Nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến chính là lòng tốt của tình anh em.
Sự việc bắt đầu vào năm 1983 ông Đặng Quang Vinh ở xã Nhuế Dương huyện Khoái Châu, Hưng Yên được bố ông là cụ Đặng Quang Lựu trong thời gian tuổi cao sức yếu đã họp gia đình lại và trao cho ông Vinh mảnh đất có diện tích hiện tại là 133m2 mà trước đây cụ Lựu đã được chính người chú ruột sống đơn thân của mình cho cụ.
Cuộc họp gia đình lúc đó mặc dù không được lập thành văn bản nhưng có sự chứng kiến của các bậc cao niên trong dòng họ cùng hai anh trai của ông là ông Đặng Quang Lưu và ông Đặng Quang Quang. Hầu hết các nhân chứng vẫn sống và họ đều xác nhận sự việc trên là đúng ngoại trừ ông Lưu bởi lẽ ông Lưu là người đã có được sự giúp đỡ nhiệt tình của các cấp chính quyền và hô biến mảnh đất có diện tích 133m2 đó thành của vợ chồng ông và đem bán lúc nào cũng chẳng ai hay.
Nói là ông Lưu được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương hay do sự quan liêu vốn dĩ vẫn thế thì cũng phải nói rằng trước tiên ông đã được chính em trai của mình là ông Vinh giúp đỡ cái đã. Nghe có vẻ lạ đời, nhưng có gì đâu họ là anh em ruột già mà.
Lợi dụng lòng tốt của em rồi âm mưu chiếm đoạt tài sản
Thực tế là trong lúc ông Vinh chưa biết làm gì với mảnh đất ngoài việc cho mẹ già trồng rau thì ông Lưu có nhã ý mượn đất để ông làm cái quán. Thôi thì anh em trong nhà chứ ai đâu mà thiệt, mình chưa có nhu cầu sử dụng thì cứ để anh làm, cho gia đình anh thêm chút thu nhập cũng tốt, nghĩ vậy nên vợ chồng ông Vinh bà Thành chẳng cần do dự mà đồng ý liền, vì là anh em nên cũng chẳng viết giấy.
Thời gian trôi đi, có thể nói là đã đến độ chín muồi và ngày lành tháng tốt cũng đã được trọn, ông Lưu liền dỡ cái mái nhà của mẹ cả ở trong làng mang ra đặt lên mái quán của mình rồi đón bà qua ở. Các ông gọi bà là mẹ cả bởi bố ông hai vợ cụ Chỉnh là vợ cả còn anh em nhà ông là con mẹ hai.
Thấy sự việc có lẽ đã đi quá giới hạn của tình anh em lúc này vợ chồng ông Vinh mới yêu cầu ông Lưu dỡ quán và trả lại đất.
Tất nhiên mọi việc thì ông Lưu cũng đã lường trước cả rồi. “Đây là đất của mẹ và bà đã cho tôi rồi” - ông Lưu lên tiếng. Có lẽ đây là điều ông Vinh không bao giờ nghĩ tới khi cho ông Lưu mượn đất để rồi thay cho lời cảm ơn thì ông nhận được câu trả lời theo kiểu xin đừng có làm phiền.
Bản án cho cả gia đình phải chăng là việc đã được tiên định
Không thể nói chuyện với người anh trai, vợ chồng ông đã nhờ đến sự can thiệp của chính quyền địa phương xã Nhuế Dương. Tuy nhiên tại đây sự việc đã không được giải quyết một cách triệt để khi Tháng 10 năm 2004 UBND xã Nhuế Dương xác nhận ông Vinh được thừa kế mảnh đất cùng hộ cụ Chỉnh, nhưng đến tháng 5 năm 2005 thì lại ra quyết định xác nhận đất là của bà Hiệp con gái cụ Chỉnh chứ không phải của ông Vinh.
Luật sư Nguyễn Tiến Nghĩa |
Chính sự giải quyết không nhất quán, thiếu minh bạch của UB xã Nhuế Dương làm ông mất lòng tin, mâu thuẫn vì thế ngày càng gay gắt và đỉnh điểm là sự thiếu kiềm chế của gia đình ông trước lời thách thức của bà Sánh vợ ông Lưu rằng; “nếu gia đình ông Vinh mà phá được quán nhà bà thì bà cho thêm mấy chục triệu nữa”.
