Người lớn chúng ta thường có một khao khát “Ước gì được trở lại thành trẻ con, vô tư, ngây thơ, hạnh phúc!” Tuy nhiên, nhiều trẻ em hiện nay lại không được sống vô tư lự theo đúng nghĩa tuổi thơ như trước nữa.

    1. Những sai lầm cha mẹ thường mắc phải trong cách giáo dục trẻ.

    - Đối xử với trẻ như người trưởng thành. Một số phụ huynh có cách dạy con theo kiểu coi con như người trưởng thành, họ để trẻ tự giải quyết khó khăn và coi đó là cách rèn luyện tính tự lập. Tuy nhiên cách này rất dễ phản tác dụng vì khả năng tư duy của trẻ còn hạn chế, việc cư xử cứng nhắc như vậy tác động xấu đến tâm tư tình cảm của con. Ai cũng mong muốn con cái mình giỏi giang và mau trưởng thành nhưng không nên khiên cưỡng và áp đặt trẻ phải thế này thế kia.

    Chẳng hạn, với một đứa trẻ 2 tuổi, tất cả những gì chúng có thể làm là ăn, chơi, chạy, nhảy, bi bô tập nói, nhưng nhiều phụ huynh lại muốn con xem các video không phù hợp, dạy chúng học những thứ quá tầm, mua những thứ đồ chơi quá tuổi. Họ hy vọng những việc làm của mình sẽ khiến trẻ thông minh và sáng tạo hơn, kết quả thật khó đạt như mong đợi.

    Các nghiên cứu khoa học đều đồng thuận rằng, việc để con trẻ vui chơi tự do sẽ kích thích trí tưởng tượng, óc sáng tạo và khả năng tư duy của chúng. Việc bắt trẻ tham gia quá tải các lớp học ngoại khóa hay chính khóa có thể dẫn đến kết quả tai hại như căng thẳng đầu óc, chán ăn hay thậm chí là căn bệnh tự kỉ.

    Viện Nhi khoa Hoa Kỳ giải thích rõ: "Chơi là yếu tố tối cần thiết cho sự phát triển tự nhiên vì nó góp phần hình thành nhận thức, thể chất và tình cảm của trẻ em và thanh thiếu niên."- Bắt con học tập quá tải. Cuốn theo guồng quay cuộc sống hiện đại, nhiều phụ huynh không muốn con mình bị tụt hậu vì vậy đã lên 1 lịch trình dày đặc. Sáng cho trẻ đi học nhạc, chiều học vẽ, tối làm bài tập về nhà, cuối tuần học các môn thể thao,… Con phải chạy đua với những đứa trẻ khác để đạt được điểm số hay thành tích cao như cha mẹ kỳ vọng. Điều này dẫn đến sự quá tải và gây ra những áp lực vô hình cho trẻ, chúng không đủ thời gian để vui chơi, tự khám phá cuộc sống xung quanh.


    - Gây tổn thương về thể chất hoặc tinh thần. Việc làm tai hại nhất của cha mẹ là đánh đập và xúc phạm con cái. Việc mắng chửi hay mạt sát con cái khá phổ biến đến mức nhiều phụ huynh thậm chí không nhận ra mình đang như vậy. Những từ ngữ thô tục thốt ra không rút lại được và nó sẽ gây ấn tượng tiêu cực lên suy nghĩ của con trẻ. Khi bạn quát con mình câm, cút đi hoặc bất cứ điều gì tương tự, nó chạm tới lòng tự trọng của chúng, ấn tượng xấu về cha mẹ có khi theo trẻ suốt cuộc đời. Tác hại của việc này rất khó kiểm soát vì vậy hãy thật cẩn thận với những những phát ngôn trong gia đình.

    - Để con vướng vào những vấn đề của người lớn. Đừng bao giờ để con cái bị nhiễm những thói xấu hoặc những vấn đề tiêu cực của cha mẹ. Thử tưởng tượng đứa con sẽ xấu hổ với bạn bè thế nào nếu cha mẹ nghiện ngập hay cờ bạc nợ nần. Ngoài ra, 1 trường hợp khá phổ biến mà cha mẹ đang vô tình làm hại con mình là trong quá trình ly hôn, 1 trong 2 người cố gắng lôi kéo con chống lại người kia, điều này gây tổn thương sâu sắc đến tình cảm của trẻ. Bởi vậy, nếu bạn ly dị thì cố gắng không nói xấu người cũ của mình trước mặt con cái.

