+Aa-
    Zalo

    Hành trình từ một nhà giáo tới nghệ nhân mỹ nghệ bằng những gốc tre

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Từng là một nhà giáo nhưng với niềm đam mê nghệ thuật, bằng khối óc trừu tượng, đôi bàn tay tài hoa và khéo léo, cụ Lê Tôn Mưu đã trở thành nghệ nhân mỹ nghệ.

    (ĐSPL) - Từng là một nhà giáo nhưng với niềm đam mê nghệ thuật, bằng khối óc trừu tượng, đôi bàn tay tài hoa và khéo léo, cụ Lê Tôn Mưu (SN 1924) đã được hội liên hiệp Văn hóa nghệ thuật Hà Tĩnh chứng nhận là nghệ nhân.

    Sinh ra trên mảnh đất nghèo khó tại xã Sơn Bình, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), cụ Lê Tôn Mưu lớn lên được đi học và trở thành nhà giáo, chính thức bước vào nghề “gõ đầu trẻ” vào năm 1953. Được cầm phấn đứng trên bục giảng truyền đạt lại vốn kiến thức cho thế hệ trẻ sau này đối với cụ đó là trách nhiệm và cũng là niềm vui.

    Sau một thời gian công tác, cùng với năng lực giảng dạy và quản lý, cụ được nhà trường tin tưởng giao làm cán bộ quản lý và từng bước trên chặng đường giáo dục, cụ trở thành hiệu trưởng của trường THCS Hồ Tùng Mậu do Liên-Việt mở.

    Một thời gian sau, cụ chuyển công tác và trở thành giảng viên bộ môn triết học tại trường Đại học Nông Lâm Huế. Gắn bó với ngành sư phạm gần 30 năm, tới năm 1981 cụ về hưu và được cấp huy hiệu vì sự nghiệp giáo dục.

    Với chừng ấy thời gian vì “sự nghiệp trăm năm trồng người” cũng đủ để kết tinh trong thầy giáo Mưu giá trị thẩm mỹ cũng như giá trị nhân sinh quan về sự phát triển tự nhiên xã hội.

    Sau này, khi đã về hưu, cùng với sự say mê nghệ thuật, cụ rất muốn được hưởng thú vui tao nhã tuổi già đó là sưu tập những đồ vật giàu giá trị truyền thống. Dù gia cảnh cụ lúc đó không mấy khá giả nhưng cụ đã luôn dốc hết sức mình về nghệ thuật.

    Cụ Lê Tôn Mưu bên các tác phẩm nghệ thuật của mình. Ảnh: H.L

    Cơ duyên bắt đầu từ việc, trong một lần tình cờ, cụ phát hiện được gốc tre xù xì, hình thù uốn lượn rất đẹp mắt, cụ đã đem gốc tre đó về nhà. Qua thời gian và bằng trí tưởng tượng, cụ đã hóa tre thành con rồng rất tinh tế.

    Kể từ đó, hàng ngày cụ miệt mài đi đào những gốc tre vốn sẵn có trên mảnh đất quê hương mang về nhà tạo nên rất nhiều tác phẩm với rất nhiều hình dáng khác nhau.

    Không chỉ từ những gốc tre, cành tre mà cụ còn tìm cả những lõi cây, khúc gỗ, thậm chí là những mảnh sắt vụn mọi người không cần dùng tới và "phù phép" thành những tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ.

    Đằng sau mỗi tác phầm của cụ đều có tên gọi và là cả một câu chuyện giàu tính nhân văn, giá trị tinh thần, kết tinh nét văn hóa dân tộc và cũng có không ít tác phẩm có giá trị giáo dục con người. Cụ đã làm ra rất nhiều tác phẩm nhưng phần thì đem biếu, đem tặng, phần vì trong nhà không có chỗ trưng bày.

    Vài năm lại đây, do sức khỏe yếu đi cụ không còn làm nữa, chỉ còn lại rất ít tác phẩm. Cụ bây giờ đã 90 tuổi nhưng khi kể với chúng tôi về tác phẩm của mình, cụ kể với dáng vẻ đầy tâm đắc, nhiệt huyết. Trong đó, câu chuyện đặc biệt, ấn tượng nhất đó là “tử ô dưỡng mẫu”.

