Trước những bất thường của thời tiết, đặc biệt khi mùa mưa bão bắt đầu đến, nhiều người dân đã tỏ ra vô cùng lo lắng, hoang mang trước những tai nạn, những sự cố “từ trên trời rơi xuống”.
Theo ghi nhận của PV Lao Động do ảnh hưởng của cơn bão số 1- Bão mirinae, nhiều tuyến phố ở Hà Nội ngổn ngang tình trạng hàng loạt cây xanh gãy, đổ ra đường. Mưa kèm gió khiến các phương tiện di chuyển khá chậm, nhiều tuyến phố bị ngập nước. Theo thống kê chưa đầy đủ, có tới hơn 1100 cây xanh đã bị gãy, đổ, bật gốc. Nhiều cột điện, biển quảng cáo, đèn tín hiệu giao thông cũng chung số phận. Đáng chú ý hơn, những sự cố do mưa gió thế này gây nguy hiểm và ảnh hưởng tới tính mạng của người tham gia giao thông. Tại các tuyến phố như Núi Trúc, Ngọc Hà, Hai Bà Trưng, Láng Hạ… người dân đã vô cùng hoảng sợ khi chứng kiến cảnh những cây cổ thụ bị bật gốc đè lên cả những chiếc ô-tô đang di chuyển. Đó cũng là nỗi lo sợ với rất nhiều người dân khác khi phải đối mặt với tình hình thời tiết như vậy.
Một chiếc ô-tô bị cây xà cừ bật gốc đè lên trên phố Núi Trúc. Ảnh Trần Vương |
Chị Trần Thị Thúy (22 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay vào thời điểm sáng ngày 28.7, chị có việc phải di chuyển ra ngoài đường. Do ảnh hưởng mưa nên nhiều tuyến đường bị ngập lụt, các phương tiện di chuyển rất khó khăn. Nhiều đoạn đường mọi người không thể di chuyển. Thêm vào đó thời tiết ngoài trời có cả gió mạnh nên nhiều cây cối bị gãy, đổ ra đường.
“Khi tôi đang đi tới phố Thụy Khuê thì gió to hơn bay cả mái tôn và mái nhựa của mấy khu nhà rơi xuống đó. Đi ngoài đường vào ngày mưa bão thế tôi cảm thấy rất bất an. Khi đi đến đoạn đường Phan Đình Phùng thì một số cành cây rơi vào người làm tôi rất hoảng sợ. Tôi phải dừng lại một lúc rồi mới di chuyển tiếp, khi đến cầu Chương Dương thì gần như không thể di chuyển vì gió quá to. Nhiều xe cộ bị đổ, áo mưa bay lật, nhìn khung cảnh xung quanh rất tan tác, tiêu điều. Ra ngoài đường mà vừa đi, vừa khóc, vừa sợ, cảm giác như cây cầu Chương Dương dài ra gấp mấy lần.”- Chị Thúy kể lại.
Nhiều cây cối bị gãy đổ ra đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Ảnh Trần Vương |
Trong những ngày mưa bão, gần như những ai có việc ra ngoài đường là một điều thật đáng lo sợ. Chị Nguyễn Thị Hậu (26 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Trời mưa suốt cả đêm thế mà vẫn không ngớt, cứ nghĩ sáng ra thì mưa sẽ bớt nặng hạt hơn ai ngờ đi ra ngoài đường thật đáng sợ. Mưa gió thổi ngun ngút có khi đổ cả xe. Đi đường lại thấy mấy cây xanh ven đường cứ như muốn đổ vào người rất nguy hiểm. Những tai nạn từ “trên trời rơi xuống” quả không thể đỡ nổi.”
Tuy nhiên chị Hậu cũng chia sẻ thêm, mặc dù mưa bão như vậy nhưng chị cũng như rất nhiều người khác lại không nhận được các cảnh báo nguy hiểm hay khuyến cáo gì vào thời điểm trên. Chị Hậu cũng đưa ra lời khuyên lần sau mà gặp thời tiết như thế này thì mọi người nên tạm hoãn công việc lại thu xếp vào thời gian khác chứ đi ra đường mà cứ nơm nớp lo sợ tai nạn thì hoang mang lắm.
Lực lượng chức năng đã có mặt trên các tuyến phố để khắc phục sự cố sau bão. Ảnh Trần Vương |
Trao đổi với PV Lao Động, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng (Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) cho biết: “Trước mùa mưa bão, công tác cắt cành, tỉa lá phải được đặc biệt chú ý. Nhiều cây có tán lá rườm rà nên khi có mưa, lá cây phải chứa khá nhiều nước cộng thêm với việc nước mưa thấm làm đất nhão ra nên rất dễ gãy đổ ra đường gây nguy hiểm cho người và các phương tiện tham gia giao thông. Mặt khác, trong quá trình xây dựng, làm rãnh, thi công…nhiều cây đã bị xén mất rễ, chặt đi các gốc nên phía bề mặt dưới mặt đất cây chịu sức nặng không đều, không có sự liên kết nên khi có gió những cây to rất dễ bị bật gốc. Do đó công tác quản lý cây xanh, kiểm tra các cây không đủ điều kiện thì có phương án di dời, cắt gọt để không xảy ra những tai nạn đáng tiếc. Với những cây khác thì cũng cần phải có hệ thống chống đỡ để sao cho không gây ảnh hưởng hay thiệt hại khi mùa mưa bão đến”.
Nguồn: Báo Lao Động