Phải chăng đây là cái bẫy đã được giăng sẵn. Bà chị dâu của ông đã cố tình kích động đến lòng tự trọng của người đàn ông, kích động tính hiếu chiến của những đứa trẻ tuổi đôi mươi. Còn bố con ông Vinh thì đâu biết rằng họ đã bị xử phạt hành chính về hành vi dỡ quán của bà và chỉ cần thêm một lần nữa thôi là sự việc sẽ được chuyển sang hình sự.
Đúng như một sự tiên định, ngay sau cái đêm bà thách thức bố con ông thì sáng ngày 22 tháng 3 năm 2005 cái quán xây tạm bợ của bà nhanh chóng được gia đình ông Vinh san phẳng. Tất nhiên bà chẳng có gì phải tiếc cả và bà cũng chẳng phải mất cho ông em chồng mấy chục triệu về cái công dỡ quán cho bà. Còn giờ sẽ là lúc bà ngồi rung đùi xem chương trình Tòa tuyên án mà là án thật chứ không phải diễn như VTV6 đang trình chiếu đâu.
Sự việc nhanh chóng được công an huyện Khoái Châu vào cuộc, sau khi khởi tố vụ án đã khởi tố luôn các bị can gồm hai vợ chồng ông cùng hai cậu con trai lớn.
Đến tháng 12 năm 2005 phiên tòa hình sự sơ thẩm đã được Tòa án nhân dân huyện Khoái Châu đưa ra xét xử về hành vi hủy hoại tài sản theo Điều 143 BLHS 1999 với các bị can là gia đình ông Vinh.
Tại bản án số 49/2005/HSST ông Vinh đã bị xử phạt 30 tháng tù giam, Văn con trai lớn của ông là 27 tháng tù giam, vợ ông bà Thành và Quỳnh con trai thứ của ông bị 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Tổng thiệt hại các bị cáo phải bồi thường là 9.972.000 đồng.
Không tâm phục về bản án mà cấp sơ thẩm phán quyết gia đình ông đã kháng cáo lên cấp phúc thẩm. Đến tháng 3 năm 2006 Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Tại bản án số 35/2006/HSPT chấp nhận một phần kháng cáo của ông Vinh và Văn, theo đó ông Vinh được giảm từ 30 tháng xuống còn 27 tháng tù giam, Văn từ 27 tháng giảm xuống còn 25 tháng tù giam.
Vụ án đã khép lại hơn 10 năm, những người phải chịu hình phạt cũng đã thi hành xong bản án. Tuy nhiên nhìn lại vụ án có thể khẳng định rằng hai cấp xét xử ở Hưng Yên đã cho ra đời một bản án hoàn toàn không khách quan, thiếu tính giáo dục. Điều đó thể hiện ở việc;
Cơ quan điều tra đưa ra kết luận về nguồn gốc mảnh đất đang tranh chấp hết sức phiến diện và vội vàng khi khẳng định rằng mảnh đất đang tranh chấp kia là của bà Hiệp, là con gái cụ Chỉnh. Phải chăng việc kết luận mảnh đất đang tranh chấp kia thuộc về người khác thì sẽ phù hợp hơn đối với hành vi hủy hoại tài sản mà điều luật quy định, chứ điều luật không kết tội một người hủy hoại tài sản người khác đã xây dựng trái phép trên đất nhà mình.
Đồng ý rằng hành vi hủy hoại tài sản của gia đình ông Vinh cũng rất đáng trách tuy nhiên cũng cần xét đến nguyên nhân sâu xa của nó đó là số phận mảnh đất đang tranh chấp chưa rõ ràng, việc giải quyết ở cấp cơ sở thiếu thuyết phục dẫn đến tình trạng bức xúc của người dân và với một gia đình thuần nông chất phác thì có cần không một bản án có phần hà khắc đến như vậy. Điều đó chắc chắn sẽ không làm người có tội tâm phục và tất nhiên như thế sẽ không thể có tính giáo dục cao mà ngược lại nó sẽ đào sâu thêm mối quan hệ hận thù của anh em, gia đình dòng tộc.
Chuyển từ đấu tranh vũ trang sang đấu tranh pháp lý
Thấm thía về bài học từ sự thiếu kiềm chế, chua xót khi phải chịu hình phạt quá nặng từ một bản án thiếu khách quan. Tuy nhiên ông cũng không cần phải quan tâm đến nó nữa bởi phía trước cuộc chiến về mảnh đất vốn dĩ thuộc về ông vẫn đang chờ ông trở về để phân định rõ ràng danh phận cho nó.
Sau ngày mãn hạn tù ông và con trai trở về xum họp cùng gia đình. Sau khi ổn định cuộc sống ông bắt đầu hành trình công lý để đòi lại mảnh đất.
Lúc này vợ chồng ông bắt tay vào việc thu thập lại chứng cứ; nào là giấy tờ về việc gia đình ông đóng thuế đất, nào là những nhân chứng trong họ tộc, bà con hàng xóm xác nhận cho ông là người duy nhất được hưởng mảnh đất đó.
Cần mẫn với tốc độ làm việc của một người nông dân được ông áp dụng vào để cho ra đời một sản phẩm gọi là những chứng cứ chứng minh rằng ông mới là chủ nhân của mảnh đất. Tiếc thay mọi việc chưa được hoàn thành thì ông lại thấy một kẻ lạ mặt khác đến xây dựng trên đất nhà mình.
Lúc này ông hỏa tốc chạy lên xã, ra cả huyện. Và tại đây ông mới tá hỏa ra là mảnh đất đó đã được vợ chồng nhà Lưu Sách sang nhượng cho bà Tào Thị Thêu và ông Lê Văn Lượng từ tháng 10 năm 2010.
Toát mồ hôi, chóng mặt với tốc độ “chạy dự án” của nhà Lưu và công tác làm việc khẩn trương của UB xã Nhuế Dương, ông bà trở về trong rối bời bế tắc.
Hoàn toàn không còn niềm tin vào chính quyền các cấp cơ sở nữa ông gửi đơn thư lên trung ương. Lần thứ nhất gửi đi, thay cho việc trả lời Trung ương đã gửi đơn thư của ông về huyện Khoái Châu để giải quyết. Làm việc với UB huyện Khoái Châu không làm xoay chuyển được tình hình. Ông tiếp tục gửi đơn lên Trung ương lần thứ hai, và lần này cũng vậy, Trung ương lại gửi đơn thư của ông bà về địa phương, nhưng giờ là UBND tỉnh Hưng Yên. Thế rồi từ đây UB tỉnh Hưng Yên lại chuyển đơn thư của ông về huyện Khoái Châu. Vậy là sau chừng hai năm, vòng đời đơn thư của ông lại được trả về chốn cũ.
Làm việc với UBND huyện Khoái Châu ông cũng đã rõ mảnh đất mà cha ông để lại đã được UBND huyện Khoái Châu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Lượng bà Thêu thông qua việc chuyển nhượng từ chính anh trai ông là ông Đặng Quang Lưu, còn ông Lưu thì có được đất là do mẹ cả ông tặng cho. Chỉ có điều ông không thể hiểu tại sao họ lại có thể làm được việc đó dễ dàng vậy!!!
Có hay không sự lạm quyền của ông Chánh thanh tra huyện
Mệt mỏi chốn cửa quan, rối bời trong đống văn bản pháp luật, vợ chồng ông tìm đến Luật sư hòng khai thông bế tắc và làm rõ trắng đen sự việc. Và VPLS Huỳnh Nam, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội là nơi được ông bà chọn mặt gửi vàng.
