Từng phải trải qua 23 lần phẫu thuật sau vụ tai nạn kinh hoàng, cô gái Nguyễn Anh Nhi đã thoát "cửa tử", vươn lên để trở thành sinh viên trường đại học Y Hà Nội một cách kỳ diệu.
Vụ tai nạn kinh hoàng
Theo Zing.vn, cách đây 8 năm, cô bé Nguyễn Anh Nhi (Cẩm Thủy, Thanh Hoá, khi ấy mới 11 tuổi) vừa tan trường thì bị chiếc xe tải tông trúng. Vụ việc khiến Nhi nằm bất động, bê bết máu. Mọi người kiểm tra thấy vẫn còn thở nên quyết định đưa cô bé đến bệnh viện huyện Ngọc Lặc cấp cứu.
Sau đó, Anh Nhi được chuyển tiếp ra BV Việt Đức trong tình trạng nguy kịch: Đụng dập và mất toàn bộ tổ chức thành bụng, đại tràng và ruột non tổn thương trên nhiều đoạn, mất rất nhiều máu trong ổ bụng.
Các bác sĩ đã thực hiện ca mổ xuyên đêm, kéo dài đến sáng hôm sau với hy vọng có thể níu giữ được sự sống mong manh cho cô bé. Sau phẫu thuật, Anh Nhi đã phải cắt toàn bộ đại tràng, toàn bộ buồng trứng, cắt một phần bàng quang và niệu quản.
Do bệnh nhi bị mất gần hết thành bụng, sau mổ, bác sĩ phải đặt miếng gạc lên bụng để che tạm các cơ quan nội tạng bên trong rồi tiếp tục chăm sóc.
Và điều kỳ diệu đã xảy ra, sau ca mổ cấp cứu, Anh Nhi dần dần tỉnh lại, mở mắt và nhận ra mọi người.
8 năm ròng, Anh Nhi coi bệnh viện Việt Đức và khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn như mái nhà thứ 2, thường xuyên thăm khám, điều trị.
Đến nay, Anh Nhi đã trải qua 23 ca phẫu thuật, trong đó có nhiều cuộc hội chẩn xuyên quốc gia với các chuyên gia từ Mỹ, Pháp, Đài Loan.
Cô gái nghị lực đã chiến đấu với bệnh tật suốt 8 năm với hàng chục ca mổ nhưng vẫn học hành chăm chỉ, đỗ ĐH Y Hà Nội |
Hành trình kỳ diệu
Báo Gia đình & Xã hội dẫn lời PGS.TS Nguyễn Đức Chính, người đã điều trị cho Anh Nhi khẳng định ca bệnh này không phải là ca cực kỳ nguy hiểm nhưng rất phức tạp, quá nhiều tổn thương phải can thiệp cùng lúc, trong khi bệnh nhi quá nhỏ. "Mất toàn bộ thành bụng, việc chăm sóc và sửa chữa là điều không tưởng"- Tiến sĩ Chính nói.
Bệnh nhi nghị lực, gia đình quyết tâm, các bác sĩ không có lý do gì để "bỏ cuộc". Mỗi khi có chuyên gia nước ngoài đến bệnh viện và khoa, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn lại tận dụng cơ hội để tham khảo ý kiến chuyên môn.
"Thời gian đầu điều trị cho bé Nhi, các bác sĩ Mỹ cho rằng khả năng cứu sống, phục hồi chức năng là quá khó khăn vì khi đó bệnh nhân còn quá nhỏ" - bác sĩ Chính nhớ lại.
Báo Người lao động dẫn lời bác sĩ Trần Tuấn Anh, một trong những người tham gia phẫu thuật và điều trị cho bệnh nhân, cho biết đây là một ca bệnh rất đặc biệt bởi bệnh nhi mất toàn bộ thành bụng. Do vậy, các chuyên gia cũng chỉ khuyên nên chờ đợi và xem có những tiến bộ y học. Vì thế, các bác sĩ đã dùng miếng lưới che phủ nội tạng và đã có hiệu quả. Qua nhiều quá trình chăm sóc tổ chức hạt mọc và tạo thành thành bụng mới như bây giờ. Tuy nhiên, thành bụng này không hề có cơ, cân… và những thành phần giữ như cấu tạo thành bụng bình thường.
Sau những ca phẫu thuật, khi sức khỏe của Nhi tạm ổn định, gia đình lại tiếp tục cho con theo học. Nhi vừa học vừa tiếp tục điều trị.
Những ngày nằm trên giường bệnh được các y bác sĩ chăm sóc, Nhi thầm mong mình sẽ đậu đại học Y Hà Nội để trở thành một nhân viên y tế.
Điều kỳ diệu là bệnh nhân sau đó đã phát triển, hòa nhập cuộc sống và học tập như các bạn cùng trang lứa và trở thành một sinh viên trường đại học Y Hà Nội.
Hiện tại, Nhi phải mang hậu môn nhân tạo và trước mắt còn nhiều vất vả, thử thách nhưng cô bé đã có thể tự tin đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa và mở tiếp cánh cửa trở thành nhân viên y tế, phục vụ cộng đồng.
Theo VnExpress, Anh Nhi trúng tuyển khoa Xét nghiệm, trường đại học Y Hà Nội, 23/8 là ngày đầu nhập học. Đứng trước cổng trường, cô gái trẻ hồi hộp tự nhủ bản thân phải nỗ lực hơn bởi chặng đường phía trước còn nhiều gian nan đang chờ.
"Cuối cùng, em cũng chờ được đến ngày mặc áo blouse. Sẽ hạnh phúc biết bao khi được nghe người bệnh gọi hai từ Bác sĩ", Nhi xúc động.
Cự Giải(T/h)