“Có công mài sắt...”
Đánh bại đương kim vô địch người Nhật Bản Etsuko Tada và đoạt chiếc đai WBO thế giới hạng Minimum tại nhà thi đấu Ansan (Hàn Quốc) vào chiều 23/10, Nguyễn Thị Thu Nhi (SN 1996) đã trở thành nữ võ sĩ đầu tiên làm nên lịch sử cho boxing Việt Nam. Trước đó, cô cũng từng tạo nên kỳ tích cho boxing Việt Nam, khi giành đai WBO châu Á - Thái Bình Dương, vào tháng 2/2020.
Boxing đến với Thu Nhi cũng giống như một cơ duyên... “Suốt nhiều năm, tôi cặm cụi kiếm sống, góp nhặt từng đồng, từ đi bán vé số, đến phụ việc ở quán ăn. Giai đoạn đầu, tôi vừa đi học, vừa đi làm, vừa đi tập, kín mít lịch, đây cũng là đoạn đường khó khăn nhất. Về sau, khi đã quen với “guồng quay” chóng mặt này, nên tôi không còn cảm nhận được khó khăn hay mệt nữa...
Hồi đầu, tôi tham gia tập võ cổ truyền, sau đó, chuyển sang tập boxing, có lẽ xuất phát từ việc muốn thỏa mãn sự tò mò của bản thân. Thời điểm ấy, do chưa được vào đội tuyển nên chưa có thu nhập, cường độ tập 2-3 buổi/ngày khiến tôi không có thời gian để làm việc khác. Quá nhiều mối lo nghĩ ‘bủa vây’, nên tôi từng có ý nghĩ bỏ cuộc để kiếm sống...”, cô gái 9X bộc bạch.
May mắn, cơ hội cũng đã mở ra với Thu Nhi! “Sau khi tôi nhận lời “ông bầu” người Hàn Quốc Kim Sang Bum của CLB boxing Cocky Buffalo tham gia đấu một trận biểu diễn. Với những chiến thắng đầu tiên trên sàn đấu, tôi bắt đầu cảm nhận có một ngọn lửa đam mê trỗi dậy. Đó cũng là dấu mốc mở ra con đường chuyên nghiệp cho tôi, khi được “ông bầu” mời đến CLB tập luyện... Giai đoạn sau đó, thậm chí, nếu ngày nào không tập luyện, tôi còn cảm thấy “ngứa ngáy tay chân”.
Cứ như vậy, mỗi khi cảm thấy stress, tôi lại lựa chọn boxing để “xả hơi”. Hiện tại, công việc này cũng mang lại thu nhập, tôi thấy càng tuyệt hơn về điều đó, bởi đơn giản, phải có tiền mới nuôi được đam mê. Đến thời điểm này, tôi vẫn có thể tự hào nói, boxing chính là sự lựa chọn đúng đắn nhất đối với mình!”, Thu Nhi không ngần ngại trải lòng.
Được đầu tư bài bản, cô gái gốc An Giang dần cải thiện đáng kể các kỹ năng chiến đấu qua từng ngày. Tất cả sự khổ luyện ấy đã chuẩn bị hành trang cho những trận đấu của nữ võ sĩ trẻ, bên trong một vóc dáng có phần hơi nhỏ nhắn, lại là sự lỳ đòn với ý chí thi đấu ngoan cường, máu lửa...
Để vươn đến “ngôi vương” thế giới, “tay đấm” Nguyễn Thị Thu Nhi cũng đã trải qua hành trình khổ luyện thực sự khắc nghiệt. Đó là một quá trình phấn đấu, nỗ lực, đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu trong lúc khổ luyện và thi đấu.
Trước trận tranh đai quyết định, cô đã thắng cả 4 trận chuyên nghiệp của mình, trong đó có một trận thắng bằng knock-out.
