Tình yêu giữa nhà tình báo Bạch Ngọc Phách với nữ điệp viên Hoàng Thị Cát là câu chuyện tình đẹp nhất mà tôi biết.
Họ đã chứng minh rằng, tình yêu Tổ quốc đã kết nối, đưa đường, dẫn lối cho mỗi cá nhân đến với những mối tình cao cả….
Giã biệt tình đầu để hoạt động
Cuối năm 1954, đang là Phó ban tổ chức Tỉnh ủy Bắc Giang, người đảng viên trẻ tuổi Bạch Ngọc Phách được tổ chức bí mật bồi dưỡng nghiệp vụ rồi hòa vào dòng người di cư từ Bắc vào Nam, tổ chức một lưới tình báo giữa sào huyệt chính quyền Ngô Đình Diệm. Ngay từ lúc đó, Trung ương đã sớm nhận ra dã tâm của Mỹ-Diệm sẽ tìm mọi cách phá Hiệp định Giơ-ne-vơ, âm mưu chia cắt lâu dài hai miền Nam-Bắc, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ.
Với một người trẻ tuổi, nhiệt huyết yêu nước tràn đầy như Bạch Ngọc Phách, nhiệm vụ trên không có gì trở ngại. Khó khăn nhất với anh là phải nói dối mẹ già: "Con được tổ chức cho đi học ở nước ngoài, thời gian học sẽ rất dài". Một khó khăn khác: Anh phải nén lòng chia tay cô bạn gái xinh đẹp, dịu hiền có tên là Thu. Đây quả thực là một thử thách lớn, nỗi nhớ người yêu thường trực, dày vò…
Nguyễn Ninh (tên mới của Bạch Ngọc Phách khi vào Nam hoạt động) quyết định lấy bí danh là Ba Thu để khỏa lấp nỗi nhớ. Dưới vỏ bọc là một giáo viên dạy tiếng Pháp, mạng lưới tình báo do Nguyễn Ninh thiết lập hoạt động trên một khu vực rộng lớn từ Sài Gòn vào tận Cà Mau.
Năm 1955, đường dây của Nguyễn Ninh được tổ chức tăng cường thêm một nữ điệp viên - Hoàng Thị Cát, vợ liệt sĩ, đã có 3 con nhỏ. Chị Cát đang hoạt động ở Quảng Ngãi nhưng bị một viên sĩ quan ngụy quấy rối, thấy chị khai chồng đã mất nên hắn suốt ngày tán tỉnh đòi… cưới. Về Sài Gòn, nhập vào lưới tình báo của Nguyễn Ninh, chị Cát tạo vỏ bọc là một người chạy chợ, bán hàng rong…
Nhà tình báo Bạch Ngọc Phách thời kỳ hoạt động tại Sài Gòn. |
Công tác cùng nhau được vài năm thì lưới của Nguyễn Ninh gặp sự cố. Một người trong đường dây bị bắt, không chịu nổi các ngón đòn tra tấn của quân thù đã khai ra nhiều người. Cả anh và chị đều bị bắt, dù chứng cứ đều không rõ ràng.
Nguyễn Ninh bị chuyển về ngục Chín Hầm, bị tra tấn với đủ ngón tàn bạo nhất. Ba lần địch chuyển anh khỏi Chín Hầm để chuyển hướng khai thác, hết đánh đập tàn bạo sang dỗ ngon dỗ ngọt vẫn không moi được thông tin gì từ Nguyễn Ninh. Sau sự kiện Ngô Đình Diệm bị bắn chết, nhân lúc chính quyền ngụy hỗn loạn, tổ chức đã tìm cách đưa Nguyễn Ninh ra khỏi ngục tù, tiếp tục về Sài Gòn thiết lập mạng lưới tình báo mới. Chị Cát cũng đã ra tù từ trước đó. Anh chị lại móc nối với nhau, tiếp tục hoạt động.