Bắt tay ngay vào việc, từ đây những khuất tất của vụ án đã được LS Huỳnh Phương Nam – Trưởng VPLS Huỳnh Nam làm rõ;
Trải qua bốn phiên tòa, với một lần hủy án còn lại các cấp xét xử ở Hưng Yên đều cho rằng nguồn gốc mảnh đất đang tranh chấp là của bà Đặng Thị Hiệp con gái duy nhất của cụ Vũ Thị Chỉnh với bố ông Vinh là cụ Lựu. Bà Hiệp được cấp vào khoảng năm 1962, 1963. Bà Hiệp không có chồng con và mất vào năm 1999 như vậy khi đó cụ Chỉnh là người thừa kế duy nhất và có quyền kê khai sử dụng mảnh đất. Tuy nhiên hồ sơ có trong vụ án lại không đủ căn cứ chứng minh quyết định của Tòa là đúng, vì;
Trên cơ sở đơn xin xác nhận của ông Vinh đã được ông Vương Hà Tập Chủ tịch UBND xã Nhuế Dương xác nhận: “Nay gia đình & dòng họ Đặng Quang thống nhất thiết lập vào văn bản, đã được dòng họ Đặng Quang và chữ ký xác nhận của các thành viên dòng họ, cùng nhà trưởng thôn cũ mới (Quang Trung) xác nhận là đúng. Anh Vinh thừa kế phần đất cùng hộ cụ Chỉnh. Anh Vinh phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm và quyền lợi theo luật thừa kế.”
Quá trình Tòa đi xác minh thì cán bộ địa chính xã Nhuế Dương lại cho rằng đất này do tập thể chia cho bà Hiệp là người tàn tật thuộc đối tượng 202 và cụ Chỉnh là người thừa kế duy nhất của bà Hiệp. Và đây cũng chỉ là xác nhận của các ông nguyên là cán bộ xã Nhuế Dương mà thôi. Song một điều không bình thường ở đây là các ông xác nhận bà Hiệp được chia đất vào năm 1962 và thời điểm đó bà Hiệp mới có 13 tuổi và còn cha còn mẹ. Phải chăng thời kỳ đó có chính sách chia đất cho trẻ chưa thành niên đang ở cùng cha mẹ.
Trong khi đó tất cả những người trong dòng họ nhà ông Vinh, đặc biệt là những người có mặt vào hôm bố ông di chúc miệng đều xác nhận đất đó là của cụ Hai Ấu, do cụ không có con nên cho cháu trai là Đặng Quang Lựu thừa hưởng và thờ tự. Cụ Lựu lại cho con trai là Đặng Quang Vinh. Biên bản họp gia đình đã được các thành viên xác nhận tất nhiên là trừ ông Lưu. Được Chủ tịch UBND xã xác nhận như trên nhưng đã không được Tòa án thừa nhận mà lại căn cứ vào sự xác nhận thiếu tính thuyết phục của các ông nguyên là cán bộ địa chính xã.
Chỉ chừng đó thôi là không đủ cơ sở pháp lý để khẳng định đất đó là của bà Hiệp thì đương nhiên việc chuyển dịch tài sản từ bà Hiệp là người để lại thừa kế cho cụ Vũ Thị Chỉnh người được hưởng thừa kế là không hợp pháp.
Theo Luật sư Huỳnh Phương Nam, giả sử đất đó có thực sự là của bà Hiệp đi nữa thì hàng loạt sai phạm về khai nhận di sản thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật thừa kế, Luật đất đai. Cụ thể đó là việc hồ sơ vụ án không có giấy chứng tử của bà Hiệp; Không có văn bản thể hiện cụ Chỉnh đã khai nhận thừa kế của bà Hiệp, và tất nhiên là không có niêm yết công khai theo quy định; Quá trình tặng cho, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cũng là trái pháp luật. Theo quy định tại Điều 106 Luật đất đai 2003 thì điều kiện để người sử dụng đất có quyền tặng cho, chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải là; a) có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, b) Đất không có tranh chấp. Hướng dẫn thực hiện một số Điều của Luật Đất đai 2003, khoản 1 Điều 66 Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định thời hạn thống nhất thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất bằng giấy chứng nhận : kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2008 người sử dụng đất phải có giấy chứng nhận mới được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Quy định là vậy nhưng toàn bộ thủ tục này đã không được các bên cho nhận, mua bán cùng UBND xã Nhuế Dương, Văn phòng đăng ký đất đai Khoái Châu tuân thủ đúng theo quy định, không cần cấp giấy chứng nhận vẫn được tự do chuyển nhượng.
Và cũng theo Ls Nam Hợp đồng chuyển nhượng của ông Đặng Quang Lưu cho bà Tào Thị Thêu còn nhiều vi phạm nghiêm trọng khác như việc không ghi giá chuyển nhượng trong hợp đồng, hợp đồng chuyển nhượng chỉ có tên ông Lưu mà không có tên bà Sách vợ ông, trong khi đây là tài sản chung, bên nhận chuyển nhượng chỉ có mình bà Thêu nhưng khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì có thêm cả tên ông Lê Văn Lượng. Một điều đáng lưu ý là ông Lượng lúc đó đang là Chánh thanh tra huyện Khoái Châu.
Từ đây đặt ra hàng loạt câu hỏi ??? vậy có hay không sự ảnh hưởng quyền lực của ông Lượng, sự bao che của các cấp chính quyền, và cả sự bóp méo công lý của những người cầm cân nẩy mực.
Nói như vậy bởi trong vụ án này không chỉ các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn sai phạm về nội dung mà còn hàng loạt sai phạm trong tố tụng như việc sau khi Bản án cấp phúc thẩm số 17/2015/DS-PT ngày 27/4/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên tuyên hủy án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Khoái Châu để giải quyết lại thì ngày 25/6/2015 ông Lê Văn Lượng mới có đơn khởi kiện độc lập. Tuy nhiên đơn khởi kiện này thực hiện không đúng theo hướng dẫn tại Điều 5 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao về hình thức; Đơn khởi kiện không có bất cứ tài liệu chứng cứ nào kèm theo, trên đơn khởi kiện không có bút tích nào của Tòa án theo quy định; Hơn thế, việc thụ lý của Tòa án về tranh chấp đất đai khi chưa có biên bản hòa giải tại cấp cơ sở theo quy định là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Mặc dù đơn khởi kiện độc lập của ông Lượng đề ngày 25/6/2015 nhưng Tòa án nhân dân huyện Khoái Châu đã ra thông báo thụ lý số 15/TB-TLVA xác định ông Lượng là đồng nguyên đơn với bà Thêu nhưng lại đề ngày 01/6/2015. Phải chăng Tòa án Khoái Châu làm việc theo lệnh ông Lượng kiểu tiền trảm hậu tấu.
Không chỉ dừng lại ở đó, theo Luật sư Huỳnh Nam sau khi Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên hủy án sơ thẩm để giải quyết lại nhưng cấp sơ thẩm lần hai vẫn không cung cấp được bản công chứng, chứng thực Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa cụ Chỉnh với vợ chồng ông Lưu bà Sách; Hợp đồng chuyển nhượng QSD đất giữa ông Lưu với bà Thêu là bản do chi nhánh VPĐKĐĐ chỉ có dấu treo, còn nội dung thì được thêm tên ông Lượng vào trong hợp đồng.
Sai phạm cả về nội dung, sai phạm cả về tố tụng là vậy nhưng tại phiên tòa phúc thẩm lần hai Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên cho rằng đây là quan hệ tranh chấp đòi quyền sử dụng đất vì vậy những vấn đề liên quan đến việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất Tòa không xem xét. Điều đó được hiểu rằng mặc dù có vi phạm hay không liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Tòa không cần xét tới khi không có tranh chấp về vấn đề chuyển nhượng.
Trong trường hợp này Ls Huỳnh Nam cho rằng khi Tòa xem xét đến tranh chấp quyền sử dụng đất nếu phát hiện thấy sai phạm trong việc cấp giấy chứng nhận sử dụng đất thì đúng ra Tòa phải hủy bỏ giấy chứng nhận đã cấp trái pháp luật và chuyển hồ sơ lại cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo quy định tại Điều 277 Bộ luật tố tụng dân sự.
Nhưng không, vụ án phúc thẩm đã có hiệu lực ngay theo cách mà từ những người am tường pháp luật đến những người nông dân như vợ chồng ông bà Thành Vinh cũng không nuốt trôi được.
Chính ví thế vụ án đến nay đã được chuyển lên xem xét ở cấp giám đốc thẩm tại Tòa án nhân dân Tối cao với niềm hy vọng cuối cùng của ông Thành bà Vinh cũng như những người thượng tôn pháp luật vào một quyết định thực sự công bằng, khách quan.
Luật sư Nguyễn Tiến Nghĩa, Công Ty Luật Hợp Danh Niềm Tin Việt, Đoàn Luật sư TP Hà Nội