    Cụ Mưu bên tác phẩm "Tử ô dưỡng mẫu"

    “Tử tức là con, ô là loài quạ, mẫu là mẹ. 'Tử ô dưỡng mẫu' ý nghĩa của nó là con quạ dù vẻ bề ngoài xấu xí nhưng lại là con vật có hiếu, luôn ở bên chăm sóc, mớm mồi cho mẹ già ốm yếu. Con người cũng vậy, dù đẹp hay xấu thì cũng luôn cần nhớ tới cội nguồn, gốc rễ của mình”, giọng cụ Mưu sang sảng giải thích cho chúng tôi về tác phẩm của cụ.

    Được biết khi còn gắn bó với nghiệp 'trồng người', cụ đã rất ham mê nghệ thuật, nhưng do công việc bận rộn nên cụ rất ít khi có thể thời gian để làm những đồ mỹ nghệ. Chỉ tới khi về hưu, những lúc rảnh rỗi cụ mới bắt đầu thú 'chơi' mỹ nghệ này.

    Hàng ngày, sống trong căn nhà đơn sơ, giản dị cùng với cụ bà, cụ Tôn Mưu vẫn luôn chăm chú, cẩn thận từng li từng tí tạo nên những tác phẩm được sáng tạo từ đôi tay của mình. Cụ cũng bộc bạch: “Những tác phẩm cụ sáng tạo nên chỉ mang nét giá trị tinh thần, là thú vui tao nhã chứ ít mang giá trị vật chất, đem tác phẩm của mình ra bán chỉ để kiếm tiền. Có rất nhiều tác phẩm tâm đắc của cụ nhiều người hỏi mua nhưng cụ nhất quyết không bán. Bởi cụ muốn để lại cho con cháu sau này, giữ lại nét văn hóa dân gian đậm bản sắc dân tộc để mai sau không bị quên lãng”.

    Bức tranh cây cọ đầy ấn tượng

    Trong căn nhà của cụ, bức tranh cây cọ được dán trên tấm mành mành trước sân đã để lại cho chúng tôi ấn tượng sâu đậm nhất. Khi được chúng tôi hỏi về bức tranh này, cụ Mưu cười vui vẻ cho biết: “Nguyên liệu làm bức tranh đó là những tấm sắt vụn, cụ đã tận dụng và cắt thành những hình cây cọ, xe ô tô và cơn gió bão. Qua bức tranh, thông điệp mà cụ muốn gửi gắm đó chính là hình ảnh cây cao bóng cả, khi có gió bão lật đổ cả ô tô thì những cây cao ấy vẫn đứng vững trước phong ba bão táp. Cũng như cuộc đời, trải qua cuộc sống dù có khó khăn, gian truân, vẫn phải luôn đứng vững".

    Chia sẻ với chúng tôi, cụ Mưu cũng cho biết thêm: “Năm 1996, tôi bắt đầu gia nhập hội liên hiệp Văn hóa nghệ thuật Hà Tĩnh, chuyên ngành Mỹ thuật. Bởi trước đó, tôi đã có rất nhiều tác phầm được trưng bày tại các buổi triển lãm lớn của riêng của tôi với bút danh Lê Mưu. Qua thời gian hoạt động, tôi được hội VHNT chứng nhận cụ là nghệ nhân”, vừa kể cụ vừa tười cười vui vẻ, đôi mắt ánh lên niềm vui, niềm tự hào.

    Bằng khối óc tưởng tượng, đôi bàn tay tài hoa và khéo léo, cụ Mưu đã đem lại sự sống, hơi thở cho những cành cây, khúc gỗ, gốc tre "vô tri, vô giác" ấy để chúng "biết nói". Đó là những chú chim, chú cò với sự mảnh mai, yên bình và tĩnh lặng. Đó là xuân của muôn loài với sự ấm áp, tràn đầy nhựa sống; đó cũng là "Tử ô dưỡng mẫu" giáo dục đạo làm con phải biết tới chữ hiếu, và còn có cả sự tranh đấu dũng mảnh bảo vệ sự sinh tồn giữa đại bàng và hổ dữ chốn rừng xanh...

    CẨM ANH 

    Xem thêm video:

    [mecloud]tqXZHtNZyL[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hanh-trinh-tu-mot-nha-giao-toi-nghe-nhan-my-nghe-bang-nhung-goc-tre-a112115.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.