Anh Phùng Tiến Long (22 tuổi) sinh ra đã khuyết cả tay, chân do bệnh teo cơ bẩm sinh. Đôi tay phải của anh không thể hoạt động, cầm nắm bình thường như bạn bè cùng trang lứa, đôi chân bị khuyết tật nên đi lại cũng khó khăn.
Tuy nhiên, Long đã vượt lên trên số phận, kiên trì học tập và tốt nghiệp loại giỏi cùng lúc 3 trường Đại học: Học viện Phụ nữ Việt Nam, Arena Multimedia và Mastermedia.
Với sự cố gắng nỗ lực vươn lên, hiện Tiến Long đang làm công việc chính là chuyên viên thiết kế đồ hoạ cho trình duyệt Cốc cốc. Ngoài ra, Long còn vẽ truyện tranh như một sở thích cá nhân của mình.
Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Long đã biết cách tự kiếm tiền để có thể chi trả cho nhu cầu hằng ngày của bản thân mà không cần đến sự giúp đỡ từ gia đình. Trò chuyện với phóng viên Đời sống & Pháp luật Online, anh Phùng Tiến Long chia sẻ về hành trình vượt lên số phận của mình.
- Sinh ra không được lành lặn như bao người bình thường khác, chắc hẳn bạn đã gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, bản thân anh đã khắc phục điều này như thế nào?
Khó khăn trong sinh hoạt chắc chắn là có rồi, điển hình như việc hồi lớp 7 tôi rất thích đi giày có dây như các bạn đồng trang lứa, nhưng tôi lại không thể tự buộc dây giày bằng một tay. Bởi vậy tôi đã quyết tâm kiên trì luyện tập mỗi ngày, sau 2 năm thì tôi có thể buộc một cách điêu luyện mặc dù làm hơi lâu hơn người khác một chút.
Từ lúc còn là thiếu niên, tôi đã nhận thức được rằng mình cần phải sống độc lập để không làm ảnh hưởng đến những người xung quanh. Tôi thường xuyên rèn luyện sức khỏe, tăng cường khả năng vận động để tay, chân có thể khỏe lên. Sau một khoảng thời gian thì thể lực tôi đã cải thiện một cách đáng kể: Mỗi buổi sáng tôi chỉ mất khoảng nửa tiếng để vệ sinh thân thể, tự đánh răng, đi vệ sinh, tắm rửa và mặc đồ.
Sinh hoạt bình thường đã vậy, việc học tập với tôi cũng không dễ dàng. Như viết bài chẳng hạn, tôi phải học cách viết bằng cách đẩy bút thay vì kéo bút như những người khác. Vì tôi viết bằng tay trái nên thường xuyên bị nhoè chữ vì tay đè lên những chữ vừa mới viết, tôi phải chuyển sang dùng bút chì thay vì dùng bút bi, bút nước. Còn một cái khó khăn hơn nữa là khi bị gọi lên bảng, tôi chỉ có một tay để cầm phấn nên không thể cầm sách, vậy nên khi lên bảng tôi mất rất nhiều thời gian để hoàn thành bài.
- Rào cản vô hình nhưng tàn nhẫn nhất với những người khuyết tật chính là sự kỳ thị của cộng đồng, luôn phải đối mặt với những áp lực, sự coi thường, thương hại của xã hội càng khiến những người khuyết tật trở nên mặc cảm, tự ti. Bạn có thể chia sẻ động lực nào giúp bạn vượt qua những khó khăn đó và tiếp tục theo đuổi mơ ước của mình?
Hồi nhỏ khi nhận thức được tôi không được bình thường như bao người khác, đã có thời điểm tôi muốn bỏ cuộc vì không biết mình sẽ sống ở đời này như thế nào, cũng chưa từng nghĩ rằng mình có thể tìm thấy niềm vui. Tại trường cấp hai và cấp ba, tôi thường xuyên là tâm điểm để bạn bè trêu chọc và luôn cảm thấy bị tổn thương. Bản thân tôi vốn dĩ là người hướng nội, không giỏi trò chuyện, giao tiếp với mọi người. Sau những lẫn bị trêu chọc như vậy tôi ngày càng thu mình lại, hàng ngày chỉ đi học rồi về nhà và không nói chuyện với ai.
Dù vậy, bố mẹ vẫn luôn luôn nhắc nhở, khiến cho tôi tin rằng bản thân mình rất đặc biệt, họ luôn nói với tôi rằng "con đừng bao giờ bỏ cuộc trước khó khăn và hãy học cách chạm đến trái tim mọi người". Vậy nên, tôi dần thay đổi và hoà đồng hơn, luôn chủ động bắt chuyện với bạn bè để họ hiểu được rằng mình cũng bình thường giống như họ mà thôi. Bạn bè cũng dần nhận thức được việc làm của họ đã gây tổn thương cho tôi nên họ bắt đầu đối xử tốt và giúp đỡ tôi hơn khi đến trường. Nhờ gia đình luôn ủng hộ từ phía sau, tôi đã có thể vượt qua quãng thời gian khó khăn ban đầu và cả sau này nữa.
- Cũng đãtừngtrải nghiệm môi trường đại học nên chắn hẳn bạn đã biết khá nhiều bạn trẻ ngày nay đều đi làm thêm đủ mọi công việc từ năm nhất để kiếm thêm thu nhập giúp đỡ bố mẹ. Khi chứng kiến mọi người có thể làm đủ công việc họ thích mà bạn thì không thể, bạn đãbao giờ có ý định bỏ cuộc trước những khó khăn như vậy trong cuộc sống?
Cách đây bốn năm khi tôi còn là sinh viên năm nhất, tôi luôn xấu hổ và cảm thấy thua kém bạn bè vì tay, chân mình bị như vậy nên không thể làm những công việc làm thêm lao động chân tay như bưng bê, pha chế,.. như họ được. Nhiều lần, tôi cảm thấy lạc lõng khi nghe họ chia sẻ về những trải nghiệm của bản thân. Tuy nhiên, tôi cũng không để bản thân sống trong nỗi buồn quá lâu. Trong vòng 1 năm đó, tôi đã quyết tâm lấy tiền dành dụm được để mua máy vẽ và cứ thể tự tìm tòi học hỏi trên mạng.
Cũng phải kể đến thời điểm trước đó là khi còn học lớp 12, tôi rất thích đọc truyện tranh và vẽ các nhân vật trong những bộ truyện đó là sở thích riêng của bản thân. Mỗi lúc ôn thi đại học cảm thấy quá mệt và cần lấy lại năng lượng, thì đó chính là lúc tôi cầm bút vẽ. Cứ như vậy đến khi lên đại học, tôi bắt đầu nhận ra ước mơ của mình là trở thành họa sĩ chuyện tranh.
Sau đó, với kinh nghiệm tự tích luỹ được, tôi may mắn trúng tuyển và có được công việc làm thêm đầu tiên trên giảng đường là họa sĩ chuyện tranh. Ban đầu bố mẹ đều không đồng ý cho tôi làm công việc này vì họ cho rằng công việc nhà nước là ổn định nhất. Tuy nhiên, sau khi mình chứng tỏ được rằng nhờ công việc này, tôi có được mức thu nhập ổn định và tự chi trả những nhu cầu của bản thân, họ cũng phần nào tin tưởng hơn và không còn phản đối nữa.
- Cơ duyên nào giúp bạn có công việc nhiều người mơ ước như hiện tại?
Sống trong đời, mỗi người có một hoàn cảnh. Tuy nhiên, chẳng mấy ai may mắn được hoàn cảnh trải cho tấm nhung để đi đến thành công. Khi còn làm công việc cũ, tôi có thể thoả mãn niềm đam mê được vẽ truyện tranh của mình, tuy nhiên công việc này đòi hỏi phải tăng ca mỗi ngày, đôi khi phải đi làm vào cuối tuần.
Do không có thời gian nghỉ ngơi nên sau mỗi ca làm việc, tôi đều bị kiệt sức. Tôi không thể cân bằng giữa việc vừa học vừa đi làm, điều này làm ảnh hưởng đến kết quả học tập của tôi rất nhiều. Vậy nên, sau một thời gian đắn đo suy nghĩ, tôi quyết định dừng lại công việc này và chỉ tập trung vào việc học.
Trước đây, sau khi ra trường, tôi cũng đã đi nộp hồ sơ ở rất nhiều nơi nhưng luôn trượt từ vòng đầu khi họ biết tôi khuyết tật. Dù vậy, những lời từ chối đó không khiến tôi thấy nản lòng. Thay vì cảm thấy bất công và đổ lỗi cho số phận, tôi luôn đặt bản thân trong tâm thế rằng chỉ có nghị lực của mỗi người mới là nhân tố cốt lõi quyết định người đó có thành công hay không. Vì vậy, thay vì cảm thấy tự ti, tôi tự nhủ có thể mình không thật sự phù hợp với công ty họ và tiếp tục tìm kiếm những cơ hội khác. Trong một lần tình cờ thấy Cốc cốc đang tuyển dụng vị trí designer, tôi đã nộp CV ngay lập tức và trúng tuyển công việc thiết kế đồ hoạ như hiện tại.
- Bạn có lấy hình ảnh của ai để làm tấm gương phấn đấu cho bản thân?Bạn đã đặt ra cho mình những dự định gì trong tương lai?
Tôi luôn được truyền cảm hứng và động lực to lớn từ Nick Vujicic - một người đàn ông khuyết tật không tay, không chân, ngồi trên một chiếc xe lăn đặc biệt nhờ vào nghị lực sống mãnh liệt trở thành tác giả của 3 cuốn sách, thành lập tổ chức phi lợi nhuận, có một gia đình viên mãn và ai cũng ngưỡng mộ. Tôi rất ấn tượng với câu nói này của Nick Vuijic: "Nếu như bạn không thể có một điều kỳ diệu, hãy tự mình trở thành một điều kỳ diệu”. Vậy nên, mỗi khi gặp khó khăn trong công việc cũng như cuộc sống, câu nói này như một lời nhắc nhở tôi phải mạnh mẽ vượt qua.
Trong tương lai gần, dự định của tôi là hoàn thành thật tốt công việc thiết kế đồ hoạ tại trình duyệt Cốc cốc. Đây là một môi trường rất chuyên nghiệp, là nơi để tôi có cơ hội học hỏi thêm nhiều kiến thức mới và phát triển bản thân. Trong tương lai xa hơn, tôi mong muốn có thể dành dụm được một khoản tiền nhỏ đủ để mở 1 studio truyện tranh và hoạt hình, thoả mãn niềm đam mê vẽ của mình.
- Cảm ơn chia sẻ của bạn!
Hương Giang