    - Tạo áp lực. Cha mẹ muốn con thành công là điều hiển nhiên, nhưng mong muốn này đôi khi biến thành sự áp đặt đến nghẹt thở cho con. Theo các nhà tâm lý học thì đây là việc làm phản khoa học. Cha mẹ cần phải biết phân biệt giữa khuyến khích và gây sức ép, cái gì quá gượng ép đều có thể dẫn đến điều ngược lại.

    - Cô lập với xã hội. Trẻ em cần được vui chơi với những đứa trẻ đồng trang lứa. Nếu chỉ giao tiếp với người lớn sẽ khiến con mất đi sự hồn nhiên cần có so với độ tuổi của mình. Vì vậy hãy cho chúng chơi đùa, tiếp xúc nhiều hơn với bạn bè để phát triển hài hòa các hành vi xã hội, dễ hòa đồng và thân thiện với mọi người. Ngoài ra việc có những người bạn thân từ tuổi thơ đến lúc trưởng thành cũng mang đến những cơ hội hợp tác và thành công sau này trong cuộc sống.

    - Tạo hình tượng xấu cho con học theo. Trong cuộc sống, con cái thường có xu hướng ngưỡng mộ cha mẹ và muốn được như cha mẹ chúng. Mọi hành vi của cha mẹ hằng ngày đều có thể trở thành đối tượng để trẻ làm theo. Một đứa trẻ khi nhìn thấy người khác hút thuốc nó sẽ tự cho rằng đó là việc được khuyến khích và một lúc nào đó sẽ thử làm. Vì vậy, nếu muốn con phát triển tốt, trước hết bạn nên là những phụ huynh mẫu mực.

    2. Những hậu quả âm thầm, khôn lường cho tương lai của trẻ.

    - Trẻ nhỏ ngày nay tốn quá nhiều thời gian vào chuyện học hành, đến trường tìm kiếm những kiến thức khoa học xa vời, ít có cơ hội để sáng tạo và khám phá bản thân. Con người phải đối mặt với rất nhiều vấn đề trong cuộc sống ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Hầu hết những vấn đề này đều không thể giải quyết bằng những công thức từ trường học, mà đòi hỏi khả năng sáng tạo, sự cảm thông, chia sẻ, trí thông minh và năng lực của mỗi người có được từ kinh nghiệm sống.

    - Nếu trẻ thường xuyên được ăn mặc, trang điểm, hát những bài hát người lớn, cái vẻ người lớn của những đứa trẻ ngây thơ đó sẽ là mục tiêu đầu tiên mà những kẻ lạm dụng tình dục trẻ em hướng đến. Các em bé đó sẽ bị để ý, bị săn đuổi và có nguy cơ bị lạm dụng cao hơn hẳn những em bé khác. “Một bé gái phát triển đầy đủ như người lớn giống như mật ong thu hút các bé trai lớn hơn” và cả những người lớn nữa.

    - Trẻ sẽ có thể đánh mất sự hồn nhiên, ngây thơ và hồn nhiên - những thứ đặc quyền của trẻ em về tuổi thơ mà người lớn luôn khao khát chúng. Sự hồn nhiên, ngây thơ đó là tài sản đáng quý nhất của tuổi thơ, là thứ sẽ bồi đắp tâm hồn, tính cách cho trẻ, là những liều thuốc hữu hiệu nhất cho tâm hồn và chữa lành những vết thương. Tuổi thơ thì ngắn ngủi còn thời kì trưởng thành thì rất dài. Những đứa trẻ có một tuổi thơ hồn nhiên, ngây thơ sẽ có một tài sản vô giá là sự lạc quan - đó là những giá trị sẽ định hình và theo trẻ suốt cuộc đời. Những giá trị đó sẽ góp phần rất quan trọng giúp trẻ có một cuộc sống tự tin và hạnh phúc sau này.

