Đường bị cuốn trôi, sạt lở hoàn toàn nhưng để chuẩn bị cho năm học mới, các nữ giáo viên vẫn phải đeo balo băng rừng, cắt suối để đến các điểm trường.
Bám lấy nhau lội qua suối dữ
Những cơn bão liên tiếp ập vào kèm theo mưa lớn đã khiến cho con đường vào xã biên giới Mường Ải và Mường Típ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An bị xóa sổ hoàn toàn. Đất đá đổ xuống khiến con đường độc đạo vào xã biến mất, kèm theo việc dòng nước lũ ào ào đổ về ăn sâu vào tim đường, gây nứt toác, vô cùng nguy hiểm.
Thế nhưng, vì năm học mới đã cận kề, các thầy cô giáo không còn cách nào khác đành phải vác ba lô lên đường vào các điểm trường. Để đảm bảo an toàn, các thầy cô giáo thường đi theo từng tốp để hỗ trợ, giúp đỡ nhau. “Từ trung tâm vào đến bản gần 40km, bình thường mất khoảng 3 tiếng đi xe máy. Thế nhưng giờ chẳng còn đường mà đi nữa, cách duy nhất là phải đi bộ và phải mất khoảng 2 ngày 1 đêm mới có thể đến nơi”, cô Lê Thị Hằng, quê huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, cho biết.
Trường Tiểu học Mường Típ 1 chìm trong bùn đất. |
Cô Hằng là giáo viên dạy học ở trường Tiểu học Mường Típ 1. Mặc dù đã có 12 năm gắn bó với điểm trường này, đi vào không biết bao nhiêu lần nhưng đầu năm học, bắt đầu đi vào là cô lại cảm thấy rùng mình ớn lạnh. Bởi nếu mưa bão thì các cô chẳng đi ra làm gì, nhưng sau khi hết thời gian nghỉ hè thì bắt buộc phải đi vào cho kịp khai giảng. Thế nên, một bên là vực núi, một bên là dòng suối lũ, trên vai là quần áo và giáo án nặng trĩu, các cô vẫn nhắm hướng núi mà đi.
“Trời thì nắng to nhưng dưới chân thì bùn lầy lội, nơi thì vô cùng trơn trượt, vừa đi lại vừa bám nếu không sẽ rơi xuống suối ngay. Các cô thì sức khỏe yếu, nên lúc đầu đi còn khỏe, sau cứ 30 phút phải dừng lại nghỉ. Nhưng sợ nhất là mưa rừng nên không dám nghỉ lâu vì đường càng khó đi hơn. Nhiều khi cả đoàn đang ngồi, có cô giáo trẻ bật khóc vì tủi, vì mệt, thế nhưng khóc xong lại động viên nhau tiếp tục hành trình”, cô Hằng kể.
Đi qua bản Xốp Típ, nơi cơn lũ tối ngày 17/8 cuốn trôi 2 người đàn ông, cô Nguyễn Thị Thu Hiền (quê TP.Vinh) bị vấp ngã vào vũng bùn. Vừa lồm cồm bò dậy thì nữ giáo viên này bị lăn xuống vực. “Lúc đó tôi rất hoảng loạn, chỉ thấy bị rơi xuống rất nhanh, xung quanh tối sầm. Trong đầu chẳng nghĩ được cái gì nữa, cả người cứ lăn cho đến khi được cây cỏ giữ lại, lúc đó mới biết mình còn sống. Cầm rễ cây leo lên, đúng lúc này các thầy cô đi cùng thấy mất tích nên quay lại tìm, thế là cả đoàn lại ôm nhau khóc”, cô Hiền vẫn chưa hết rùng mình.
Lũ cuốn sập nhà, giáo viên phải thuê trọ
Không những cơ sở vật chất của nhà trường bị thiệt hại nặng nề sau bão, điều các giáo viên lo lắng nhất chính là nơi ăn chốn ở cũng bị nước lũ cuốn trôi. Tại trường Tiểu học Mường Típ, một số phòng học, nhà ăn, nhà ở giáo viên bị nước lũ cuốn trôi. Vì vậy, dù vô cùng mệt mỏi sau chặng đường dài nhưng các thầy cô vẫn phải xắn tay áo bắt đầu dọn dẹp.
“Trước đó, ngày 1/8 trả phép, chúng tôi đã đưa sách vở cho năm học mới vào trường và tiến hành dọn dẹp trước. Thế nhưng tiếp tục bão số 4 ập đến, mưa lũ kéo về lại khiến trường ngổn ngang những bùn đất. Cứ lũ chồng lũ như thế này thì trường hư hỏng hết. Ban ngày, tất cả mọi người lại phải dọn dẹp lần nữa, rồi đêm xuống thì xin vào nhà dân ngủ”, cô Lê Thị Hằng cho biết.
Tại trường Phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, nước lũ đã cuốn trôi nhà ăn và một phần phòng ở của giáo viên. 30 giáo viên đang công tác phần lớn đều không phải người nơi đây. Vì vậy, các thầy cô phải thuê nhà người dân để ở trọ, hoặc đã xây dựng nhà tạm để trú.
Các giáo viên phải dìu nhau để tránh bị cuốn trôi. |
Thầy Nguyễn Quang Tuấn, Hiệu trưởng trường PTDTBT THCS Mỹ Lý cho biết, đợt lũ lụt vừa qua, 6 gia đình giáo viên tại đây đã bị nước cuốn trôi, gây hư hỏng thiệt hại gần 500 triệu đồng. “Ở nhiều năm nên một số giáo viên đã quyết định lập gia đình và xây nhà ở đây để dạy học lâu dài. Tuy nhiên, đợt mưa lũ vừa qua đã khiến nhà riêng của các thầy cô giáo bị ảnh hưởng. Thế nhưng mọi người vẫn cố gắng khắc phục cuộc sống riêng để chuẩn bị cho năm học mới”, thầy Tuấn nói.
Như căn nhà của gia đình thầy giáo Phan Văn Giang bị cơn lũ làm sạt lở, gây sập 2/3 diện tích nền nhà. Nước lũ cuốn trôi toàn bộ nhà ở và nhà bếp, công trình phụ... ước tính tổng thiệt hại khoảng 180 triệu đồng. Riêng gia đình thầy giáo Vi Văn Dương, lũ lụt đã làm cho toàn bộ nền đất bị sụt lún, làm nhà bị gãy. Gia đình phải dỡ bỏ toàn bộ nhà ở để đi dựng lại ở nơi khác mặc dù nhà mới làm và mới đưa vào sử dụng khoảng 4 tháng. Ước tính thiệt hại khoảng 185 triệu đồng.
Ông Nguyễn Hồng Hoa, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn cho biết: “Qua báo cáo nhanh của các đơn vị, có 12 ngôi trường bị ảnh hưởng do ngập lụt và làm thiệt hại lên đến gần 5 tỷ đồng, bên cạnh đó có 1 học sinh trên địa bàn tử vong. Hiện chúng tôi đang cố gắng khắc phục để chuẩn bị cho năm học mới".