Các luật sư cho rằng, hành vi vi phạm của Khaisilk là rõ ràng, nhưng việc cơ quan công an sau gần 2 năm điều tra nhưng vẫn chưa có kết luận rõ ràng là có điều "uẩn khúc".
Sau scandal bán khăn lụa Trung Quốc nhưng gắn mác "made in Vietnam", ông Hoàng Khải, nguyên Chủ tịch công ty TNHH Khải Đức (thương hiệu Khaisilk) đã cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng và đóng cửa toàn bộ hệ thống cửa hàng Khaisilk để phục vụ công tác điều tra.
Cửa hàng Khaisilk đóng cửa. Ảnh: Người Lao Động |
Gần 2 năm qua, tính từ tháng 11/2017 – thời điểm hồ sơ vụ việc được chuyển phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.Hà Nội điều tra, đến nay những sai phạm của Khaisilk trong việc bán khăn lụa Trung Quốc gắn mác hàng Việt sẽ bị xử lý ra sao vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.
Liên quan tới vụ việc này, một số Đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ mong muốn cơ quan công an sớm có kết quả điều tra, xử lý vụ việc Khaisilk nghiêm minh, đúng người đúng tội để dư luận được sáng tỏ...
Trả lời báo chí mới đây, đại diện phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP.Hà Nội cho biết, vụ án vẫn đang được điều tra và chưa thể cung cấp thông tin cho báo chí.
Nhìn nhận sự việc trên khía cạnh pháp lý, PV đã có cuộc trao đổi với các luật sư nhằm làm sáng tỏ một số khúc mắc độc giả quan tâm.
Gần 2 năm điều tra chưa có kết luận là có "uẩn khúc"
Luật sư Lê Văn Kiên, Trưởng văn phòng Luật sư Ánh sáng Công lý cho rằng, vụ việc Khaisilk đã diễn ra từ lâu, hành vi vi phạm gian lận thương mại của Khaisilk là quá rõ ràng và đã được bộ Công Thương ban hành các kết luận vi phạm.
Theo đó, nội dung đáng lưu ý trong kết luận của bộ Công Thương là giám định chất lượng sản phẩm dệt may đối với một số mẫu sản phẩm của Khaisilk cho thấy kết quả kiểm tra khác (không có thành phần silk) so với các thông tin công bố (trên nhãn hàng hóa) về thành phần nguyên liệu trong sản phẩm ("100% silk").
Từ thông tin này, luật sư Kiên cho rằng, Khaisilk đã vi phạm Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với tội Lừa dối khách hàng... Với tội danh này, ông Hoàng Khải có thể phải bị áp dụng mức án tù từ 1 năm đến 5 năm.
Nêu quan điểm về quãng thời gian gần 2 năm cơ quan công an điều tra nhưng vẫn chưa có kết luận, luật sư Kiên cho rằng hành vi vi phạm của Khaisilk là quá rõ ràng nhưng việc cơ quan công an sau gần 2 năm điều tra nhưng vẫn chưa có kết luận rõ ràng là có điều "uẩn khúc".
Luật sư Kiên chỉ ra “uẩn khúc” ở đây có thể nằm ở sự phức tạp của vụ việc trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, Luật đã quy định, thời hạn điều tra đối với 1 vụ án hình sự là không quá 12 tháng (được gia hạn tối đa 2 lần, mỗi lần không quá 4 tháng).
Thời hạn điều tra tối đa không quá 12 tháng
Luật sư Hồng Ngọc, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay, Điều 172, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định: Thời hạn điều tra vụ án hình sự được quy định tại khoản 1. Cụ thể, không quá 2 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng; Không quá 3 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng; Không quá 4 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng...
“Cho dù ngoài hành vi lừa dối khách hàng của ông Hoàng Khải, ông ta còn bị điều tra về các hành vi khác thì tối đa thời hạn điều tra này cũng không quá 12 tháng”, luật sư Ngọc nhận định.
Ông Hoàng Khải. |
Trước đó, vào cuối tháng 10/2017, kết quả kiểm tra, giám định chất lượng sản phẩm dệt may đối với một số mẫu sản phẩm của công ty TNHH Khải Đức, đơn vị sở hữu thương hiệu Khaisilk cho thấy, không có thành phần silk như công bố trên nhãn hàng hoá về thành phần nguyên liệu trong sản phẩm là 100% silk.
Theo báo cáo của bộ Công Thương, Khaisilk đã vi phạm loạt dấu hiệu liên quan tới bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Với kết quả này, bộ Công Thương đã chuyển hồ sơ, vật chứng cho CQĐT xử lý theo quy định đối với các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Bộ này đồng thời theo dõi, tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định đối với các sai phạm của doanh nghiệp theo thẩm quyền.
Ngoài ra, Khaisilk cũng có dấu hiệu vi phạm luật về quản lý thuế, hóa đơn. Cụ thể một số hóa đơn do công ty xuất trình không hợp lệ, không phải do chi cục Thuế phát hành, quản lý; số khác kê khai không đúng tên hàng hóa.
Một số lượng lớn sản phẩm chênh lệch giữa số liệu chứng từ kế toán và số liệu kiểm tra thực tế tại một chi nhánh công ty, trong khi đơn vị không giải trình được nguyên nhân, đầy đủ hóa đơn cho số sản phẩm này.
Đoàn kiểm tra của bộ Công Thương cũng cho biết, quá trình kiểm tra tại Khaisilk phát hiện một số sản phẩm không gắn nhãn hàng hoá theo quy định, hoặc có gắn nhãn nhưng không ghi đầy đủ nội dung bắt buộc.
Công ty này cũng có dấu hiệu che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng và bán nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Sai phạm của Khaisilk đã được chỉ rõ, có thể khẳng định đây là hoạt động gian lận thương mại, cố tình gian dối trong kinh doanh. Có thể vì việc quản lý của nhà nước chưa chặt chẽ nên tình trạng này vẫn diễn ra nhưng với thương hiệu lớn thì điều này cần phải được xử lý nghiêm minh.
Xuân Tùng - Nguyễn Dương
Bài đăng báo giấy Đời sống & Pháp luật số 80