Cuối năm 1967, chuẩn bị cho Tổng tiến công Mậu Thân 1968, mạng lưới tình báo do Nguyễn Ninh phụ trách nhận lệnh làm công tác chuẩn bị. Ngoài hoạt động khai thác tin tức, lưới của anh còn được giao thiết lập một nơi có thể làm kho vũ khí và sở chỉ huy bí mật trên phố Kỳ Đồng của Sài Gòn. Anh đã thuê được một căn nhà rộng rãi trên phố này để chuẩn bị. Nhưng một ông giáo trẻ độc thân, thuê một căn nhà rộng rãi mặt phố thì không hợp lý. Tổ chức gợi ý: "Anh và chị về sống chung nhà, giả làm đôi vợ chồng để che mắt địch". Anh bàn với chị: "Tôi và đồng chí đều đã bị bắt, địch đều cho vào diện theo dõi đặc biệt từ lâu. Nay giả làm vợ chồng thì khó qua được mắt địch, phải giả như thật, tổ chức lễ cưới hỏi thật rình rang, mời cả một số sĩ quan ngụy mà ta quen biết".
"Lễ cưới" của anh chị được tổ chức hoành tráng, công khai. Nhiều viên sĩ quan ngụy có mặt để chúc phúc cho đôi uyên ương, chúng không thể ngờ, căn nhà mà "đôi vợ chồng" này thuê làm tổ ấm, lại là kho chứa vũ khí và sở chỉ huy của Quân giải phóng trong dịp Tết Mậu Thân 1968.
Vỏ bọc "tình yêu"
Khi tổ chức "lễ cưới", Nguyễn Ninh đã 39 tuổi còn chị Hoàng Thị Cát thì hơn anh tới 4 tuổi. Sau 14 năm vào Nam hoạt động biền biệt, Nguyễn Ninh biết Thu-người yêu của anh ở miền Bắc đã đi lấy chồng vì chờ mãi không thấy tăm tích của anh. Đêm "tân hôn" như đánh thức cảm xúc yêu đương thời trai trẻ trong Nguyễn Ninh. Anh bỗng nhớ ra mình đã đi một chặng đường rất dài, thầm lặng hy sinh tuổi xuân vì nhiệm vụ giải phóng quê hương.
Những cảm xúc buồn vui xen lẫn dẫn Nguyễn Ninh vào giấc ngủ chập chờn. Nửa đêm tỉnh dậy, anh giật mình khi không thấy "vợ" đâu. Đi ra gian ngoài mới phát hiện chị rải chiếu ra sàn nhà, ngủ ngon lành. Cẩn thận đi kiểm tra một vòng quanh nhà, anh đánh thức chị dậy, bắt vào "buồng hạnh phúc" ngủ vì ngoài khe cửa vẫn có không ít ánh mắt cú vọ của bọn mật vụ an ninh ngụy theo dõi…
Vợ chồng cụ Bạch Ngọc Phách - Hoàng Thị Cát. |
Những đêm đầu, anh ngồi ngắm chị ngủ, trong lòng dậy lên một tình cảm kỳ lạ. Chị là người phụ nữ xinh đẹp, dịu hiền, nết na đồng thời cũng là một cán bộ quả cảm, kiên trung, gan góc. Hơn chục năm hoạt động cùng anh trong lưới điệp báo, chị luôn giữ gìn đức hạnh của người vợ liệt sĩ, người mẹ của ba đứa con.
Từ lâu, anh thầm cảm mến chị, một tình cảm thương yêu sâu lắng rất khó gọi tên. Bây giờ đã là "vợ chồng", ngày ngày được chị chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ, tình cảm của anh dành chị càng thêm nồng nàn. Anh chính thức ngỏ lời với chị: "Tổ chức đã giới thiệu, lễ cưới cũng đã tiến hành, nhiệm vụ sắp tới càng ngày càng nặng, chúng mình không cần phải "giả" nữa mà nên thành vợ, thành chồng thực sự". Chị nghe anh tỏ tình, giấu đi ánh mắt ngập tràn thương yêu mà thưa rằng: "Anh còn trẻ hơn em, chưa một lần kết hôn, còn em đã lỡ một nhịp đò… Em sợ để anh phải thua thiệt".