    - Những đứa trẻ này sẽ khó nhận thức được vẻ đẹp của mình và dễ đánh mất sự tự tôn bản thân. Khi một đứa trẻ thường được khen là gợi cảm, nhìn như người lớn thì bé sẽ không hiểu mình đẹp ở chỗ nào, vẻ đẹp của mình là gì, là vẻ trẻ con đáng yêu hay cái dáng bộ người lớn gợi cảm. Khi không ý thức được vẻ đẹp của mình, chúng ta sẽ rất dễ đánh mất mình, đánh mất bản thân, đánh mất sự tự tin và tự tôn, nhất là lại đối với những em bé chưa nhận thức được vẻ đẹp của mình, sau này lại càng chới với.

    3. Cha mẹ cần làm gì để giúp trẻ?

    Hãy cho trẻ có một tuổi thơ đúng nghĩa – được chơi các trò chơi đúng với lứa tuổi. Thay vì để bé cắm đầu vào học tối ngày, hay mê mẩn chiếc smartphone không dứt, bố mẹ hãy để bé được sống trong mơ mộng với các trò chơi sắm vai với các nhân vật mình yêu thích.

    Nếu bé thích bắt hay mẹ trang điểm, đi giày cao gót…, cha mẹ có thể mua những loại sản phẩm tự nhiên, hữu cơ, loại trang phục cỡ nhỏ cho bé thỏa sức nghịch ngợm. Tuy nhiên, hãy yêu cầu bé chỉ được phép chơi các trò đó ở nhà, tuyệt đối không bao giờ được làm thế đi ra ngoài và giải thích rõ ràng lí do vì sao với con (dễ bị lạm dụng, trêu chọc…). Cha mẹ cũng không nên cho con ăn mặc quần áo hở hang, gợi cảm, làm tóc...

    Tuyệt đối không cho bé nghe những bài hát người lớn yêu đương cuồng nhiệt, có những từ ngữ nhạy cảm trong bài hát, nhất là ở nhà lúc bố mẹ nghe nhạc hay trong xe ô tô. Việc này khá khó cho bố mẹ thực hiện khi đi ra ngoài, đến nhà hàng xóm, người thân vì vậy, trong những trường hợp đó, nếu không thể yêu cầu họ tắt nhạc, hãy chọn những bài nào có giai điệu nhẹ nhàng hơn, tình yêu trong sáng, văn minh.

    Không bao giờ cho bé xem những video có cảnh nhảy múa uốn éo sexy, clip hoạt hình có cảnh nhạy cảm, hở hang bằng cách kiểm soát kĩ những thứ con xem trên ti vi, điện thoại, máy tính, không bao giờ để con tự mở ra xem vì có thể có những bài tự động chạy hoặc chèn quảng cáo. Trên youtube bố mẹ có thể chọn chế độ watch later và làm thành các play list riêng để mở cho bé mỗi lần bé xem nếu cha mẹ không thể ngồi bên kiểm soát.

    Trò chuyện với các giáo viên ở trường về tất cả các chương trình biểu diễn văn nghệ của trường để chắc chắn rằng bé không tham gia vào các tiết mục văn nghệ có những cảnh nhảy nhót uốn éo, phần nhạc yêu đương cuồng nhiệt (nhất là những bài tiếng Anh) hay mặc các bộ biểu diễn hở hang…

    Thận trọng và hạn chế khi nói chuyện về những chủ đề người lớn trước mặt con. Nhiều người thường có thói quen đùa cợt về chuyện ấy trước mặt con trẻ và cho rằng trẻ không hiểu, thực ra thì trẻ hiểu hết.

    Giải thích và tỏ rõ quan điểm với trẻ khi con muốn được ăn mặc như người lớn, hát những bài hát người lớn và muốn bắt chước người lớn.

    Như vậy việc cho trẻ được nghỉ ngơi, thư giãn sau thời gian miệt mài học tập, tham gia các hoạt động vui chơi đúng nghĩa, bổ ích sẽ là một phần thưởng thú vị với trẻ, qua đó giúp trẻ trang bị kỹ năng sống và phát triển toàn diện hơn.

    Hằng Thanh(T/H)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hau-qua-cua-viec-nhung-dua-tre-bi-chin-ep-a204076.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan