Sau gần một năm bị truy nã, Trịnh Xuân Thanh đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú.
Phó chủ tịch tỉnh sử dụng xe cá nhân Lexus gắn biển xanh
Theo báo Vietnamnet, cách đây 1 năm, đầu tháng 6/2016, dư luận xôn xao về việc một vị Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, sử dụng xe cá nhân Lexus gắn biển xanh. Đó chính là Trịnh Xuân Thanh.
Khi ấy, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang giải thích do địa phương thiếu xe nên ông Thanh mượn chiếc xe hơn 5 tỷ này đưa vào Hậu Giang để tiện công tác. Phòng Cảnh sát giao thông (PC67) Công an Hậu Giang cấp biển số xanh 95A-0699 cho xe tư nhân nhằm phục vụ việc đi lại của ông Thanh.
Sau khi báo chí phản ánh, các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ và xác định Trịnh Xuân Thanh thời điểm đó không thuộc diện được xe biển xanh đưa đón. Lúc này, Tỉnh ủy Hậu Giang mới thừa nhận việc cấp biển xanh cho xe Lexus LX570 là sai.
Cùng với đó, báo chí cũng phản ánh tình trạng thua lỗ nặng của Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), nơi ông Thanh từng giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt từ năm 2007 đến năm 2013.
Ông Trịnh Xuân Thanh - Ảnh: Cổng thông tin Bộ Công an |
Tuy nhiên, ông Thanh vẫn được bổ nhiệm nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng và lên làm Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Đồng thời, ông Thanh cũng được giới thiệu ứng cử và và trúng cử ĐBQH khóa 14.
Ngày 9/6, Văn phòng Trung ương Đảng có công văn truyền đạt ý kiến của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giao 9 cơ quan kiểm tra, xem xét, kết luận những nội dung bài báo liên quan đến Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh.
Ngày 16/6/2016, tại phiên họp HĐND tỉnh Hậu Giang, Trịnh Xuân Thanh không xuất hiện trong danh sách giới thiệu đại biểu ứng cử chức danh Phó Chủ tịch tỉnh nhiệm kỳ mới. Trước đó, Trịnh Xuân Thanh đã viết đơn gửi Tỉnh ủy và HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 – 2021 xin không tái cử vào chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Ngày 11/7/2016, UB Kiểm tra TƯ ra thông báo kết luận: “Trong thời gian từ năm 2007-2013, Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐQT, Ban Tổng giám đốc Tổng công ty PVC đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế, để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ 3.298,27 tỷ đồng (giai đoạn 2011- 2013)”.
Ngày 15/7, Hội đồng Bầu cử quốc gia không công nhận tư cách ĐBQH của ông Trịnh Xuân Thanh.
Ngày 18/7, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giao Ban Thường vụ Đảng ủy Công an TƯ chỉ đạo các đơn vị điều tra việc để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013) ở PVC.
Tại kỳ họp lần thứ 6 từ ngày 6-8/9/2016, UB kiểm tra TƯ đã đề nghị Ban bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh ủy viên, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Lý do UB Kiểm tra TƯ đưa ra là: “Nhận thấy những khuyết điểm, vi phạm của ông Thanh rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước”.
Sau đó, Ban Bí thư biểu quyết bằng phiếu kín, với 100% phiếu đồng ý kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng với ông Trịnh Xuân Thanh.
Ngày 19/8/2016, Trịnh Xuân Thanh gửi đơn lần 2 xin nghỉ một tháng (3/8-2/9) để đi nước ngoài trị bệnh và không rõ tung tích từ đó.
Ngày 15/9/2016, Bộ Công an đã ra quyết định số khởi tố vụ án hình sự: Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVC và các đơn vị thành viên.
Cùng ngày Bộ Công an cũng ra quyết định khởi tố bị can với Trịnh Xuân Thanh. Sau khi xác định đối tượng đã bỏ trốn, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định truy nã quốc tế. Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Qúy Vương, lệnh truy nã đối với Trịnh Xuân Thanh là truy nã đỏ.
Quyết tâm truy bắt bị can Trịnh Xuân Thanh
Theo báo VnExpress, hơn một tháng truy tìm, trung tướng Phan Văn Vĩnh (Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) cho biết nhiều nước đã "đồng thuận rất cao, hứa chung tay với Việt Nam truy bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh".
Cùng thời điểm, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh cho biết Trịnh Xuân Thanh đã trốn ra nước ngoài, rồi sang châu Âu.
Nhiều tháng truy tìm vẫn chưa có kết quả, thiếu tướng Phạm Văn Các (Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) cho biết "chưa rõ ông Thanh bỏ trốn qua đường nào". Bộ Công an thể hiện quyết tâm làm quyết liệt bằng tất cả các biện pháp để truy bắt. “Chúng tôi tin rằng Trịnh Xuân Thanh không thể trốn thoát”, ông Các nói.
Ngày 17/4, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục yêu cầu các lực lượng điều tra mở rộng vụ án xảy ra tại PVC; tập trung truy bắt, dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về nước.
Gần một năm mất dấu, Bộ Công an thông báo ngày 31/7 nghi can trốn truy nã quốc tế này đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đầu thú. Thủ tục tiếp nhận được thực hiện đúng quy định.
Trước đó, liên quan đến vụ án này, giữa tháng 3/2017, sau quá trình xét xử vụ án lừa đảo tại dự án Thanh Hà - Cienco 5 Land, Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND Cấp cao tại Hà Nội đã công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Trịnh Xuân Thanh về tội “Tham ô tài sản”.
Tháng 5/2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký quyết định hủy bỏ Quyết định khen thưởng Huân chương Lao động hạng ba đối với Trịnh Xuân Thanh.
Cùng với việc hủy bỏ danh hiệu đối với cá nhân Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng quyết định hủy bỏ danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhì đối với PVC.
Tối 31/7, trao đổi trên báo Thanh Niên, một lãnh đạo của Bộ Công an cho biết việc ông Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú sẽ nhanh chóng tháo gỡ những “nút thắt” trong việc điều tra vụ án tại PVC, bởi khi xuất hiện bị can chính trong vụ án thì tang chứng, vật chứng sẽ nhanh chóng được làm rõ. Đáng chú ý, các vụ án liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh nay đã chuyển sang cho Cơ quan An ninh điều tra thụ lý.
Liên quan đến việc, Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú có được hưởng khoan hồng của pháp luật hay không?, báo Tri thức trực tuyến dẫn lời luật sư Đoàn Minh Thắng, Công ty Luật TNHH Châu Á, cho biết, Bộ luật hình sự năm 1999 chỉ quy định người phạm tội tự thú là tình tiết giảm nhẹ (điểm o khoản 1 Điều 46), còn trường hợp đầu thú không được đề cập. Luật sư nói cũng có nơi, thẩm phán cho rằng Công văn 81/2002/TANDTC không phải là văn bản pháp quy, không bắt buộc phải chấp hành nên vẫn đồng nhất đầu thú với tự thú để áp dụng khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự. Việc Trịnh Xuân Thanh biết không thể trốn tránh nên đến cơ quan có thẩm quyền trình diện thì bị can có có thể được áp dụng khoản 1 điều 46 Bộ luật hình sự để xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, phụ thuộc vào cách hiểu của thẩm phán theo Công văn 81/2002/TANDTC. Ngoài ra nếu Trịnh Xuân Thanh thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải hoặc có những việc làm khác thuộc trường hợp được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì cũng được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tương ứng quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự. |
(Tổng hợp)