Dù vụ động đất xảy ra đã ba ngày qua nhưng gia đình anh Đinh Văn T. ở xã Sơn Long, huyện Sơn Tây vẫn lo lắng, bất an. Sau trận động đất, căn nhà của anh T. xuất hiện vết nứt kéo dài hơn 40cm từ mái tôn xuống tường nhà.
Chia sẻ trên báo Nhân Dân, anh T. cho biết, căn nhà nhỏ vừa xây mới làm nơi ở, buôn bán của gia đình bị nứt và có nguy cơ tiếp tục hư hỏng nếu động đất xảy ra.
“Tôi lo lắm vì mới xây mà nứt vậy thì sẽ còn nứt nữa. Tôi cũng chưa biết sửa như thế nào, mong là không còn động đất mạnh như vừa rồi nữa”, anh T. chia sẻ.
Tại trụ sở cũ của Ủy ban nhân dân huyện Sơn Tây, nay là nơi làm việc của các cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân và Hội Cựu chiến binh huyện Sơn Tây cũng xuất hiện nứt tường, hư hỏng sau trận động đất. Tại một số phòng, ban làm việc của cán bộ, công chức, các cơ quan đoàn thể, xuất hiện vết nứt kéo dài từ cửa ra vào lên mảng tường một số phòng làm việc. Một số khu vực, vết nứt rộng, kéo dài xuất hiện phía trên trần nhà làm việc lộ khối gạch phía bên trong.
Không chỉ ở Quảng Ngãi, tại Xã Măng Bút, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum hộ dân ông Vy Văn Hải bị rơi 1 ti vi, gây hư hỏng.
Xã Đăk Ring, trường trung học cơ sở và trạm y tế xã bị rạn nứt các vách ngăn tường.
Tại xã Đăk Nên, trường mầm non, phòng làm việc công an xã có vết rạn nứt nhỏ ở vách ngăn.
Tại xã Pờ Ê, trạm y tế xã có nứt tường tại 3 phòng làm việc; trường mầm non bị nứt tường vị trí gần cửa chính điểm trường Vi Koa.
Ở thôn Vi Pờ Ê (xã Pờ Ê), 2 ngôi nhà của hộ ông A Lo và A Dỏ bị nứt tường.
Tại thị trấn Măng Đen, trường tiểu học và trường mầm non cũng bị nứt.
Còn tại xã Măng Cành, Trụ sở Đảng ủy - HĐND - UBND xã, Trung tâm Y tế xã có các vết nứt nhỏ ở tường. Tường nhà hộ ông A Bay (thôn Kon Tu Răng) và hộ A Kleng (thông Tu Rằng 1) cũng có các vết nứt nhỏ, thông tin trên báo Sài Gòn giải phóng.
Trước đó, trong hai ngày 28 và 29/7 liên tục xảy ra nhiều trận động đất tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, địa phương giáp ranh với tỉnh Quảng Ngãi. Trận động đất xảy ra lúc 11h35 ngày 28/7 có cường độ 5,0 độ richter, dư chấn của động đất này đã gây rung lắc trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Theo nhiều người dân, cán bộ ở các cơ quan, đơn vị ở huyện Sơn Tây, vụ động đất rung chấn mạnh khiến nhiều người bỏ chạy ra khỏi nhà, ra khỏi cơ quan, phòng làm việc vì lo sợ.
Trước tình hình động đất liên tục xảy ra, tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động ứng phó với tình hình động đất ảnh hưởng đến địa phương. Trong đó, tập trung thông tin kịp thời về động đất và dư chấn; hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho người dân trong vùng ảnh hưởng, tránh tâm lý hoang mang, nhất là đối với người dân tại các huyện miền núi và các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng thời, yêu cầu cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở khẩn trương kiểm tra, đánh giá thiệt hại, ảnh hưởng của động đất đến công trình nhà ở của nhân dân và công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn. Chủ động tổ chức sơ tán, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ dân bị hư hại nặng không đảm bảo an toàn; huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà; bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để hỗ trợ các hộ dân và khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu.