+Aa-
    Zalo

    Hành trình vạch mặt kẻ thủ ác (Kỳ 3): Hình xăm rồng tố cáo nghi phạm giết người

    (ĐS&PL) - Sau 25 năm giết người, Thi bị trinh sát của Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an lật mặt chỉ sau một cuộc điện thoại video.

    Theo báo Thanh Niên, cuối tháng 11/2022, nhiều người ở xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang, không khỏi bất ngờ khi thấy trinh sát hình sự từ Bộ Công an có mặt ở địa phương. Càng bất ngờ hơn khi Mai Văn Thi (66 tuổi, quê Thanh Hóa), bảo vệ của một trại lợn trong vùng, bị bắt giữ với cáo buộc giết người và trốn truy nã suốt 25 năm qua.

    Thay tên đổi họ, lấy vợ mới để trốn truy nã

    XEM THÊM: Hành trình vạch mặt kẻ thủ ác (Kỳ 2): Hung thủ giết người bình tĩnh lẩn trốn 23 năm, mưu cầu hạnh phúc với 18 cô bồ nhí

    Hành trình vạch mặt kẻ thủ ác (Kỳ 1): Thiếu niên 14 tuổi giết người để "bảo vệ gái làng" và nỗi day dứt trong 37 năm trốn chạy

    Hồ sơ cho thấy, Thi từng có tiền án 5 năm tù về tội trộm cắp tài sản. Đầu những năm 1990, sau khi được trả tự do, Thi chung sống với một phụ nữ cùng quê và sinh 2 người con. Bẵng đi một thời gian, Thi bất ngờ rời bỏ gia đình, vào miền Trung lập nghiệp. Thi chọn nghề làm mướn cho các đồn điền cây ăn quả ở xã Đa Kai, huyện Đức Linh, Bình Thuận.

    Hành trình vạch mặt kẻ thủ ác (Kỳ 3): Hình xăm rồng tố cáo nghi phạm giết người - 1

    Mai Văn Thi được di lý về Bình Thuận, ngày 5/12/2022. Ảnh: VnExpress

    Ngày 29/6/1997, Thi cùng hai người làm thuê khác là Trần Quốc T. và Nguyễn Quốc K. (đều trú tại tỉnh Đồng Nai) tổ chức nhậu trong một chòi rẫy.

    Trong lúc nhậu, "rượu vào lời ra", anh T. và K. xảy ra cãi cự, đánh nhau với Thi. Thi dùng dao đâm chết hai bạn nhậu rồi bỏ trốn. Vụ án gây rúng động cả vùng quê nghèo.

    Vào cuộc điều tra, Công an Bình thuận xác định Thi chính là nghi phạm nhưng đã nhanh chân bỏ trốn. Công an Bình Thuận khởi tố vụ án, phát lệnh truy nã toàn quốc đối với Thi về tội giết người.

    Bằng sự khôn ranh từ một cựu phạm nhân, tung tích của Thi dường như “bốc hơi”, không để lại dấu vết gì. Cũng vì thế, việc truy bắt không có kết quả. Đến năm 2022, Phòng Truy nã truy tìm (Phòng 10, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an) trực tiếp xác lập chuyên án truy bắt Thi.

    Ba trong số những trinh sát tinh nhuệ nhất của Phòng 10 được điều động, gồm Trung tá Hoàng Hoài Nam, Trung tá Phạm Ngọc Viết và Đại úy Đinh Viết Chiến. Địa chỉ đầu tiên mà tổ công tác tìm về là quê gốc của Thi ở huyện Nga Sơn, Thanh Hóa.

    Do vụ án xảy ra đã rất lâu, manh mối thông tin về Thi rất ít ỏi. Dù rà soát hàng chục mối quan hệ trước đây của Thi nhưng kết quả thu lại không được bao nhiêu. Ngay cả vợ con nghi phạm cũng không biết 25 năm qua Thi đi đâu, làm gì.

    Không bỏ cuộc, sau nhiều lần ngược xuôi Hà Nội - Thanh Hóa, may mắn cũng mỉm cười với tổ công tác, họ gặp một người từng là bạn của Thi và có vài tấm ảnh thời trẻ của nghi phạm, đồng thời phán đoán có thể Thi đang sống ở miền Bắc. Cùng với các chứng cứ chắp nối được, tổ công tác dần thu hẹp phạm vi truy tìm và dựng lên cơ bản hành tung của Thi.

    Theo đó, sau khi gây án, Thi dạt ra khu vực ven biển Bình Thuận, lấy tên giả là Nguyễn Văn Điệp, quê Quảng Ngãi. Thi thường xuyên tham gia các chuyến đánh bắt xa bờ để tiện cho việc trốn tránh. Có lần, thuyền cá của Thi bị bão đánh lật, khiến nhiều người tử nạn. Thi may mắn bám vào mảnh gỗ và được cứu.

    Một đồng nghiệp quê ở Tuyên Quang thấy Thi hiền lành nên đã mai mối với chị gái của mình. Đây cũng chính là bước ngoặt để Thi tạo “vỏ bọc” tiếp theo.

    Với chất giọng Quảng Ngãi và dưới cái tên Nguyễn Văn Điệp, Thi thường xuyên kể về chuyện lật thuyền, cha mẹ đều mất sớm… khiến nhiều người thương cảm. Khoảng năm 2000, Thi lấy vợ mới, chủ động sống khép kín và hạn chế giao du, chủ yếu lên đồi trồng cam, về sau làm bảo vệ cho một trại lợn trên địa bàn xã Kháng Nhật.

    Cuộc đấu trí giữa các trinh sát và nghi phạm giết người

    Đại úy Đinh Viết Chiến, thành viên tổ công tác, cho biết 2 điểm mấu chốt trong chuyên án truy bắt Thi là khi về Thanh Hóa rồi biết Thi trốn ở Tuyên Quang, và lúc lên Tuyên Quang để xác định nơi ở cụ thể của nghi phạm.

    Theo lời kể, tổ trinh sát Phòng 10 phải tiến hành sàng lọc hàng trăm trường hợp nghi vấn tại xã Kháng Nhật, tập trung vào những người quê Thanh Hóa hoặc Quảng Nam, có độ tuổi, hình dáng tương đồng với Mai Văn Thi.

    Đồng thời, cảnh sát dùng các bức ảnh có được về Thi cho mọi người nhận dạng. Không nằm ngoài dự đoán, có người cho biết thấy nhân vật trong ảnh rất quen mặt, nhưng tên là Điệp chứ không phải Thi.

    Cánh tay của Thi có xăm hình con rồng, rất xấu. Tôi hỏi về hình xăm thì người nhận dạng nói đúng là trên tay người tên Điệp có hình xăm như mô tả. Kết quả đã rõ”, Đại úy Chiến kể.

    Cũng từ thông tin của người nhận dạng, tổ công tác biết được chính xác vị trí trại lợn Thi đang làm bảo vệ. Tuy nhiên, trại tách biệt khu dân cư, đường đi hiểm trở, không cho người lạ ra vào, việc tiếp cận rất khó khăn, nếu không cẩn thận có thể “rút dây động rừng”.

    Nhiều phương án tác chiến được đưa ra. Tổ công tác quyết định đóng vai thương lái đang có nhu cầu mua heo số lượng lớn để tìm cách vào trại lợn. Dù vậy, việc tiếp cận vẫn không hề dễ dàng.

    Địa giới hành chính xã Kháng Nhật, nơi Mai Văn Thi sinh sống trước khi bị bắt giữ. Ảnh: Thanh Niên
    Địa giới hành chính xã Kháng Nhật, nơi Mai Văn Thi sinh sống trước khi bị bắt giữ. Ảnh: Thanh Niên

    Phải mất rất nhiều thời gian thương thuyết, quản lý trại mới đồng ý cho hai người của tổ công tác vào bên trong. Và cũng bằng sự khôn khéo, cảnh sát thuyết phục quản lý gọi Thi ra với lý do đổi ca trực. “Ngay khi giáp mặt, linh cảm và kinh nghiệm nghề nghiệp khiến tôi lập tức nhận ra đó là Thi”, Đại úy Chiến nhớ lại.

    Nhưng để củng cố thêm chứng cứ, tổ công tác chưa hành động ngay mà chỉ lấy lý do để đưa Thi về trụ sở Công an xã Kháng Nhật làm việc.

    Cúi đầu nhận tội sau cuộc gọi video

    25 năm kể từ thời điểm xảy ra án mạng, ngoại hình Thi thay đổi rất nhiều, từ khuôn mặt, vóc dáng, màu da cho đến màu tóc. Có lẽ tự tin vì điều này sẽ không ai nhận ra mình.

    Tại cơ quan công an, người đàn ông vẻ ngoài gầy gò, già nua, một mực phủ nhận mình là Mai Văn Thi. Ông Điệp khẳng định mình sinh ra và lớn lên tại Quảng Ngãi. 25 năm trước rời quê hương ra Tuyên Quang lập nghiệp rồi cưới vợ.

    Thấy Thi quanh co chối tội, Đại úy Chiến liền dùng "chiêu" bất ngờ đọc tên "Mai Văn Thi" và tên người vợ đầu, các con của Thi đang ở Thanh Hóa. Lúc này, Thi đang cúi gằm mặt bỗng giật mình, ngửa mặt lên, tay chân run lẩy bẩy.

    Lập tức, Đại úy Chiến hỏi: "Ông có muốn gặp vợ và các con không?". Thấy sắc mặt người đàn ông tái mét, Đại úy Chiến liền lấy điện thoại gọi video call cho Thi gặp người vợ đầu.

    Thấy Thi, người vợ liền thốt lên: "Anh Thi. Đây đúng là chồng tôi". Sau đó, các trinh sát cũng cho người con trai nói chuyện với Thi và xác nhận đây là cha mình.

    Lúc này, Thi bật khóc nức nở, mếu máo khai nhận với cảnh sát: "Tôi chính là Mai Văn Thi", báo Tuổi Trẻ thông tin.

    Đại tá Trần Ngọc Cường, Trưởng phòng 10, Cục Cảnh sát hình sự cho biết, tội phạm truy nã trốn lâu năm phần lớn đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thay đổi nhân thân thành một con người mới, gây khó cho công tác truy bắt. Cá biệt, có đối tượng trốn 30 - 35 năm, nhân dạng hoàn toàn thay đổi, thậm chí khi bị bắt còn ngoan cố, lực lượng công an phải đấu tranh cả ngày trời mới chịu thừa nhận.

    Để đạt được kết quả như trên, cán bộ, trinh sát Phòng 10 đã không ngừng nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm, miệt mài “đánh án” kể cả ngày nghỉ lễ, tết...

    Thục Hiền(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/hanh-trinh-vach-mat-ke-thu-ac-ky-3-hinh-xam-rong-to-cao-nghi-pham-giet-nguoi-a412862.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Xót xa những đứa trẻ bị bỏ rơi khi vừa lọt lòng: Lầm lỡ hay sự thiếu trách nhiệm của người trẻ

    Xót xa những đứa trẻ bị bỏ rơi khi vừa lọt lòng: Lầm lỡ hay sự thiếu trách nhiệm của người trẻ

    Nhìn những trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ven đường, trước cổng chùa hay cửa nhà dân khiến chúng ta không khỏi xót xa. Đằng sau mỗi mảnh đời đó là câu chuyện của một người mẹ. Đó có thể là sự lầm lỡ, là nỗi niềm ân hận. Nhưng sâu thẳm vẫn là sự đáng trách vì những người mẹ đã không vượt qua được hoàn cảnh, mặc cảm số phận để cưu mang chính giọt máu của mình…