Thế nhưng, trước nhịp độ khẩn trương, bề bộn của công tác chuẩn bị cho Tổng tiến công Mậu Thân 1968, anh chị sát cánh bên nhau trong rất nhiều nhiệm vụ hiểm nguy. Chị đã chấp nhận tình yêu của anh trong những ngày tháng gian nan mà sôi động đó. Hai vợ chồng quấn quýt nhau không rời, những nghi ngờ của bọn mật vụ dần dần bị đánh tan.
Tuy nhiên, hạnh phúc của đôi vợ chồng điệp viên ấy không kéo dài. Sau khi bị Quân giải phóng tấn công vào tận hang ổ Sài Gòn, địch dần lấy lại thế tấn công, tổ chức càn quét, khủng bố dữ dội các cơ sở cách mạng bị chúng tình nghi. Tổ chức nắm được địch có kế hoạch bắt Nguyễn Ninh nên sớm báo động cho anh trở về căn cứ. Chị thì thay đổi họ tên, trở về Quảng Ngãi hoạt động. Trong một lần về Sài Gòn nắm tình hình, chị bị bọn mật vụ phục kích, bắt trở lại nhà tù. Những trận đòn thù lại dội xuống, chị vẫn không khai nửa lời, bị địch chuyển hết nhà giam này đến nhà giam khác…Mãi đến tháng 5/1973, thực hiện Hiệp định Pa-ri, địch trao trả chị bên dòng sông Thạch Hãn.
Nhà tình báo Bạch Ngọc Phách. |
Về phần anh, vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ trong căn cứ cho đến ngày đất nước thống nhất mới được chuyển ra Bắc, đi an dưỡng và chữa bệnh ở Hà Nam. Lúc này, anh chị mới lần dò ra thông tin của nhau. Chị tìm đến Trại thương binh Lý Nhân thăm anh, hai người thương binh ôm chầm lấy nhau, mừng mừng, tủi tủi.
Chị kể cho anh nhiều chuyện, từ chuyện bị bắt, bị tra tấn đến tin vui về những đứa con được chuyển ra Bắc học hành tiến bộ. Đến đây, chị khẽ khàng: "Trước đây, vì nhiệm vụ cách mạng giao mà chúng mình nên nghĩa vợ chồng. Giờ em đã già, không thể sinh nở được nữa. Anh đã cống hiến gần cả cuộc đời cho nhiệm vụ giải phóng đất nước, giờ là lúc anh có quyền nghĩ đến hạnh phúc riêng. Anh nên xây dựng gia đình với một người có thể sinh cho anh một đứa con…". Anh vội ngăn không cho chị nói tiếp: "Một ngày cũng là nghĩa vợ chồng, huống chi chúng mình đã có bao nhiêu hạnh phúc. Chúng ta trở về sau cuộc chiến, dẫu thân thể không còn lành lặn nhưng so với bao đồng đội đã hy sinh, như thế đã là may mắn lắm. "Đám cưới" của chúng mình vẫn còn hiệu lực".
Hai thương binh ấy đã trở về bên nhau, sống tiếp cuộc đời hạnh phúc trong căn phòng nhỏ ở Khu tập thể Quân đội Bắc Nghĩa Tân (Hà Nội). Ông tiếp tục mở lớp dạy tiếng Pháp, bà tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Năm nào, đôi vợ chồng già ấy đều được bình chọn là "Gia đình văn hóa" của khu phố…
Theo Quân đội nhân dân
Cảm động bàn tay của mẹ:
[mecloud]UixugFrCQy[/mecloud]