Cô tâm sự: “Thực sự, sau mỗi trận đấu, tôi đều cảm thấy mình như đang thiếu tất cả. Thiếu từ thể lực, kinh nghiệm, đến tốc độ... Cho dù, có thể có người sẽ đánh giá tôi thiếu cái này, tốt cái kia, nhưng với cảm nhận riêng của bản thân, tôi chưa thấy tốt bất cứ điều gì, nên luôn tự nhủ, phải trau dồi và củng cố thêm rất nhiều... Xác định mình còn đi theo con đường này dài lâu, nên tôi vẫn muốn dành thật nhiều thời gian để tập luyện”.
Có lẽ vì thế, ngay trước thềm trận so găng kịch tính cùng nhà vô địch WBO người Nhật Bản, Thu Nhi đã cùng các đồng đội sang Uzbekistan (một quốc gia rất phát triển về boxing) để tập luyện.
Trong đợt tập huấn khắt khe này, do ban đầu không ăn uống được, “tay đấm” gốc An Giang đã sút mất 4kg trong 3 ngày và bị tụt đường huyết. Rất nhanh, cô đã kịp xốc lại tinh thần, vì mục tiêu phía trước.
Trong trận đấu quyết định, dù bị những đòn tấn công rất mạnh của Etsuko Tada làm chảy máu ở mí mắt, Thu Nhi vẫn kiên cường đáp trả và chiếm ưu thế với những cú ra đòn chính xác, uy lực. Kết thúc 10 hiệp đấu, chiến thắng đã thuộc về Thu Nhi với điểm số 96 - 94. Cái tên Nguyễn Thị Thu Nhi đã viết nên lịch sử khi trở thành “tay đấm” đầu tiên của boxing Việt Nam vô địch thế giới.
“Ngoại là cả tuổi thơ của tôi”
Hạnh phúc vì đã mang về vinh quang cho đất nước, song, đằng sau nụ cười của nữ võ sĩ, vẫn còn những nỗi niềm đan xen. Nhìn cô gái với vẻ ngoài cá tính mạnh mẽ và ý chí vượt qua chính mình lúc thượng đài, có lẽ, ít ai biết được, Thu Nhi từng có một tuổi thơ cơ cực, với một hạnh phúc chưa vẹn tròn.
Cô gái trẻ nhớ lại: “Từ hồi lên 3 tuổi, ba mẹ đã không ở chung nữa, tôi từ quê An Giang lên Sài Gòn sống với bà ngoại... Ngoại giống như là cả tuổi thơ của tôi vậy!
Những lúc vui hay buồn, tôi đều nhớ đến ngoại rất nhiều... Còn nhớ, hồi tôi mới làm quen với box- ing, ngoại đã phải nghe khá nhiều điều xì xầm không lọt tai về tôi. Những chiếc “camera chạy bằng cơm” xung quanh xóm đã nói thẳng với ngoại những lời lẽ mang đầy định kiến, rằng tại sao lại để cháu gái theo nghiệp đấm đá, tại sao để con gái con đứa mà cắt tóc ngắn rồi xăm mình này kia...”.
Năm 2014, khi đang tập huấn bên Thái Lan, tôi nhận được tin ngoại ở nhà đang hấp hối. Ngoại vẫn ráng chờ tôi đáp chuyến bay về gặp ngoại lần cuối, rồi mới yên tâm nhắm mắt... Hôm ấy, tôi đã khóc rất nhiều. Trước đó, cho dù có gặp bất cứ chuyện gì, từ thất bại đến chia tay người thương, cũng không thể làm cho tôi khóc nhiều đến vậy...
Sau khi ngoại mất, tôi cũng không còn thường xuyên trở về nhà. Dường như, vì người mình yêu thương nhất đã không còn, nên tôi cũng chẳng muốn về, có thể đó là một cảm giác muốn né tránh nơi ngập tràn kỷ niệm với ngoại chăng? Và mỗi khi khép lại một trận đấu, người tôi muốn “khoe” nhất vẫn chính là ngoại, tôi muốn để ngoại thấy cháu gái đã trưởng thành và có sự lựa chọn đúng đắn. Chỉ tiếc, bây giờ, ngoại đã không còn...”, Thu Nhi nghẹn ngào kể lại.
Tuệ Linh
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số đặc biệt (1+2+3)