+Aa-
    Zalo

    Hành trình vượt ngàn km giải cứu thiếu nữ vùng cao bị lừa vào "động" karaoke

    (ĐS&PL) - Tin vào lời mời gọi trên mạng xã hội, nhiều cô gái vùng cao Quảng Ngãi rời làng xuống phố với mong ước sẽ có việc làm ổn định. Thế nhưng, chờ đợi họ là những cạm bẫy được giăng sẵn.

    Theo báo CAND, ngày 5/3, ông Phạm Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Ba Bích, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) cho biết, một gia đình trên địa bàn xã đã vượt nghìn km giải cứu, chuộc em gái 15 tuổi bị lừa đi ra Hà Nội bán giày nhưng bị ép làm nhân viên karaoke.

    Theo lời ông Lương, khi về đến nhà, em Phạm Thị S., 15 tuổi, ở xã Ba Bích vẫn còn khiếp sợ khi kể lại những ngày theo người bạn trên mạng xã hội rủ ra Hà Nội bán giày với mức lương 20 triệu đồng/tháng.

    hanh trinh vuot ngan km giai cuu thieu nu vung cao bi lua vao dong karaoke
    Công an xã Ba Bích (Ba Tơ) làm việc với gia đình em Phạm Thị S. sau khi từ Hà Nội trở về. Ảnh: CAND

    S. cho biết, đã tin lời nhân viên bán shop giày nhưng khi ra đến nơi, vừa đặt chân đến Hà Nội, em bị đưa vào cơ sở dịch vụ karaoke. Cũng như một số thiếu nữ khác, khi vào đây, S phải chịu cảnh bị khống chế, giám sát.

    "Không chiều khách thì bị khách đánh hoặc cũng bị ông chủ đánh. Số tiền mà họ chi để trả tiền xe, mua sắm quần áo, dày dép… thì họ gộp lại và tính lãi hàng triệu đồng, bắt em phải trả hết tiền thì mới được về", S cho biết thêm.

    Cũng theo lời S, số tiền khách "boa" em cất để dành thì cũng bị họ lấy. Cố gắng dành dụm để đủ tiền trả cho chủ để về quê nhưng làm miết mà không có tiền vì làm bao nhiêu họ cũng lấy nhằm khống chế S ở lại.

    Lén liên lạc về cầu cứu ở quê nhà, gia đình đã gom góp tiền nhờ người quen ở Hà Nội đến chuộc S khỏi “động” karaoke, đưa về đến nhà ở Quảng Ngãi an toàn. 

    Trong một vụ việc tương tự khác, báo Dân Trí thông tin, em Phạm Thị Nam (tên nhân vật đã được thay đổi) vừa được Công an xã Ba Giang (huyện Ba Tơ) giải cứu thành công.

    Ở tuổi 18, Nam cũng muốn xuống phố tìm việc. Qua mạng xã hội, Nam được một phụ nữ nhận vào làm phụ bếp tại thành phố Quảng Ngãi với mức lương khá.

    Người này cho xe đến đón, Nam tưởng có được công việc ổn định nên đồng ý lên xe. Tuy nhiên, xe không dừng tại thành phố Quảng Ngãi mà chạy đến huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam).

    Tại đây, Nam được đưa vào một quán karaoke, massage. Cô gái người dân tộc Hrê bị bắt làm tiếp viên.

    Biết mình bị lừa, Nam phản ứng thì bị khống chế, thu điện thoại di động. Chủ nhà trọ nói đã làm hợp đồng thuê Nam với giá 15 triệu đồng nên em phải làm việc để trả nợ. Tại nơi làm việc, Nam không được ra ngoài, chỉ được gọi điện thoại khi có người giám sát.

    hanh trinh vuot ngan km giai cuu thieu nu vung cao bi lua vao dong karaoke 1
    Em Phạm Thị Nam được giải cứu đưa về đoàn tụ cùng gia đình. Ảnh: Dân Trí

    Tranh thủ lúc chủ không để ý, Nam dùng điện thoại đăng nhập tài khoản facebook cá nhân, nhắn tin và gửi định vị cho công an để cầu cứu. Tiếp nhận tin báo, Công an xã Ba Giang liên hệ với Công an tỉnh Quảng Nam giải cứu, đưa Nam về nhà an toàn.

    Thời gian qua, nhiều cô gái ở các huyện vùng cao Quảng Ngãi sập bẫy của các đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội. Qua sự việc, Công an tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo các thiếu nữ cảnh giác trước thủ đoạn tuyển dụng việc nhẹ, lương cao.

    Người lao động cần nâng cao cảnh giác với thông tin tuyển dụng qua mạng xã hội. Khi có nhu cầu tìm việc cần liên hệ với chính quyền địa phương, hoặc Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Đối với những trường hợp nghi vấn bị lừa đảo cần trình báo với cơ quan công an để được hỗ trợ.

    Thục Hiền (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hanh-trinh-vuot-ngan-km-giai-cuu-thieu-nu-vung-cao-bi-lua-vao-dong-karaoke-a613153.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan