Nhờ sản xuất màn hình kính cho các “ông lớn” như iPhones, Samsung, bà Chu Quần Phi (Zhou Qunfei) nhanh chóng trở thành tỉ phú. Hiện công ty Lens Technology của bà có giá khoảng 11 tỉ USD.
Để đạt được thành công như ngày hôm này, bà Phi đã trải qua một hành trình dài đầy gian khó.
Theo thông tin TTXVN đăng tải, bà Phi sinh ra trong một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Hồ Nam. Khi 5 tuổi, bà mồ côi mẹ trong khi cha bị mất một phần thị lực và một ngón tay do tai nạn lao động. Do vậy, bà phải tự tay nuôi lợn và vịt để kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình.
Chân dung tỷ phú Chu Quần Phi . Ảnh: Internet. |
Đến năm 16 tuổi, bà Phi buộc phải bỏ học để lao động kiếm tiền chu cấp cho gia đình. Sau đó bà Phi được nhận vào làm công nhân tại một nhà máy sản xuất mặt kính đồng hồ với mức lương khoảng 1 USD/ngày.
Bà cho biết, đó là thời gian làm việc vất vả của mình: “Tôi lao động từ 8 giờ sáng đến 12 giờ đêm hoặc đôi khi là đến tận 2 giờ sáng hôm sau”. Cũng trong khoảng thời gian này bà Phi thường dự các lớp học buổi tối về những môn như kế toán và phòng cháy tại Đại học Thâm Quyến.
Đến năm 1993, ở độ tuổi 22 và có trong tay 3.000 USD, bà Phi cùng một vài người họ hàng đã mở một công ty sản xuất mặt kính đồng hồ. Dù phát triển chậm nhưng công việc kinh doanh của công ty khá ổn định.
Năm 2003, bà Phi nhận được cuộc gọi mang tính quyết định từ hãng Motorola (Mỹ). “Tôi nhận được cuộc gọi, họ nói rằng chỉ cần trả lời có hoặc không. Nếu câu trả lời là có thì họ sẽ giúp tôi dựng quy trình sản xuất. Tôi trả lời là có”, bà Phi hồi tưởng.
Sau thương vụ với đó, công ty của bà Phi nhận được hàng loạt đề nghị hợp tác từ những hãng sản xuất điện thoại khác. HTC, Nokia, Samsung và cuối cùng Apple vào năm 2007 cũng trở thành khách hàng của công ty và góp phần tạo nên đế chế tỷ đô hiện tại của bà, Trí thức trẻ cho biết.
Để điều hành công ty, bà Phi đã phải làm việc 18 giờ mỗi ngày và ở văn phòng tới 1/4 thời gian. Nhờ đó, công ty Lens Technology của bà đã phát triển cực kỳ nhanh chóng và hiện có trên 74.000 nhân viên tại 32 nhà máy ở 7 địa điểm khác nhau.
Trong một bài phỏng vấn với tờ Times, bà cho biết, tại quê hương của bà, thông thường các cô gái không được học quá cấp 2 rồi lấy chồng và gắn bó với ngôi làng nhỏ. Không chấp nhận con đường đó, bà Phi đã lao vào nghiệp kinh doanh và chưa bao giờ hối hận về điều đó.
(Tổng hợp)