PCA chuẩn bị ra phán quyết liên quan tới vấn đề Biển Đông, Tư lệnh Các chiến dịch Hải quân của Mỹ, Đô đốc John Richardson, lên tàu sân bay USS John C. Stennis (CVN-74) đang tuần tra Biển Đông tuyên bố “bảo vệ hòa bình khu vực”. Vậy đâu sẽ là điểm nóng tiếp theo ở vùng biển hằng năm chiếm một nửa lượng vận tải biển trên toàn cầu này?
Xác chiếc tàu BRP Sierra Madre của Philippines ở bãi Cỏ Mây. - Ảnh: AFP. |
Trước thềm chuyến thăm châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama, vào ngày 10/5, tàu khu trục USS William P. Lawrence được trang bị tên lửa dẫn đường đã tiến vào khu vực 12 hải lý gần Đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hiện do Trung Quốc chiếm đóng trái phép).
Trước đó 1 tháng cái tên “Đá Chữ Thập” đã trở thành tâm điểm chú ý sau thông tin Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Thượng tướng Phạm Trường Long đã đặt chân (phi pháp) lên đây để kiểm tra công tác.
Việc Washington và Bắc Kinh liên tục có hành động nắn gân nhau ở vùng biển xung quanh Đá Chữ Thập đã làm dấy lên dự đoán nơi này là sẽ trở thành tâm điểm “ngửa bài” Trung - Mỹ ở Biển Đông.
Tuy nhiên, sau Đối thoại Shangri La tại Singapore vào cuối tháng 5 vừa qua và cũng là trước thềm Tòa Trọng tài Thường trực Liên hợp quốc (PCA) chuẩn bị ra phán quyết liên quan tới vấn đề Biển Đông, những cái tên khác đã được nhắc tới, bao gồm: bãi cạn Scarborough (Hoàng Nham/Panatag) và Bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam; Philippines gọi là Ayungin Shoal, Trung Quốc gọi là bãi Nhân Ái).
Tờ “Global Times” của Trung Quốc tuần qua dẫn lời chuyên gia quân sự Tào Vệ Đông cho rằng sau khi phán quyết của PCA được công bố, những bãi, đá tranh chấp giữa nước này và Philippines như bãi cạn Scarborough, Bãi Cỏ Mây… sẽ trở thành tiêu điểm mâu thuẫn.
Phía Trung Quốc cần phải đề phòng Philippines lợi dụng sự bảo vệ của tài chiến Mỹ hành động ở bãi cạn Scarborough và Bãi Cỏ Mây, ngoài việc giám sát, kiểm soát tàu sân bay của Mỹ cần phải tăng cường tần suất diễn tập, hình thành sức răn đe hữu hiệu đối với quân đội Mỹ, khiến Mỹ và Philippines không dám manh động.
Đối với khả năng Biển Đông xuất hiện đồng thời 2 cụm tàu chiến đấu sân bay của Mỹ, theo Tào Vệ Đông, 2 cụm tàu chiến đấu sân bay này đã hình thành năng lực tác chiến quy mô nhỏ, mục đích chủ yếu là răn đe giống như khủng hoảng Eo biển Đài Loan năm 1996.
Bởi trong trường hợp muốn hình thành năng lực tác chiến quy mô lớn, quân đội Mỹ chí ít phải huy động 3 cụm tàu chiến đấu sân bay.
Về đối sách của Trung Quốc, Tào Vệ Đông cho rằng Bắc Kinh chủ yếu áp dụng chính sách phòng vệ tích cực, nếu biên đội tàu sân bay Mỹ hoạt động ở vùng biển gần Trung Quốc, phía Trung Quốc thông thường sẽ theo dõi, giám sát. Trong trường hợp tới sát lãnh hải, phía Trung Quốc sẽ điều động máy bay hoặc tàu chiến để điều tra.
Xem xét quan hệ Trung - Mỹ hiện nay, Tào Đông Vệ dự đoán hai nước không thể xảy ra đối đầu hay xung đột quân sự nghiêm trọng được, do vậy, phía Trung Quốc chỉ cần áp dụng phương thức trinh sát, giám sát và điều tra đối với hoạt động của hạm đội tàu Hải quân Mỹ.
Theo TTXVN
Video tin tức được xem nhiều:
[mecloud]bAooyjqFJQ[/mecloud]